Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V: Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà

Hiện nay, lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề: "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà" nhằm phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả "3 cao" (năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao) theo hướng nông nghiệp y học và nông nghiệp sinh học theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, năm 2020 là một năm thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nông dân, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó vươn lên, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cũng nhờ tinh thần và sức mạnh đó mà nông nghiệp, nông thôn nước ta trong năm 2020 một lần nữa lại chứng tỏ là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp to lớn vào sự ổn định, hội nhập và phát triển.

Các tiềm năng về dân số, sự đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học với hàng nghìn loại giống cây, con, thổ sản quý hiếm cho phép sản xuất được cả 3 nhóm nông sản (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới); 1.200 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, 15.800 hợp tác xã, 40.000 trang trại, 8 triệu hộ nông dân đã và đang sản xuất tập trung.
Tuy nhiên, trước cơ hội hội nhập sâu rộng, nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị.

Để tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, theo ông Thào Xuân Sùng, hoạt động nông nghiệp cần thống nhất những giải pháp căn cơ nhất để huy động vốn, sử dụng có hiệu quả 2 vấn đề mấu chốt là "vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà", tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để đưa vốn, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với chi phí hợp lý nhất, từ đó nâng cao được sản lượng, chủng loại, chất lượng nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định cho biết, Diễn đàn Nông dân quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. Trong 5 năm qua, đã có nhiều chủ đề thiết thực được thảo luận như "Nông dân toàn cầu – từ tư duy đến hành động" (năm 2016), "Hãy sẵn sàng với nông nghiệp 4.0" (năm 2017), "Xuất khẩu nông sản: Cơ hội và thách thức" (năm 2018), "Từ EVFTA tới CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới" (năm 2019).
Năm 2020, Ban Tổ chức chọn chủ đề vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà vì đây là 2 vấn đề nông dân cả nước hết sức quan tâm. Mối liên kết 6 nhà trong sản xuất và kinh doanh nông sản đang được các "nhà": Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối tích cực xích lại gần nhau.
Diễn đàn đã lắng nghe các báo cáo tham luận về thực tế ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kinh doanh nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp trong liên kết 6 nhà.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt Lê Văn Việt (xã Hồng Hưng – Gia Lộc - Hải Dương) khẳng định, muốn thành công, doanh nghiệp phải lấy lợi ích kinh tế - xã hội và sự phát triển chung của tập thể làm thước đo.

Vì vậy, từ khi thành lập, hợp tác xã đã đề ra mục tiêu giải quyết những tồn tại mang tính bức thiết trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng hóa, cải thiện được chất lượng, số lượng, giá cả, môi trường, gắn với không ngừng đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, dịch vụ.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, vì vậy, quy mô hợp tác xã không ngừng tăng trưởng cả về số lượng thành viên, diện tích sản xuất. Đến nay, hợp tác xã đã tăng vốn điều lệ lên 9 tỷ đồng, có 28 thành viên, diện tích trên 136 ha, lợi nhuận hàng năm lên đến 8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 150 lao động.
Để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả, ông Lê Văn Việt kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng các vùng quy hoạch sản xuất tập trung với quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến ra đời và phát triển; có chính sách tốt về tín dụng cho hợp tác xã làm đòn bẩy tài chính tạo ra liên kết chuỗi vững mạnh.
Tại Diễn đàn, đề cập đến nguồn vốn vay, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Theo đó, vốn cho nông nghiệp công nghệ cao có nhiều đặc thù riêng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, với hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách hiện hành quy định vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, từ 70% đến 80% giá trị dự án.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các Ngân hàng thương mại dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay, lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết: Các ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn cho vay và rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tính đến tháng 10/2020, vốn cho vay dư thừa rất nhiều. Agribank đang nỗ lực cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
"Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ đồng dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay tín chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất phải thực sự khả thi", ông Vượng khẳng định.
Các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để tiếp cận các dự án ứng dụng khoa học của địa phương. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, Nhà nước sẽ làm gì để giúp "kết nối" giữa doanh nghiệp và nông dân cũng như việc làm thế nào để người nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được với các chương trình ưu đãi về nguồn vốn từ các ngân hàng.../.

Đỗ Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dien-dan-nong-dan-quoc-gia-lan-thu-v-von-va-cong-nghe-trong-lien-ket-6-nha/174442.html