Điện gió miền Tây gặp khó, gỡ thế nào?

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm khẳng định, chủ trương phát triển điện gió đã có, còn trong quá trình thực hiện, vấp ở đâu gỡ ở đó.

Hàng chục dự án điện gió đang được triển khai ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, khó khăn chung của nhiều nhà đầu tư điện gió tại đây là người dân chưa giao mặt bằng, không có đường để vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia năng lượng độc lập - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho rằng, chính quyền địa phương cần phải đứng ra giải quyết những khó khăn của chủ đầu tư các nhà máy điện gió.

Ông dẫn ví dụ, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, do đó các nhà đầu tư cần nêu rõ khó khăn và gửi kiến nghị tới lãnh đạo địa phương để địa phương giải quyết. Đối với những vấn đề liên quan đến đường dây truyền tải, địa phương không giải quyết được thì báo cáo lên Bộ Công thương. Theo quy định của Nhà nước, Bộ Công thương không giải quyết được thì có thể gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

"Những vấn đề này thuộc về quá trình thực hiện, vấp đâu thì giải quyết ở đó. Trong trường hợp ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư mà chính quyền địa phương không giải quyết được thì cần kiến nghị lên cấp trên", TS Ngô Đức Lâm nói.

Nhiều dự án điện gió ở Bạc Liêu đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Nhiều dự án điện gió ở Bạc Liêu đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng, điện gió đang lặp lại kịch bản của điện mặt trời. Cũng giống như điện mặt trời, điện gió bắt đầu thu hút các nhà đầu tư khi Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió.

Theo Quyết định 39/2018 /QĐ-TTg, các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 UScent/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 UScent/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Mức giá mua điện gió này tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39 được thi hành (khoảng 1.770 đồng/kWh, tương đương 7,8 UScent/kWh).

Điều đáng nói, giá mua điện gió tại Quyết định 39 được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Chính vì thế, thời gian qua, hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào điện gió cho kịp đưa vào vận hành trước 1/11/2021 để được hưởng hỗ trợ giá điện của Nhà nước cũng như kịp hòa vào lưới điện quốc gia.

TS Ngô Đức Lâm lạc quan cho rằng điện gió sẽ không đi vào vết xe đổ này của điện mặt trời. Nhớ lại thời gian cuối năm 2020, vị chuyên gia cho hay, nhiều dự án điện mặt trời để chạy đua hưởng giá điện ưu đãi đã xảy ra tình trạng gian dối. Một số nhà đầu tư bắt tay với điện lực địa phương nghiệm thu ẩu, chưa hoàn thành nhưng vẫn cứ cho nghiệm thu trước ngày 31/12/2020, thậm chí có hiện tượng chủ đầu tư dự án thiếu pin mặt trời còn tháo chỗ khác ra để lắp vào dự án mới, chờ nghiệm thu, quay phim, chụp ảnh xong rồi lại tháo ra.

"Từ bài học điện mặt trời, chính quyền các địa p hương và các cơ quan quản lý phải rút kinh nghiệm và thận trọng hơn trong việc này. Ngay cả khi chủ dự án điện gió phản ánh gặp khó khăn nọ, khó khăn kia thì cơ quan chức năng phải điều tra cho kỹ, còn nếu quan liêu thi không chừng lặp lại vết xe đổ của điện mặt trời", TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Lưu ý như vậy, vị chuyên gia năng lượng đồng thời khẳng định lại chủ trương của Nhà nước ta là khuyến khích điện gió. Hiện nay điện gió ở đất liền và ven biển đã ít phát triển hơn, xu hướng trên là phát triển điện gió ngoài khơi.

"Điện gió làm trong đất liền tốn đất, môi trường cũng bị ảnh hưởng. Nhưng làm ở ngoài khơi thì thuận lợi hơn nhiều, chất lượng gió cũng tốt hơn gió trong đất liền.

Chẳng hạn, gió trong đất liền có thể bị vướng công trình, đôi khi bị quẩn, nên phải làm trên cao. Nhưng làm điện gió ngoài khơi thì không cần như vậy, tốc độ gió tốt hơn, cũng không vướng gì. Chỉ cần lưu ý không làm điện gió ở vùng sinh thái biển, hoặc vùng làm ăn kinh tế để tránh cản trở. Còn những nơi khác ở biển hoàn toàn có thể làm, mà cái này Việt Nam dư địa còn nhiều.

Bên cạnh đó, công nghệ làm điện gió ngày một giảm giá, khác với nhiệt điện than mỗi năm tăng giá 5-10% (nhiên liệu, công nghệ), do đó các nhà đầu tư đổ xô vào điện gió", TS Ngô Đức Lâm phân tích.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu vừa có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với chủ đầu tư các dự án điện gió nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, lãnh đạo tỉnh hết sức chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai các dự án, chưa lường hết được những khó khăn do các dự án phải làm nhanh để kịp thời gian ưu đãi về giá. Chưa kể, các nhà đầu tư cũng phải chạy đua với thời gian để kịp hòa vào lưới điện quốc gia trong năm 2021. Đây là áp lực với các nhà đầu tư, tạo nên áp lực rất lớn đến các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng để phục vụ vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng…

Do đó, yêu cầu các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất, khó đến đâu gỡ đến đó.

Đối với trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chịu di dời và bàn giao mặt bằng, nếu đã thực hiện hết các chính sách, các giải pháp tuyên truyền, vận động không được thì bắt buộc cưỡng chế, bảo vệ thi công.

Các sở, ngành có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời với UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo xử lý về việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường truyền tải điện, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng…

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/dien-gio-mien-tay-gap-kho-go-the-nao-3429052/