Điện gió, điện mặt trời phải giảm công suất: 'Khổ nỗi...'

Chuyên gia năng lượng dự báo sẽ còn nhiều công văn phản ứng nữa khi có điện mà không truyền tải được.

Lỗi cả hai bên

Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) vừa gửi công văn đến Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực VN (EVN) phản ánh việc các nhà máy điện gió tại tỉnh Bình Thuận bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký giữa các dự án này với ngành điện trước đó.

Theo phản ánh của Hiệp hội, trong tháng 6 vừa qua, cơ quan điều độ hệ thống điện đã yêu cầu các dự án trên lưới giảm tải, tỉ lệ giảm tải từ 38-65% công suất thiết kế, không phân biệt dự án điện gió hay mặt trời.

Điều này gây thiệt hại cho nhà đầu tư và lãng phí cho xã hội khi công suất phát ra không giải tỏa được.

Theo TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam), việc quá tải đường dây truyền tải khi các dự án đồng loạt nối lưới đã được cảnh báo từ lâu khi các dự án điện gió, điện mặt trời cùng tập trung một số khu vực phát triển nóng trong khi lưới điện chưa phát triển tương ứng. Trong hoàn cảnh như vậy, ông khẳng định, "không cắt không được" bởi đường dây chỉ có thế.

"Phần lớn nhà máy điện gió, điện mặt trời đặt ở những khu vực xa trung tâm, xa khu công nghiệp lớn, khi có được điện rồi thì cần phải có đường dây để cấp cho các khu công nghiệp, trung tâm. Thế nhưng, ở những nơi đó lại không có đường dây lớn.

Khi làm đường dây 500kV, 220KV là tính theo quy hoạch cũ: quy hoạch nhà máy phát điện đồng thời quy hoạch luôn đường dây truyền tải.

Trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh, khi xây dựng thêm 60 nhà máy đồng thời người ta đã tính cần bao nhiêu đường dây, ở vị trí nào thì mới xây dựng kịp, nếu không xây dựng kịp thì dẫu có xong nhà máy cũng không tải được", TS Ngô Đức Lâm chỉ rõ.

Vị chuyên gia năng lượng cho biết, các nhà máy điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận khi xây dựng chưa tính đến chuyện đường dây có đủ không. Lỗi này, theo ông, do cả hai bên: chủ đầu tư và EVN.

"Lẽ ra khi xây dựng, nhà đầu tư phải tính đến chuyện điện tải đi đâu, còn EVN nếu biết trước thì phải cảnh báo nhà đầu tư không nên vào khi không có đường dây.

Khổ nỗi thời gian qua điện mặt trời phát triển quá nóng, nếu không cho các nhà đầu tư xây dựng thì sẽ bị đổ cho là cố tình làm nhiệt điện than, chặn đường năng lượng tái tạo phát triển", TS Ngô Đức Lâm chia sẻ.

Dự án điện gió ở Bình Thuận bị cắt giảm công suất cùng điện mặt trời

Dự án điện gió ở Bình Thuận bị cắt giảm công suất cùng điện mặt trời

Thông thường, ở những nơi có vốn liếng lớn, xây dựng được trung tâm nhiệt điện bằng năng lượng mặt trời, gió thì sẽ làm luôn đường dây cao thế đi vào các khu vực như khu phố, khu công nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, những nơi có điện mặt trời, điện gió lại chưa thành trung tâm lớn, nếu xây dựng đường dây để chờ thì còn tốn kém hơn.

Cho nên, theo chuyên gia, khi xây dựng đường dây phải tính toán có bao nhiêu nhà máy mặt trời, nhà máy điện gió có đủ khả năng đi vào hoạt động. Chẳng hạn, khi đạt sản lượng 500MW, 1.000 MW, 20.000 MW... thì mới làm đường dây truyền tải, không ai làm đường dây trong khi không đủ sản lượng điện vì như thế sẽ lỗ vốn.

"Tình trạng trên EVN, Bộ Công thương biết cả. Tôi được biết EVN đã báo cáo Bộ Công thương và Bộ đã trình lên Chính phủ đề nghị bơm vốn bổ sung thêm đường dây và chắc chắn tới đây Chính phủ sẽ họp với EVN, Bộ Công thương, nhà đầu tư để bàn cách giải quyết. Song việc xây dựng đường dây không đơn giản.

Thứ nhất, vốn chắc gì đã có ngay. Thứ hai, có vốn chắc gì đã xây dựng được ngay vì đường dây đi qua rất nhiều nơi, địa phương phải cấp đất làm đường dây rồi lại phải bảo vệ đường dây ấy trong khi họ không được gì.

Việc ấy không hề dễ dàng, cho nên khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải là điều ai cũng muốn nhưng ngay việc xây dựng lưới truyền tải quốc gia còn gặp khó khăn, liệu tư nhân có giải quyết nổi?

Việc này cần phải có áp lực của Chính phủ, Chính phủ quy hoạch thì địa phương phải chấp hành quy hoạch ấy, lúc đó mới có khả năng làm được.

Phương án trước mắt, điện trên các đường dây 500kV, 220kV thay vì cấp cho địa phương như trước đây thì giờ không cấp nữa, sử dụng luôn điện mặt trời của địa phương đó để tránh lãng phí", TS Ngô Đức Lâm phân tích.

Điện mặt trời còn phát triển nóng nữa

Thừa nhận điện mặt trời đang phát triển nóng song TS Ngô Đức Lâm cho rằng "chưa ăn thua" vì chưa đạt được kế hoạch như Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đặt ra.

Theo kế hoạch Tổng sơ đồ điện VII đặt ra, tính đến năm 2020 công suất điện mặt trời đạt 850 MW, đến năm 2030 là 12.000 MW.

"Điện mặt trời chưa đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu điện bởi theo tính toán tới năm 2030 mới chiếm 10% sản lượng. Dự tính đến năm 2023, Việt Nam sẽ thiếu điện nhiều, do đó, phải phát triển thêm các nguồn năng lượng khác vào như khí và khí hóa lỏng", ông Lâm nói.

Bởi điện mắt trời còn tiếp tục phát triển nóng nữa nên vị chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều công văn phản ứng nữa. Trước mắt sẽ là việc có điện mà không truyền tải được. Thứ hai là khi đưa vào nhiều, tỷ lệ điện mặt trời trong hệ thống của EVN được nâng cao (hiện nay chưa được 10%), do ảnh hưởng của thời tiết (bão, lũ lụt) mà nguồn điện bị sập thì khi ấy sẽ là thảm họa, không phải sự cố đơn thuần nữa.

"Cho nên, phát triển điện mặt trời đến mức độ nào thì cũng cần có thời gian kiểm chứng xem hoạt động có ổn định hay không. Nếu ổn định thì lúc đó mới phát triển nhiều", ông Lâm lưu ý.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia đặt ra, đó là điện mặt trời được coi là năng lượng sạch, nhưng thực ra chỉ là tương đối. Bởi chỉ cần 20 năm nữa, khi những tấm pin mặt trời phế thải được thay ra, lúc ấy chúng trở thành loại rác thải độc hại.

"Phải tính chuyện lâu dài, không thể mọi nơi ùn ùn làm điện mặt trời, bởi khi phát triển quá nóng và sau một thời gian nó sẽ phát sinh chuyện khác, lúc ấy ai chịu trách nhiệm?", TS Ngô Đức Lâm nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dien-gio-dien-mat-troi-phai-giam-cong-suat-kho-noi-3383118/