Diễn đàn Mekong Connect ứng dụng sức mạnh công nghệ phát triển tài nguyên bản địa

Ngày 26/10, tại Bến Tre diễn ra Diễn đàn kinh tế - kinh doanh Mekong Connect 2017, với chủ đề 'Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ'. Đây là sự kiện thường niên dành cho các cấp quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước, các lãnh đạo doanh nghiệp của ĐBSCL gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh, do mạng lưới liên kết 4 tỉnh, thành phố ( An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) phối hợp tổ chức.

Sự kiện thu hút hơn 600 doanh nghiệp cùng hơn 100 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia. Với 25 đề tài của các diễn giả, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách đã tập trung thảo luận các nội dung chính như: Vai trò và nguồn lực từ tài nguyên bản địa, giải pháp phát triển tài nguyên bản địa cho Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đồng bằng và doanh nghiệp quốc tế về việc khai thác tài nguyên bản địa, tài nguyên bản địa - cơ hội nào cho khởi nghiệp đồng bằng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh: Diễn đàn nhằm thúc đẩy và tăng cường mối liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hội nhập cho doanh nghiệp 4 tỉnh như: xây dựng thương hiệu, kết nối, truyền thông, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và triển khai các dự án, chương trình cụ thể để tăng cường tính liên kết vùng hướng đến phát triển bền vững của khu vực và từng địa phương.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát khai mạc diễn đàn

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát khai mạc diễn đàn

Nổi bật là phiên thảo luận về giải pháp phát triển 4 chuỗi dừa, gạo, cá, sen - du lịch mà mỗi địa phương đều có thế mạnh với các tài nguyên bản địa riêng cũng như giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển các tài nguyên bản địa này. Trong đó, Bến Tre với tài nguyên bản địa là dừa, An Giang là cá, Cần Thơ là gạo, Đồng Tháp là sen và các tour, tuyến du lịch.

Hiện nay, Việt Nam có tới 70% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ yếu phát triển riêng lẻ hiệu quả chưa cao. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ: “Trừ một số ít đang chuyển hướng cải tiến từ số lượng sang chất lượng, còn lại đa phần xuất khẩu nông sản chất lượng thấp vào những thị trường giá trị thấp, nhất là mặt hàng gạo”.

Riêng thủy sản, Mỹ và châu Âu đã đưa “thẻ vàng” ngưng nhập các loại cá, trong đó có mặt hàng cá basa vì cho rằng cá nuôi trong môi trường nước sông Cửu Long bị ô nhiễm. Theo các nhà khoa học, cần tìm giải pháp để giúp người dân sản xuất cá đảm bảo “sạch, an toàn” và có những công trình nghiên cứu để công bố với thế giới cá của đồng bằng sông Cửu Long được nuôi “sạch” ra sao và xây dựng chuỗi giá trị cho con cá.

Ông Phạm Đại Dương,Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng sản xuất về lương thực, trái cây mà còn là vùng trọng điểm phát triển thủy sản. Tuy nhiên, giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu, các nguồn lực phát triển đang khan hiếm dần trước vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cho rằng, vấn đề phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa và tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến là hết sức đúng đắn.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Nghiên cứu viên cao cấp khu vực hạ lưu sông Cửu Long, chia sẻ: Tiềm năng thị trường dừa của Bến Tre rất lớn, nhưng để vươn ra thế giới Bến Tre phải nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa với công nghệ mới và phương thực canh tác hữu cơ, kết hợp đa dạng hóa sản phẩm. Theo dự báo, người tiêu dùng Mỹ và châu Âu sẽ tăng nhu cầu sử dụng nước dừa, nhưng đòi hỏi sản phẩm nguyên chất pha với hương vị các loại trái cây khác như chanh dây. Bến Tre có thể đón đầu để có chiến lược sản xuất mặt hàng này.

Dừa thế mạnh tỉnh Bến Tre ( ảnh: Hữu Đức)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, thời gian tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên phát triển về nông sản và thủy sản, chăn nuôi kết hợp với đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Không ngừng tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản, đẩy mạnh công nghệ chế biến, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực. Trong phát triển, các địa phương cần tạo điều kiện tốt hơn nữa cho kinh tế tư nhân, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các nhãn hiệu nông sản chủ lực.

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn Mekong Connect này, Hội DNHVNCLC còn tổ chức kết nối giao thương (Business Matching) giữa các DN và các nhà bán lẻ trong & ngoài nước. Đây là hình thức không mới ở các hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới, nhưng lại không được tổ chức nhiều ở Việt Nam. Hội DN HVNCLC sau cuộc tổ chức thành công tại Thái Lan tiếp tục mang đến cơ hội kết nối giao thương cho các DN tại ĐBSCL với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam: Coop Mart, VinMart, Satra, BigC, Auchan… và tiểu thương các chợ lớn ở TP.HCM.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dien-dan-mekong-connect-ung-dung-suc-manh-cong-nghe-phat-trien-tai-nguyen-ban-dia-d66087.html