Điên đảo trong cơn mê tiền ảo

Thời gian gần đây, dù cơ quan chức năng liên tục vạch trần các thủ đoạn kinh doanh đa cấp thông qua đầu tư tiền ảo nhưng ngày qua ngày, vẫn có nạn nhân, nhất là giới trẻ, bị mắc bẫy.

Bitcoin, Onecoin và hàng trăm đồng coin tương tự đều mang chung một bản chất: Lừa đảo! Tiền ảo đã thật sự trở thành một “cơn bão” mà khi đến đâu, đều gây ra những “cơn ác mộng” đầy cay đắng…

Phi vụ đen tối

Trương Ngọc Tuyển (26 tuổi) là một nhân viên kế toán, xuất thân trong một gia đình nề nếp, có truyền thống tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Dù tuổi đời còn trẻ nhưng do có năng lực, Tuyển được nhiều công ty tư nhân “chọn mặt gửi vàng”, nhờ quản lý việc sổ sách, tiền bạc làm ăn của họ.

Nhưng ít ai biết được, Tuyển là người “nhiều tài nhưng cũng lắm tật”. Trong suy nghĩ của gã luôn tồn tại một giấc mơ làm giàu mãnh liệt. Có điều, tham vọng làm giàu của gã không đến từ những công việc thực tế mà lại ở trên… không gian ảo.

Chân dung Trương Ngọc Tuyển

Chân dung Trương Ngọc Tuyển

Chẳng là Tuyển rất rành về công nghệ thông tin nên am tường về tiền ảo và sàn giao dịch của nó. Nam thanh niên này lập cho mình một tài khoản kinh doanh tiền ảo Bitcointrên internet có tên miền htbitcoin.com. Thời gian đầu đổ tiền vào, Tuyển kiếm được một ít lợi nhuận từ việc “đầu tư” coin, do đồng này lên giá.

Thấy “ngon ăn”, gã bắt đầu nảy lòng tham. Lợi dụng việc 2 công ty tư nhân giao cho quản lý tài khoản ngân hàng của họ, Tuyển đã lén lút thực hiện lệnh chuyển tiền điện tử qua tài khoản cá nhân của mình, sau đó dùng số tiền này đầu tư hết vào tiền ảo.

Đối tượng Trương Ngọc Tuyển làm việc tại cơ quan điều tra.

Một, hai phi vụ đầu, Tuyển “bỏ túi” được kha khá. Nhưng Tuyển không ngờ, một ngày đẹp trời nọ, sàn giao dịch tiền ảo mà mình đã trút hết một số vốn khổng lồ vào đó bỗng dưng bị… sập. Mọi dữ liệu đều bị mất và theo đó, những đồng tiền coin đầy triển vọng cũng “bốc hơi” theo.

Tính đến thời điểm sàn tiền ảo này bị sập, Tuyển đã lén rút hơn 8 tỷ đồng từ 2 công ty để đổ vào “đầu tư” bitcoin. Sợ việc đương nhiên không thể ém nhẹm bởi Tuyển không thể tìm ra được số tiền nào khác để đắp vào. Kết quả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc và đưa mọi việc ra ánh sáng.

Đối tượng Trương Ngọc Tuyển lúc bị bắt giữ

Tại cơ quan công an, khi làm việc với cán bộ điều tra, Tuyển thừa nhận hành vi phạm tội và tỏ ra vô cùng hối hận. Từ một vọng tưởng làm giàu phi thực tế, nam thanh niên này đã không ngờ rằng kết cục xảy đến lại quá cay đắng.

Sau 20 ngày điều tra, củng cố chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự và Khởi tố bị can đối với Tuyển về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”. Tương lai của chàng trai trẻ xem như rơi vào tăm tối vì lòng tham mù quáng…

Vỡ mộng phù dung

Không những “càn quét” khu vực nội thành, các đường dây đa cấp núp dưới chiếc bóng kinh doanh tiền ảo còn vươn vòi bạch tuộc khuấy đảo các vùng quê. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân quê để kích động lòng tham “đổi đời” ở họ. Chúng tìm về những nơi xa xôi, hẻo lánh, nơi chưa từng biết về internet là gì để lập những “ngân hàng Bitcoin”, sau đó rao giảng về những câu chuyện làm giàu đầy sống động.

Đương nhiên, thời gian đầu, các đối tượng này sẽ tự bỏ tiền túi của mình để “trả lãi” cho “nhà đầu tư” nào tham gia vào chơi Bitcoin. Thấy “dễ ăn”, không cần bỏ sức lao động nhưng vẫn có được số lợi nhuận “khủng”, rất nhiều người dân nghèo chẳng mấy chốc đã bị lọt vào tròng của chúng.

Bà Trương Thị Thanh Thanh (ngụ xã An Phú, TX.An Khê, Gia Lai) là một ví dụ điển hình. Mê đổi đời, bà đã đi vay nặng lãi 120 triệu đồng để đầu tư vào Bitcoin với hy vọng sau một năm, sẽ nhận được lợi nhuận gấp đôi. Nào ngờ tiền lời đâu chẳng thấy mà bà còn bị mất luôn số vốn đã đầu tư trước đó.

Biết gặp phải bọn lừa đảo, bà Thanh đâm ra uất hận, chán sống. Cộng thêm việc tiền vay nợ trước đó lãi mẹ đẻ lãi con, không còn đường xoay xở, người phụ nữ này đã quẫn trí nhảy xuống giếng tự tử để “tự giải thoát mình” nhưng may mắn được người nhà cứu sống. “Cũng vì tôi cả tin mà giờ tán gia bại sản, còn làm liên lụy đến gia đình” – bà Thanh nước mắt lưng tròng mỗi khi nhắc lại.

Một nạn nhân ở Gia Lai bị lừa khi đầu tư vào tiền ảo

Sự xuất hiện của những “nhà kêu gọi đầu tư tiền ảo” này một thời gian dài đã gây chấn động cả một vùng quê yên bình. Hàng trăm người dân bị các đối tượng nêu trên bày trò lừa đảo với thủ đoạn không khác gì kinh doanh đa cấp.

Khi số lượng người tham gia đã đủ lớn, gôm đủ tiền, chúng bỗng dưng biến mất không dấu vết, mang theo những “sàn giao dịch ảo” vào hư vô. Nhiều người đi đến cơ quan công an trình báo nhưng mọi chuyện đã quá muộn vì trên thực tế, mọi giao dịch đầu tư vào tiền ảo trước đó của họ đều không có bất kỳ văn bản pháp lý nào để đối chứng…

Làm giàu là giấc mộng mà có lẽ ai cũng nghĩ tới, nhưng rõ ràng, chẳng một con đường đổi đời nào dễ dàng như những lời mà các đối tượng kêu gọi đầu tư tiền ảo hay “rót mật vào tai” người khác. Nhiều người không tỉnh táo dốc hết tài sản và cả đi vay mượn để đút vào chiếc túi tham của những chuyên gia Bitcoin, đến khi vỡ mộng phù dung, lâm cảnh tiền mất tật mang rồi thì hối hận cũng đã quá muộn màng…

“Bình mới, rượu cũ”

Liên quan đến tiền ảo, có hàng trăm chiêu lừa mà các đối tượng áp dụng. Tùy vào đặc thù vùng miền, và “kiến thức” của cộng đồng mà chúng có cách áp dụng từng mô hình, thủ đoạn khác nhau. Một mô hình “đầu tư” tiền ảo rất mới vừa bị người dân tố cáo do một “chủ mỏ đào” tại Q.Phú Nhuận (TPHCM) đã lẳng lặng “ẵm” hơn 900 tỷ đồng tiền thật của nhiều “nhà đầu tư” rồi biến mất. Đó là ông Lê Minh Tâm - giám đốc của Hợp tác xã Sky mining.

Theo xác minh bước đầu của cơ quan công an, Sky mining trên pháp danh là một công ty bán thiết bị điện tử nhưng lại tổ chức việc kêu gọi người dân đầu tư tiền thật vào mua máy “đào” coin để sinh lời.

Theo tố cáo của anh N.V.T (một nạn nhân) tại cơ quan công an, trước khi bắt đầu “làm ăn” với ông Tâm, anh T. được “tư vấn” đóng các gói mua máy “đào” coin từ 100 đến 5.000 USD. Trước khi anh T. chấp nhận “đầu tư”, anh T. được ông Tâm xìa ra hàng chục bản hợp đồng mua máy tương tự, khiến anh có niềm tin.

Phía Sky mining cam kết sau 12 tháng, sẽ trả lại vốn và lãi đến… 300% mức đầu tư mà người mua đã bỏ ra. Khi đóng tiền xong, hợp tác xã này sẽ xuất máy cho “nhà đầu tư” và họ sẽ ký gửi lại máy để phía Sky mining “đào” tiền ảo giúp. Từ 15 đến 18 tháng sau, khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận 300%, người mua sẽ trả lại máy cho hợp tác xã.

Thỏa thuận chắc như “đinh đóng cột” là vậy, nhưng đến cuối tháng 7-2018, anh T. nhiều lần không liên lạc được với ông chủ “mỏ đào”, trong khi nguồn tiền đã đầu tư vào rất lớn, lợi nhuận cũng chẳng thấy đâu nên đến cơ quan công an trình báo.

Vào cuộc xác minh, Công an Q.Phú Nhuận triệu tập ông Tâm lên làm việc nhưng đến nay người này vẫn “bặt vô âm tín”. Hay tin, hàng loạt người từng ký kết hợp đồng với Sky mining đã tìm đến hợp tác xã này để đòi lại tiền và con số đầu tư theo ước tính ban đầu đã lên tới hơn 900 tỷ đồng.

Một hội thảo “chui” kêu gọi tham gia đầu tư tiền ảo ở Q1, TPHCM.

Xem xét qua hợp đồng mà Sky mining ký kết với người mua, Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá đây rõ ràng là một mô hình huy động vốn có dấu hiệu theo kiểu kinh doanh đa cấp. Nhưng hình thức này mới ở chỗ là nó đánh vào tâm lý “người thật việc thật” với những ai muốn tham gia vào kinh doanh tiền ảo. “Rõ ràng thời gian qua báo chí đã vạch trần rất nhiều thủ đoạn của mô hình kinh doanh tiền ảo.

Sky mining biết điều đó nên đã dùng chiêu “bình mới, rượu cũ”. Mặc dù bề mặt là “đào” coin để né đi tiếng kinh doanh đa cấp nhưng bản chất vẫn là huy động vốn từ người này qua người khác và đến ngưỡng nào đó thì sẽ tính đường chiếm đoạt tiền” – luật sư Tuyết phân tích.

Cũng theo nữ luật sư này, ngay từ hợp đồng ký kết của Sky mining với khách hàng, đã thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật, ở chỗ một chiếc máy trên thị trường có giá trị thật thật chưa đến 10 triệu đồng nhưng “nhà đầu tư” lại phải bỏ ra đến 5.000 USD. Trong khi mỗi ngày “đào” coin cao nhất cũng chỉ 5 USD thì sau khoảng thời gian thương lượng, làm sao hợp tác xã này kiếm ra số tiền lãi từ 200 đến 300% như đã cam kết để trả cho “nhà đầu tư?

Bản chất của tiền ảo khi xâm nhập vào nước ta là kinh doanh đa cấp. Điều này trong thời gian qua đã được nhiều cơ quan chức năng vạch trần và báo chí liên tục thông tin cảnh báo. Dẫu vậy, nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy.

Nguyên nhân, theo các chuyên gia tâm lý học, đơn giản là do lòng tham ở mỗi con người! Sky mining, Modern Tech… với những phi vụ lừa đảo từ hàng nghìn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng rõ ràng là những bài học nhởn tiền để cảnh báo nhưng ở đâu đó, vì ý thức và vì lòng tham của một bộ phận người dân nên hoạt động đen tối này vẫn còn đất sống…

Điều tra một đường dây tiền ảo khó đến mức nào?

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, thượng tá Nguyễn Minh Học (Phó trưởng Phòng PC46 - Công an tỉnh Khánh Hòa) cho biết, để khởi tố được vụ đối tượng Trương Ngọc Tuyển lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra mất hết 20 ngày. Điều lưu ý ở đây là qua lời khai của đối tượng về việc dùng tiền chiếm đoạt để đầu tư vào sản giao dịch Bitcoin trên mạng, cơ quan điều tra phải mất rất nhiều thời gian, công sức, trí lực để truy sàn giao dịch đó ở đâu, do ai quản lý.

Quá trình điều tra, phòng này phải cử các cán bộ dày dạn kinh nghiệm đi xác minh nhiều nơi, làm rõ nhiều đầu mối. Tuy nhiên, do số chứng minh nhân dân mà các đối tượng hoạt động trên sàn giao dịch tiền ảo sử dụng là giả, cộng thêm việc sàn này trước đó đã bị sập nên gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan công an. “Không đơn giản để làm rõ được một vụ việc có liên quan đến tiền ảo, vì ngoài nghiệp vụ chuyên môn, lực lượng điều tra cũng phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới về công nghệ, nhất là cách thức hoạt động và khái niệm chuyên sâu về nó” – thượng tá Nguyễn Minh Học chia sẻ.

Huỳnh Nam (ghi)

Huỳnh Văn - Đức Nam

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/dien-dao-trong-con-me-tien-ao_60083.html