Điện Dục Anh, đền Cây Quế và đình Hòa Mục

Điện Dục Anh thờ bà Phạm Thị Uyển, cháu của Phùng Hưng. Ba chị em bà đều là tướng, được thờ làm thành hoàng tại đình Hòa Mục. Đền Cây Quế thờ Mẫu. Xếp hạng: cụm Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1992). Địa chỉ: số 139 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Tọa độ: 21°00'40'N 105°48'32'E, cạnh cầu Hòa Mục, cách Hồ Gươm hơn 6km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: 21 Lê Văn Lương (30, 51, 84) hoặc 498 Đường Láng (16, 24, 27).Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Theo thần tích lưu giữ trong đình làng Hòa Mục, xưa kia ở quận Nam Xương có ông Phạm Huyên, hiệu Minh Dực, kết duyên cùng bà Phùng Thị Thảo, hiệu Diệu Hoa - chị ruột của Phùng Hưng. Họ sinh được con gái đầu (Ả Đại Nương) là Phạm Thị Uyển [1], sau đó có thêm hai con trai là Phạm Miện, Phạm Huy. Khi Phùng Hưng khởi nghĩa, cả ba chị em đã theo cậu ruột về giải phóng thành Tống Bình, tức thành Đại La ở thế kỷ 8.

Nhà Đường cử đại binh sang đàn áp. Phạm Thị Uyển dẫn đầu một cánh quân thủy nghênh chiến. Thế giặc mạnh, bà gieo mình xuống sông tự vẫn, xác trôi qua Hòa Mục, dân làng vớt lên lập mộ bên bờ sông Tô Lịch, rồi xây thành miếu Ả Đại Nương. Bảy thế kỷ sau, nghĩa quân Lam Sơn tiến về bao vây giặc Minh trong thành Đông Đô. Một lần Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu này được bà báo mộng sẽ phù hộ để chiến thắng. Khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã ban sắc phong bà là Khiêm Sung đại vương.

Ngôi miếu thờ Ả Đại Nương sau này được một người làng Hòa Mục làm tới chức tuần phủ Bắc Giang là Nguyễn Văn Nhã cho tôn tạo thành điện Dục Anh, có thờ thêm cả Mẫu Liễu Hạnh. Phía tây, giáp với điện này có ngôi đền Cây Quế, xưa kia vốn thuộc làng Tả Vọng, khoảng chỗ phố Trần Nguyên Hãn bây giờ. Năm 1898, chính quyền thực dân Pháp lấy đất làm nhà máy điện Bờ Hồ, nên dân Tả Vọng mới di chuyển ngôi đền về làng Hòa Mục. Ngày nay, đền Cây Quế còn được biết đến như Thiên Tiên Quế Điện, một điểm thực hành tín ngưỡng thờ Tứ Phủ.

Sau điện Dục Anh. Panorama 2017 NCCong

Tại vùng Lãng Bạc (Hồ Tây) và các cửa sông Thiên Phù, Tô Lịch thông ra sông Hồng đã từng diễn ra trận đánh đầu tiên của nghĩa quân Hai Bà Trưng với bọn giặc xâm lăng Mã Viện. Theo truyền thuyết, trận ấy có hai nữ tướng hy sinh anh dũng, về sau được dân làng Hòa Mục lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô. Hiện ngôi miếu nhỏ này nằm cạnh tam quan điện Dục Anh và trong di tích vẫn còn tấm bia đá mang niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) ghi lại việc trùng tu.

Ngày 22-4-1992, cụm di tích đình Hòa Mục, điện Dục Anh và đền Cây Quế đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2008 lại hoàn thành một đợt trùng tu với kinh phí nhà nước hỗ trợ và công đức của thiện nam tín nữ.

Kiến trúc

Điện Dục Anh quay mặt về hướng đông-bắc, nhìn ra sông Tô Lịch và cầu Hòa Mục với cầu vượt Lê Văn Lương. Tam quan rộng 3 gian 2 dĩ, các cửa chỉ mở vào dịp lễ, tường hồi bít đốc, đầu hiên có tượng hai Hộ pháp đối diện. Phía sau là một phương đình nhỏ, xây kiểu chồng diêm. Tiếp đến là đại đền 5 gian nối liền với hậu cung thành hình "chữ Đinh". Cạnh tam quan có cổng phụ dẫn vào sân, bên tay trái là dãy nhà khách khá dài. Sau hậu cung có ao nhỏ với hòn non bộ, xa hơn là vườn cây và một cổng phụ khác mở ra ngõ, đối diện bức tường của đền Cây Quế.

Trong sân đền Cây Quế. Panorama 2017 NCCong

Đền Cây Quế cũng có cổng chính với các trụ biểu nhỏ nhìn ra sông Tô Lịch. Du khách đi theo lối này từ cổng bước qua vườn cây sẽ vào sân chính. Quanh sân là nhà khách, ngôi đền cũ và điện Mẫu. Điện Mẫu xây to nhất, mặt quay về hướng đông-nam, bên hữu điện là một dãy hành lang dựa vào bức tường bao khuôn viên. Từ sân chính còn có cổng phụ mới xây và mở ra ngõ 139 Nguyễn Ngọc Vũ.

Đi sâu vào con ngõ lớn này khoảng trăm bước, du khách sẽ thấy bên trái là hai cái ao đình khá lớn. Đình làng Hòa Mục gồm đình Ngoài và đình Trong. Đình Ngoài hiện nay đã bị mất tam quan. Đại bái gồm 3 gian, 4 cửa làm kiểu “thượng song hạ bản”. Bộ vì mái làm kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Đình Trong quay mặt về hướng tây-nam nhìn ra ao. Sau tam quan với 4 cột trụ to là một sân rộng có hai dãy tả, hũu vu ở hai bên. Tòa đại bái gồm 5 gian 2 dĩ, phía sau có hậu cung nối vào thành hình chuôi vồ.

Di sản

Bên trong cụm di tích của làng Hòa Mục bao gồm các đình đền nói trên hiện nay vẫn lưu giữ được những đồ tế khí, bia, chuông, tượng cũng như các tạo tác kiến trúc, chủ yếu là sản phẩm nghệ thuật của hai thế kỷ 19-20.

Trước đình Hòa Mục. Panorama 2017 NCCong

Trang trí của đình Ngoài được tập trung vào các bức cốn của gian giữa với các đề tài tứ linh, tứ quý; các bay và kẻ thì chủ yếu là vân xoắn và hoa lá. Bộ cửa đại bái của đình Trong được làm kiểu bức bàn suốt 5 gian. Điêu khắc trên kiến trúc tập trung ở các cổn mê, bẩy, kẻ và các con rường. Phần trang trí gồm có các đề tài lão trúc, long mã, long cuổn thủy, cá chép vượt vũ môn.

Cứ 5 năm một lần, dân chúng địa phương lại tổ chức lễ hội để vinh danh Ả Đại nương và hai người em đã được các vua chúa thời xưa phong làm ba vị thành hoàng của làng. Tại hậu cung đình Hòa Mục có 17 đạo sắc phong cùng khá nhiều tấm bia đá và bức hoành phi viết bằng cổ văn chữ Hán.

Phương đình và lối vào miếu Hai Cô

Di tích lân cận

Chùa Giáp Nhất: số 223 phố Giáp Nhất.
Chùa Mứng (Cảm Ứng Tự): ngõ 538 đường Láng.
Đình Mọc Giáp Nhất: số 213 phố Giáp Nhất.
Đình Quan Nhân: ngõ 144 Quan Nhân.
Đình Ứng Thiên (đền Hậu Thổ): số 7 ngõ 151 Láng Hạ.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dien-duc-anh-den-cay-que-va-dinh-hoa-muc-59112