Diễn đàn Nông dân quốc gia: Khơi thông lợi thế, nông sản Việt vươn xa

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, nông sản Việt muốn đi xa hơn nữa, đến được nhiều thị trường khó tính thì không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng, mẫu mã, có chuỗi cung ứng nhanh và hiệu quả. Đó là mệnh lệnh của thị trường.

Trước thềm Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn cho nông sản Việt” tổ chức sáng ngày 14.10, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với vị tư lệnh ngành nông nghiệp xung quanh đường đi của nông sản Việt.

Chất lượng – mệnh lệnh của thị trường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát mô hình trồng dứa ở Ninh Bình. Ảnh: Khương Lực

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 với chủ đề “Khơi nguồn cho nông sản Việt” sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ theo 3 chủ đề (phiên) đối thoại chính thức: Phiên 1 chủ đề “Tổng quan chợ nông sản Việt”; phiên 2 chủ đề “Cùng nông dân đi chợ”; phiên 3 có chủ đề “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”. Diễn đàn này nằm trong chuỗi sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: Về tổng thể, con đường phát triển của nông sản Việt là không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của 100 triệu dân trong nước mà còn phải tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vô cùng giàu tiềm năng với 7 tỷ dân.

Dù là cung ứng cho ai và theo kênh nào thì chỉ có một đòi hỏi chung, duy nhất: Đó là phải nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, giá thành hợp lý, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đây là đòi hỏi không phải chỉ trong một thời điểm, đối với một mặt hàng mà là đòi hỏi liên tục và tất cả các mặt hàng, các quy mô sản xuất phải đáp ứng, đó cũng là yêu cầu của cung ứng hàng hóa trong xã hội đương đại. Nông dân, doanh nghiệp, các địa phương, các ngành chức năng phải nhớ được nguyên tắc bất di bất dịch đó để quản trị, phát triển sản xuất phù hợp.

Có thể nhận thấy rất rõ sự chuyển động trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương là công tác chế biến đã được chú trọng. Theo Bộ trưởng, đâu là điểm sáng của quá trình này và nó có tác động thế nào đến xuất khẩu nông sản?

- Hiện, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương, trên từng quy mô khác nhau. Nhưng theo tôi, có một số điểm đáng ghi nhận là nhiều địa phương như Đồng Tháp, Sơn La… đã biết biến bất lợi thành lợi thế.

Ví dụ như Sơn La, quá trình chuyển trục sản xuất rất rõ, họ biết tận dụng đất dốc để chuyển từ trồng ngô sang các loại cây ăn quả đặc sản (nhãn, cây có múi, chanh leo, xoài). Đáng nói là, cả trục chính trị cũng chuyển động theo, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đi tập huấn về triển khai cho địa phương, đích thân mời gọi doanh nghiệp, vận động sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT trong việc tháo gỡ các vướng mắc.

Tây Ninh cũng là một địa phương không có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp do bất lợi về thời tiết nhưng đội ngũ lãnh đạo địa phương rất nhiệt tình, mời doanh nghiệp về khảo sát từng vùng sản xuất, sau đó song song với quá trình sản xuất căn cơ là xây dựng nhà máy chế biến.

Chỉ trong năm 2018, đã có 10 nhà máy chế biến nông sản đã và sẽ được xây dựng ở nhiều vùng sinh thái. Sự chuyển biến trong tái cơ cấu cũng giúp nhiều loại trái cây của Việt Nam đến được không ít thị trường khó tính.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tháng 12 tới sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến thịt heo hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với quy mô 1,4 triệu con lợn của Masan. Rồi đây, thịt lợn của Việt Nam không chỉ xuất đi Myanmar mà còn nhiều thị trường khác. Riêng thịt gà, từ quý III năm nay, sản lượng thịt gà xuất sang Nhật Bản tăng lên 600 tấn/tháng.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh liên kết

Dù vậy, nông sản Việt vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Theo Bộ trưởng, điểm yếu lớn nhất của nông sản Việt là gì?

- Theo tôi, khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ với 7 triệu hộ, đất đai khá manh mún. Điều này sẽ cản trở quá trình đổi mới phương thức quản trị, cản trở quá trình sản xuất lớn, tập trung để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng.

Nhưng tôi nhắc lại, làm ra sản phẩm chất lượng, đẹp, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh là một đòi hỏi, mệnh lệnh của thị trường nên khó thì vẫn phải đẩy mạnh liên kết, để từ đó hình thành vùng nguyên liệu tập trung.

Nhưng rõ ràng, những mô hình liên kết đó chưa nhiều. Vậy theo Bộ trưởng, chất kết dính của mối liên kết này là gì?

- Ở đây phải khẳng định, không phải chúng ta không có những mô hình liên kết hiệu quả trên quy mô lớn, bởi nuôi bò sữa là kết quả của quá trình liên kết thành công trên diện rộng.

Nhưng, tham vọng của chúng ta là mong muốn nhiều ngành hàng, nhiều lĩnh vực làm được điều đó. Vì vậy, phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, tạo mọi cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút họ đầu tư vào nông nghiệp.

Các doanh nghiệp hiện vẫn gặp khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất. Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn này?

- Đúng là đất đai đang là một điểm nghẽn, cản trở quá trình hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ, ngành liên quan rà soát các nghị định, thông tư liên quan đến đất đai; Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu các chính sách để từ đó điều chỉnh theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ tư nhân, thành phần kinh tế tích tụ, liên kết đất đai, cả những điều kiện nguồn lực khác, tài sản trên đất để hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, tạo ra năng lực sản xuất lớn hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Anh Thơ (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/dien-dan-nong-dan-quoc-gia-khoi-thong-loi-the-nong-san-viet-vuon-xa-920876.html