Cần có những giải pháp căn cơ

Nếu xem vấn nạn nạo, phá thai là 'căn bệnh' nhức nhối của xã hội, mỗi ngày một nặng, thì ta phải tìm ra căn nguyên. Gia đình, nhà trường, xã hội cần chẩn đoán, định bệnh chính xác, qua đó nhằm đưa ra phác đồ điều trị tận gốc rễ. Đó mới là vấn đề then chốt. Chứ ca thán, kêu gọi chung chung thì 'chẳng ăn thua gì'!

Hằng ngày tôi đón nhận rất nhiều thông tin về vấn nạn nạo, phá thai, như là một đại dịch vô phương cứu chữa, diễn ra trong xã hội. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giải pháp mà các tổ chức, cá nhân, các nhà xã hội học... đưa ra rất hờ hững, được chăng hay chớ.

Giải pháp ở đây là phải ngăn chặn nạn có thai ngoài ý muốn. Vì nếu không có thai ngoài ý muốn thì không xảy ra nạn nạo phá thai. Muốn như thế, vấn đề phải được giải quyết từ căn nguyên, tập trung vào giáo dục ý thức kết hợp “ba môi trường giáo dục”: gia đình, nhà trường và xã hội.

Nên giáo dục mọi người ý thức được tác hại nghiêm trọng của việc nạo, phá thai, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó có các biện pháp phòng, chống mang thai ngoài ý muốn một cách hiệu quả

Nên giáo dục mọi người ý thức được tác hại nghiêm trọng của việc nạo, phá thai, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó có các biện pháp phòng, chống mang thai ngoài ý muốn một cách hiệu quả

Thực tế, đại đa số nạo, phá thai thường xảy ra ở những cô gái trẻ, thậm chí còn ở tuổi vị thành niên, là học trò, sinh viên, là các chị em tầng lớp lao động (công nhân) và thường là chưa lập gia đình. Với các đối tượng này, gia đình nên tư vấn, giáo dục cho họ hiểu biết ngay từ tuổi dậy thì, về ý thức, kỹ năng phòng tránh thai, nên thường xuyên nhắc nhở hay tạo điều kiện cho con em mình xem sách, báo liên quan về những hệ lụy nặng nề do việc nạo, phá thai mang đến.

Nhà trường nên quan tâm hơn nữa, nên cụ thể hóa việc giáo dục cho học sinh về giới tính, tổ chức ngoại khóa, mời chuyên gia thuyết trình về kiến thức tình dục, sức khỏe sinh sản..., cần tăng cường nhiều giờ, nhiều phương pháp hơn nữa. Các ký túc xá, nhà trọ của các khu công nghiệp có trách nhiệm tăng cường quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, ngăn chận các mối quan hệ nam nữ không lành mạnh trong phạm vi ký túc xá sinh viên hay nhà ở tập thể công nhân.

Với các tổ chức xã hội, cần tích cực tuyên truyền, treo những hình ảnh cổ động trực quan nơi công cộng. Tất cả gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy, nguy cơ nạo, phá thai đi đến tử vong, hay ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, thể chất như thế nào khi nạo phá thai. Các cơ sở y tế, cơ quan liên đới trách nhiệm, rất cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng các cơ sở nạo, phá thai không có giấy phép... cũng như luật pháp xử nghiêm nạn lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em... dẫn đến trẻ em mang thai...

Nếu xem vấn nạn nạo, phá thai là “căn bệnh” nhức nhối của xã hội, mỗi ngày một nặng, thì ta phải tìm ra căn nguyên. Gia đình, nhà trường, xã hội cần chẩn đoán, định bệnh chính xác, qua đó nhằm đưa ra phác đồ điều trị tận gốc rễ. Đó mới là vấn đề then chốt. Chứ ca thán, kêu gọi chung chung thì “chẳng ăn thua gì"!

LÃ TIÊU TƯƠNG (TP.HCM)

Thay vì áp lực lên người phụ nữ, các bạn hãy làm một chiến dịch tương tự hướng về phía nam giới

Có nhiều góc nhìn về việc nạo phá thai. Nếu là giới trẻ do sống buông thả, thiếu giữ gìn bản thân, ăn chơi đua đòi mà nạo phá thai, phá thai vì trọng nam khinh nữ, phân biệt và lựa chọn giới tính, thì là một việc đáng lên án.
Nhưng phá thai ngoài ý muốn do bị cưỡng bức mang thai, do vỡ kế hoạch mang thai, nếu không can thiêp để có sự ổn định dân số cũng là một việc ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và nhiều hậu quả nặng nề khác.

Xét cho cùng việc loại bỏ một giọt máu và việc sinh ra một đứa trẻ mà cầm chắc đứa trẻ ấy sẽ có một cuộc sống bất hạnh, nghèo đói và thiếu tình thương… cần cân nhắc thấu đáo. Đôi khi không sinh ra đứa trẻ mới là một việc làm nhân đạo.

Trong quá trình mang thai ngoài ý muốn, tâm lý người phụ nữ rất nặng nề và tinh thần tổn thương nghiêm trọng. Hành trình đi đến sự lựa chọn phá thai là một chuỗi ngày rất lo lắng, mệt mỏi và day dứt.

Chiến dịch mang tên: “Mẹ ơi! Đừng giết con” thực chất như là đổ “tội ác” về phía người đàn bà. Trong khi không phải lúc nào tất cả đàn bà cũng được từ chối cái quyền “tạo ra các bào thai”. Thay vì đao to búa lớn hướng về những người đàn bà, các bạn hãy làm một chiến dịch tương tự hướng về phía nam giới. Để cho họ thấy rằng thiên chức làm mẹ của phụ nữ đáng tự hào song cũng rất vất vả, có cả rất nhiều nước mắt âm thầm và khổ đau dài lâu.

NGUYỄN LOAN (Hải Phòng)

Kính mời quý độc giả tham gia diễn đàn "Mẹ ơi! Đừng bỏ con!". Những chia sẻ, trăn trở của quý độc giả liên quan vấn đề trên, xin gửi về địa chỉ email: toasoan@thegioitiepthi.vn.

Thế Giới Tiếp Thị Online

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/can-co-nhung-giai-phap-can-co-20443.html