Diễn đàn Kinh tế phương Đông thảo luận hợp tác kinh tế, an ninh khu vực

Ngày 12-9, sự kiện chính của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), phiên họp toàn thể với chủ đề 'Viễn Đông: Mở rộng các khả năng' đã diễn ra với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng một số nguyên thủ các quốc gia khác. Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề về hợp tác kinh tế cũng như tình hình an ninh trong khu vực, tình hình Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Nga V. Putin phát biểu tại phiên toàn thể của EEF. (Ảnh: TASS)

Tại phiên toàn thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng hợp tác để loại bỏ các rào cản thương mại nông nghiệp. Ông nói: "Tất nhiên, chúng ta cần mở rộng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp Viễn Đông ra thị trường quốc tế, bao gồm cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi có lời mời các bạn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng các đối tác, hợp tác để loại bỏ các rào cản thương mại, tìm giải pháp tối ưu có lợi cho tất cả mọi người".

Tổng thống Putin cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức khắc nghiệt của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế khi những nguyên tắc cơ bản của thương mại, cạnh tranh và những lợi ích kinh tế đang bị hạ thấp. Theo nhà lãnh đạo Nga, đây rõ ràng là "một thách thức nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, nhất là đối với sự tăng trưởng năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Ông Putin cho biết, Nga cổ vũ sự cạnh tranh công bằng và cùng có lợi bằng cách mời các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác tại khu vực Viễn Đông. Ông Putin đã ra lệnh cho Chính phủ Nga nghiên cứu trao quy chế đặc biệt cho hòn đảo Russky ở vùng Viễn Đông, biến hòn đảo này thành một khu thử nghiệm các dự án công nghệ tiên tiến, mà không bị cản trở bởi các rào cản về quy định và luật pháp lỗi thời. Chính phủ Nga cũng đang cân nhắc thành lập một trung tâm lớn về phối hợp và hợp tác quốc tế, kinh doanh và đầu tư cũng như văn hóa, giáo dục và khoa học ở vùng Viễn Đông. Từ đó, khu vực Viễn Đông của Nga sẽ trở thành một động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tham dự phiên họp, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga thúc giục Nga và các nước trong khu vực triển khai các dự án siêu lưới điện ở khu vực Đông Bắc Á càng sớm càng tốt để cung cấp điện cho các quốc gia trong khu vực. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên thành lập một cơ quan chung về siêu lưới điện này. Đáp lại đề xuất này, Tổng thống Nga Putin cho rằng ý tưởng về dự án siêu lưới điện này là hoàn toàn khả thi.

Về an ninh khu vực, ông Putin khẳng định cần bảo đảm an ninh, hòa bình và ổn định, ngăn chặn sự xuất hiện của các cuộc xung đột mới và giải quyết những xung đột cũ thông qua đối thoại để duy trì sự phát triển ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông khẳng định đây là hướng tiếp cận mà Nga đã và sẽ thúc đẩy ở tất cả các diễn đàn quốc tế và với các đối tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, APEC, ASEAN và các hiệp hội khu vực khác.

Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi Nhật Bản cùng ký kết Hiệp ước Hòa bình Nga - Nhật Bản vào thời điểm trước cuối năm nay, mà không cần điều kiện tiên quyết, sau đó hai bên sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề gây tranh cãi căn cứ trên hiệp ước này. Ông cho rằng "việc này sẽ giúp hai bên giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại từ 70 năm qua". Tuy nhiên, hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chưa có phản ứng về đề nghị này của ông Putin.

Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Nga Putin cho rằng giải pháp tốt nhất để thúc đẩy Triều Tiên có những bước đi hướng tới việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là cộng đồng quốc tế cần đưa ra sự bảo đảm về an ninh cần thiết cho Triều Tiên. Ông nói: "Cộng đồng quốc tế có thể đưa ra sự bảo đảm về an ninh cho Triều Tiên trong trường hợp nước này đồng ý phi hạt nhân hóa, bao gồm cả sự bảo đảm của các cường quốc hạt nhân trong những thỏa thuận này". Tổng thống Nga đề xuất nối lại các cuộc đối thoại về các dự án ba bên trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, năng lượng và các lĩnh vực khác với sự tham dự của Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên, từ đó thúc đẩy quá trình bình thường hóa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cũng hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm Nga bất cứ lúc nào phù hợp.

Đồng tình với đề xuất của Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng không một quốc gia riêng rẽ nào có thể giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Ông nói: "Tôi tin rằng không có quốc gia đơn độc nào có thể đưa ra lời bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Chúng ta cần những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế". Ông nói thêm Bắc Kinh và Moscow đã sẵn sàng thực hiện việc này.

Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định quan hệ giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế đã được cải thiện đáng kể nhờ cuộc đối thoại gần đây giữa Triều Tiên và Mỹ và kêu gọi Bình Nhưỡng tận dụng cơ hội được tạo ra từ cuộc đối thoại này. Ông cũng hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới sẽ giúp tạo ra những bước đi vững chắc hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Ông Abe cũng cho biết, ông có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Triêu Tiền Kim Jong-un trong tương lai, mặc dù hiện vẫn chưa có bất cứ thỏa thuận nào về một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông là sự kiện thường niên được Nga tổ chức tại thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông. Diễn đàn năm nay diễn ra từ ngày 11 đến 13-9, có sự tham dự của khoảng hơn 6.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia. Các đoàn nước ngoài có số lượng đại biểu tham dự đông nhất là các đoàn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu cũng tham dự diễn đàn.

THẢO NGUYÊNTheo: TASS, RIA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37598302-dien-dan-kinh-te-phuong-dong-thao-luan-hop-tac-kinh-te-an-ninh-khu-vuc.html