Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới
Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 là nơi chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, giải pháp và những câu chuyện truyền cảm hứng về giảm phát thải gắn với kinh tế và sinh kế.

Các diễn giả tại "Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới"
Nhiệm vụ sống còn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), khẳng định, Net Zero là một trong những cam kết lớn nhất, mang tầm vóc vĩ đại nhất mà nhân loại phải thực hiện.
Cam kết ấy đến từ thực tế có thể thấy rõ là cường độ, tần suất của các thảm họa thiên nhiên hay đại dịch đang gia tăng một cách nhanh chóng. Hàm lượng carbon trong không khí đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 200 năm qua, là nguyên nhân chính gây ra những diễn biến bất thường của thời tiết và khí hậu.
Chính vì vậy, theo ông Nghĩa, giảm phát thải đã trở thành nhiệm vụ sống còn của loài người. Viện trưởng Viện CODE lấy ví dụ về nước Mỹ, dù tổng thống Mỹ Donald Trump không ủng hộ cam kết Net Zero nhưng doanh nghiệp quốc gia này vẫn thực hiện báo cáo ESG, báo cáo phát thải như một lời khẳng định cho thương hiệu và duy trì niềm tin đối với người tiêu dùng có ý thức.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) - Trưởng ban tổ chức Diễn đàn.
Ông Nghĩa khẳng định, cuộc chiến cắt giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu sẽ không bị gián đoạn và tạo ra một luật chơi chung cho toàn cầu.
Ngay tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu hơn 2.000 doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính như một xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc hướng đến hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững.
Trên hành trình dài hướng đến Net Zero, Viện CODE đang là một trong những đơn vị đi đầu tại Việt Nam về tư vấn về báo cáo giảm phát thải khí nhà kính cho tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam, mở rộng sang khu vực rừng đầu nguồn từ Đông Bắc Thái Lan, Lào, Myanmar và Bhutan, với mục tiêu duy trì hàm lượng carbon, giảm phát thải hàm lượng carbon trong rừng, bảo vệ sức khỏe của đất, nguồn nước, và hệ sinh thái rừng nhiệt đới – đặc biệt là tại Việt Nam.
Các giải pháp chính hướng đến Net Zero
Thông tin tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và môi trường, cho biết, ngay sau khi đưa ra cam kết Net Zero vào năm 2050, Thủ tướng đã ban hành đề án thực hiện cam kết, đưa ra 5 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, chuyển dịch năng lượng là giải pháp cốt lõi, theo hướng tăng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu tái tạo. Giải pháp này đòi hỏi sự nỗ lực lớn bởi theo ông Quang, năng lượng tái tạo có tính không ổn định, do đó cần phải phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng. Đây là điều kiện bắt buộc để năng lượng tái tạo hoạt động hiệu quả và ổn định.
Thứ hai, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – đi kèm với thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, phát triển rừng và các hệ sinh thái nhằm hấp thụ carbon, đặc biệt là các hệ sinh thái biển và ven biển. Ông Quang lấy ví dụ, rừng ngập mặn có tiềm năng hấp thụ khí nhà kính cao gấp 3 đến 5 lần so với rừng trên cạn, theo các nghiên cứu khoa học. “Đây là một lợi thế lớn mà Việt Nam cần tận dụng để phát triển bền vững”, lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh.
Thứ tư, thu hồi và lưu trữ carbon. Đây là giải pháp có chi phí rất cao nhưng rất có tiềm năng trong tương lai nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ.
Cuối cùng, định giá carbon và phát triển thị trường carbon. Theo ông Quang, đã có 80 quốc gia trên thế giới áp dụng cơ chế định giá carbon, chủ yếu dưới hai hình thức là thuế carbon và thị trường carbon.

TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và môi trường
Theo thống kê, chỉ riêng giải pháp định giá carbon đã giúp kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu – tương đương khoảng 12 đến 14 tỷ tấn khí thải carbon mỗi năm. Quy mô giao dịch carbon toàn cầu đạt tới 152 tỷ USD, trong đó riêng một số thị trường đã đạt 102 tỷ USD, cho thấy đây là một giải pháp thực sự hiệu quả.
Thị trường carbon – đòn bẩy chuyển đổi xanh Việt Nam
Năm 2021, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố mang tính bước ngoặt rằng Việt Nam sẽ đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết sớm và mạnh hơn nhiều nước đang phát triển khác có mặt bằng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Nga, Trung Quốc.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường, cam kết này mở ra cơ hội để Việt Nam tái định vị hình ảnh quốc gia có trách nhiệm với toàn cầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức to lớn về nguồn lực.
Cụ thể, để thực hiện được cam kết Net Zero 2050 đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ, vượt quá khả năng của đại đa số các quốc gia đang phát triển. Do đó, các công cụ tài chính xanh là một trong những yếu tố tiên quyết để thực hiện cam kết Net Zero, không chỉ đảm bảo nguồn lực giảm phát thải mà còn tạo cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, ông Thọ cho biết, một trong các công cụ tài chính xanh đóng vai trò then chốt đạt được mục tiêu giảm phát thải chính là thị trường carbon. Từ góc nhìn toàn cầu, thị trường tín chỉ carbon đã phát triển mạnh trong vài thập kỷ qua, hình thành một số cơ chế như Hệ thống Mua bán khí thải EU (EU ETS) hay cơ chế CORSIA trong ngành hàng không.
Ngoài ra, sự kết nối giữa thị trường tín chỉ carbon bắt buộc (phải thực hiện theo hạn ngạch khí thải của nhà nước) và thị trường tự nguyện (tự đóng góp để thực hiện cam kết riêng về khí hậu của tổ chức) cũng ngày càng rõ nét.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường
Ông Thọ đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để triển khai thị trường carbon, với lợi thế về diện tích rừng, sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo, khả năng giảm phát thải trong ngành nông nghiệp cũng như lĩnh vực xử lý chất thải.
“Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một lượng lớn tín chỉ carbon có chất lượng”, ông Thọ khẳng định. Với tiềm năng ấy, hướng đến cam kết Net Zero, Việt Nam đã có những bước đi đầu hình thành thị trường carbon, với hành lang pháp lý bước đầu khá rõ ràng và thu hút được sự chủ động tiếp cận, tham gia của các chủ thể liên quan.
Dự kiến, thị trường carbon sẽ sớm được thí điểm tại Việt Nam và sẽ được chính thức vận hành vào năm 2029. Tuy nhiên, theo ông Thọ, để thực sự đi vào vận hành thị trường carbon, có nhiều khoảng trống vẫn cần phải được lấp đầy.
Cụ thể, nhiều văn bản mang tính định hướng, nhưng thiếu quy định cụ thể về tổ chức thực hiện, dẫn tới khó khăn trong triển khai. Cơ chế phối hợp liên ngành, chia sẻ dữ liệu, kiểm tra giám sát và minh bạch hóa vẫn còn yếu.
Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) mới ở giai đoạn đầu, chưa có phương pháp chuẩn áp dụng toàn quốc. Phương pháp kiểm kê phát thải còn thiếu chính xác, thẩm định khí nhà kính còn yếu. Đội ngũ chuyên gia còn ít kinh nghiệm theo chuẩn MRV, năng lực các tổ chức thẩm định chưa đáp ứng yêu cầu cao của nguyên tắc thị trường.
Thiếu công cụ xác thực, đánh giá khách quan khiến người phát thải lo ngại bị thiệt khi công bố dữ liệu. Việc tích hợp công nghệ như blockchain hay sự tham gia của bên thứ ba từ tài chính vẫn chưa thực hiện đúng mục tiêu.
Những hạn chế này khiến năng lực kỹ thuật của thị trường carbon chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành hiệu quả, công bằng và minh bạch.
Để khắc phục những thách thức trên, ông Thọ đề xuất, điều tiên quyết là triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn theo hướng chi tiết về quy trình kỹ thuật, đi kèm với cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan để đảm bảo chia sẻ dữ liệu đồng bộ, tránh tình trạng mỗi bộ ngành vận hành một hệ thống riêng.
Bên cạnh đó, cần thiết lập một nền tảng quản lý tín chỉ carbon toàn quốc, áp dụng định dạng dữ liệu chuẩn và cơ chế kiểm kê, hồ sơ giao dịch thống nhất nhằm tránh sai lệch, rủi ro khi chuyển giao tín chỉ.
Việc công nhận tổ chức thẩm định cần minh bạch, bảo đảm quy trình đánh giá chất lượng đầu vào và đầu ra rõ ràng.

Về sàn giao dịch carbon, theo ông Thọ, cần lựa chọn mô hình phù hợp, nghiên cứu cơ chế vận hành minh bạch và giám sát của nhà nước. Nghiên cứu áp dụng khung giá trần – sàn, cơ chế biến động giá, thiết lập quỹ bình ổn và huy động ngân hàng, tổ chức tài chính vào hỗ trợ giao dịch.
Chương trình đào tạo cũng cần mở rộng, tập trung vào nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong phân tích chi phí – lợi ích, quản lý tín chỉ và biến động thị trường. Với cơ quan quản lý, cần đào tạo kỹ năng thiết kế chính sách và đánh giá rủi ro.
Ông Thọ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm, ký kết hiệp định công nhận tín chỉ song phương, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc hỗ trợ liên kết với các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư có kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, gia tăng cơ hội lợi nhuận. Các tổ chức tài chính có thể hỗ trợ cung cấp vốn, bảo hiểm tín chỉ, hoặc phát triển các công cụ tài chính gắn với giá trị tín chỉ, từ đó giúp thị trường mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giao dịch.
Làm sao để bán tín chỉ carbon được giá cao?
Bổ sung góc nhìn về thị trường carbon, tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, Bà Betty Palard, CEO ESG Climate Consulting, đánh giá, tín chỉ carbon đang trở thành sản phẩm tài chính đặc biệt, không hoạt động trên cơ chế mua - bán thông thường mà cần được hiểu dưới dạng đầu tư vào các dự án giảm phát thải.
Ngoài ra, tín chỉ carbon là sự giao thoa giữa bốn lĩnh vực tưởng chừng hoàn toàn riêng biệt là thiên nhiên, tài chính, tài sản quốc gia (đất đai) và cuối cùng là chuyên môn, kiến thức và dữ liệu.
“Sự giao thoa này tạo ra một thị trường vừa đặc biệt vừa đầy thách thức”, bà Betty Palard nhận xét.
Một trong những điều đặc biệt nằm ở việc cơ hội từ tín chỉ carbon rộng mở cho nhiều đối tượng, thuộc đa dạng các lĩnh vực. Đơn cử, tín chỉ carbon “trắng” tạo ra bằng việc hấp thụ carbon bằng máy móc, công nghệ là “sân chơi” của những nhà đầu tư phát triển công nghệ cao.
Tín chỉ carbon “xanh lá cây” dành cho những cá nhân, tổ chức có khả năng tham gia bảo tồn rừng và tăng khả năng hấp thụ carbon của rừng. Còn tín chỉ carbon “xanh dương” dành cho các dự án liên quan đến bảo tồn nguồn nước.
Điều đặc biệt tiếp theo, bà Betty Palard khẳng định, tín chỉ carbon là “cuộc chơi của Việt Nam”, xuất phát từ nền kinh tế có thế mạnh về nông nghiệp. Ngoài ra, người Việt cũng giỏi về toán học nên vị chuyên gia ESG tin rằng sẽ sớm làm chủ được các công cụ kiểm đếm, đo đạc tín chỉ carbon.
Với thế mạnh đó, bài toán đặt ra cho Việt Nam là làm sao để bán được tín chỉ carbon với giá cao. “Tại sao tín chỉ carbon của một cây thông ở Pháp lại có giá 90USD trong khi ở Việt Nam chỉ là 5USD”, bà Betty Palard đặt vấn đề. Giải quyết bài toán này, điều đầu tiên cần làm là có được sự minh bạch về dữ liệu. Cụ thể, người bán tín chỉ carbon cần rõ ràng trong cách theo dõi số liệu giảm phát thải để có tất cả các chỉ số chứng minh được giá trị của tín chỉ carbon.
Ngoài ra, tương tự như nhiều sản phẩm khác, tín chỉ carbon cũng cần “thương hiệu”. Theo bà Betty Palard, khi giới thiệu với các đối tác về tín chỉ carbon của Việt Nam, hãy nhấn mạnh những giá trị đằng sau đó, về cả lịch sử hay những nỗ lực của cả cộng đồng trong việc giảm phát thải gắn với phục hồi đất và bảo tồn văn hóa.

Bà Betty Palard, CEO ESG Climate Consulting
Net Zero từ xử lý chất thải
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải là hướng đi mới, vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra tiềm năng kinh tế nhờ đưa chất thải quay lại làm đầu vào cho sản xuất.
Không dừng lại ở đó, theo ông Lê Quang Linh, Chuyên gia dự án giảm phát thải, tài chính xanh, Công ty CP Khoa học và môi trường Giant Barb, các giải pháp tuần hoàn chất thải còn là giải pháp hữu hiệu cắt giảm khí thải, tạo ra tín chỉ carbon và hướng đến Net Zero.
Cụ thể, tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, ông Linh đề xuất 4 lĩnh vực tiềm năng để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách theo hướng cắt giảm phát thải.
Thứ nhất, làm than sinh học (biochar) từ phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, bã mía, vỏ cà phê, vỏ dừa… Biochar là vật liệu xốp, giàu carbon, giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước, qua đó tăng năng suất cây trồng mà không phải phụ thuộc vào phân bón.
Ngoài ra, biochar cũng có khả năng hấp thụ kim loại nặng, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, bên cạnh việc giảm 10 – 12% lượng khí thải carbon do chuyển đổi thành năng lượng hoặc lưu trữ lâu dài trong đất.
Thứ hai, thu hồi khí sinh học (biogas) từ chất thải chăn nuôi. Theo ông Linh, chăn nuôi là ngành tạo ra lượng chất thải khổng lồ, với 61 triệu tấn phân 304 triệu m3 nước thải và 15 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Đặc biệt, chất thải từ chăn nuôi heo không xử lý đúng cách là khí metan, gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 25 lần CO2.
Tuy nhiên, nếu thu hồi khí metan thông qua hệ thống biogas, ngoài việc giảm đáng kể khí nhà kính, còn tạo ra nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Thực tế, chương trình Biogas cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai, phát hành khoảng 928.000 tín chỉ carbon mỗi năm, với doanh thu từ tín chỉ carbon chiếm khoảng 50% ngân sách chương trình. Các trang trại cá nhân cũng tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ tự chủ nguồn điện từ biogas.

Ông Lê Quang Linh – Chuyên gia của Giant Barb Việt Nam
Thứ ba, thu hồi khí từ bãi rác để phát điện. Tương tự như chất thải chăn nuôi, chất thải rắn sinh hoạt cũng thải ra rất nhiều khí metan, do đó hoàn toàn có thể sử dụng giải pháp thu hồi metan làm nhiên liệu tương tự như biogas.
Thứ tư, đốt rác phát điện. Đây là công nghệ phổ biến ở các nước phát triển, có khả năng giảm thể tích và khối lượng rác thải từ 90 - 95%, qua đó giảm khí metan phát sinh.
Theo ông Linh, các nhà máy đốt rác vừa xử lý chất thải rắn, vừa tạo ra năng lượng giúp lưới điện quốc gia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam có thể tạo ra 200MW điện từ 4.000 tấn rác thải mỗi ngày.
Đất khỏe, cây khỏe, thiên nhiên khỏe
Kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua, cha đẻ giống gạo ngon nhất thế giới ST25, không bao giờ quên kỷ niệm về lần diệt rầy nâu ở huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng cũ, nay là TP. Cần Thơ). Khi ấy, thuốc diệt rầy trong kho Nhà nước cạn kiệt, mùa vụ của bà con chỉ còn biết trông chờ vào ông trời.
Như một phép màu, dịch rầy nâu đang chích hút lúa đã bị nấm xanh ký sinh chết sạch. Ông trời đã cứu hơn 30 nghìn ha lúa, cứu sinh kế hàng vạn hộ dân một cách thần kỳ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn một nhà khoa học, ông Cua hiểu, sự việc đó không phải ngẫu nhiên. Điều đó là do thiên nhiên những năm đầu thập niên 90 vẫn chưa bị tàn phá nên thiên địch của các giống sâu hại phục hồi nhanh, tựa như mẹ thiên nhiên vẫn còn nhiều sức sống để che chở mùa màng.

Kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua trao đổi tại Diễn đàn
Hàng chục năm về sau, với những kinh nghiệm quan sát thiên nhiên, ông Cua càng thấm nhuần tư tưởng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn dựa vào tự nhiên. Vị kỹ sư nông nghiệp cho rằng, đất khỏe, không gian trong lành, hài hòa thì cây mới khỏe mà không cần đến hóa chất độc hại.
Đến với Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, ông Cua giới thiệu mô hình nông nghiệp điển hình là luân canh lúa – tôm tại bán đảo Cà Mau.
Với công cụ trong tay là giống gạo ngon nhất thế giới ST25, ông Cua phối hợp với các bên liên quan để nhân rộng mô hình trồng lúa mùa nước ngọt, nuôi tôm khi xâm nhập mặn, song song với khuyến khích sử dụng vi sinh vật, thiên địch tự nhiên để chống chịu sâu, bệnh hại cây lúa.
Mô hình đem lại kết quả ấn tượng, giúp gia tăng thu nhập người nông dân lên gấp đôi nhờ bán giá cao hơn gấp rưỡi, lại giảm tiêu hao đầu vào nhờ hạn chế 30% phân bón hóa học và 75% thuốc trừ sâu hóa học.
Đặc biệt, diện tích lúa – tôm dưới sự hỗ trợ từ đội ngũ của kỹ sư Cua đã đạt được các tiêu chí phát thải carbon thấp, tạo ra môi trường sống trong lành, bên cạnh tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon, đem lại cơ hội gia tăng hơn nữa thu nhập cho bà con từ việc bán tín chỉ.
Mỗi cây rừng là một “cây ATM” xanh
Nằm xen giữa vùng thung lũng đá vôi và dãy núi thấp phía đông dãy Trường Sơn, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) chứa đựng tài nguyên rừng phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, sinh kế của bà con Cao Quảng không gắn với rừng, thay vào đó là trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi, độc canh cây keo. Thanh niên thì lựa chọn ra ngoài làm cho các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động.
Giai đoạn 2002 – 2006, Lâm trường quốc doanh Cao Quảng được thành lập với mục tiêu khai thác gỗ nhưng không thể thực hiện do không đạt yêu cầu về trữ lượng. Việc chuyển sang hợp tác trồng rừng và sắn với người dân cũng không thành công do không nhận được sự đồng tình của người dân.
Năm 2006, Lâm trường Cao Quảng chính thức giải thể. Hàng nghìn ha rừng được giao lại cho người dân chăm sóc.
Tiếp đó, nhờ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phát triển, đặc biệt là Dự án Tăng cường tính tự chủ của người nông dân thông qua canh tác nông-lâm nghiệp sinh thái (SODI) của Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) từ năm 2018, các hộ dân đã bắt đầu thực hiện việc xác định ranh giới rừng.
Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Lâm nghiệp Cao Quảng, cho biết, việc xác định ranh giới rừng khiến bà con cảm thấy mình đã thực sự trở thành chủ rừng, khơi dậy ý thức, trách nhiệm giữ rừng, làm giàu rừng.
Rừng là những bể chứa carbon tự nhiên, giúp lưu trữ, hấp thụ nhiều khí thải carbon, qua đó giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Từ năm 2023, các chủ rừng Cao Quảng đã được hưởng lợi từ dự án Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bình quân, mỗi năm Cao Quảng nhận được gần 3 tỷ đồng, là khoản thu nhập tăng thêm tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích chủ rừng nâng cao trách nhiệm.
Với những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, ông Huy kiến nghị xác định giá trị của rừng trong việc thực hiện cam kết Net Zero, bên cạnh việc đưa ra các chính sách đặc thù để chủ rừng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.
Ngoài ra, cộng đồng chủ rừng Cao Quảng cũng mong muốn thị trường carbon sớm đi vào hoạt động để người dân có được cơ hội tài chính tương xứng với nỗ lực giữ rừng, bảo vệ rừng.
Tải tài liệu Diễn đàn tại đây.
