Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019: Vai trò của DN trong phát triển nhanh và bền vững

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 với chủ đề: Vai trò của cộng đồng DN trong phát triển nhanh gắn với bền vững, được tổ chức vào ngày 26/6, đại diện các bộ, ngành, các tổ chức và hiệp hội DN quốc tế đã có những kiến nghị, trao đổi cụ thể nhằm hiến kế cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam được nhanh và bền vững.

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao những thay đổi của chính sách thuế, hải quan. Ảnh: H.Dịu.

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao những thay đổi của chính sách thuế, hải quan. Ảnh: H.Dịu.

Từng bước tăng trưởng xanh

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi so với những năm trước đây, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu từ những yếu kém nội tại: Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, DN còn thấp; trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao…

Chính vì thế, trong bối cảnh như trên, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã xác định phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam; với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển nhưng phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đồng tình với chủ trương này, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; khuyến kích áp dụng bộ chỉ số DN phát triển bền vững; hỗ trợ DN xây dựng hệ thống quản trị tiêu chuẩn quốc tế; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để định hướng lựa chọn đầu tư các dự án thế hệ mới có công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường…

Về vấn đề này, theo bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, phát triển bền vững sẽ không phải là gánh nặng mà là cơ hội tăng trưởng cho DN tư nhân, đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như người dân. Hiện nay Việt Nam là một trong năm nước có lượng rác thải nhựa lớn ra đại dương hàng năm. Vì vậy, để phát triển bền vững, như sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia, đầu tư của các DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân biến rác thải nhựa thành nguồn nguyên liệu đầu vào thứ cấp, bảo vệ môi trường tốt hơn.

Cần những giải pháp lớn

Từ những đánh giá về cơ hội và thách thức nêu trên, cộng đồng DN đều ý thức được rằng, điều này đòi hỏi sự thay đổi từ các cơ quan quản lý cho tới hoạt động của DN. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lớn, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tái cấu trúc ngành năng lượng, theo hướng sạch, tái tạo, gió, mặt trời, khí thiên nhiên; tái cấu trúc các ngành, sản phẩm và lĩnh vực kinh tế gắn với ứng phó với biến đổi khi hậu, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh hơn, thông thoáng để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, các DN đưa ra kiến nghị về nhiều vấn đề như: Có giải pháp phù hợp đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ; tạo thuận lợi hơn cho các DN trong tiếp cận vốn; sửa đổi Luật Lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công lũy tiến; cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến DN; cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia… Theo ông Vũ Tiến Lộc, một trong những yêu cầu hiện nay là sớm ban hành luật về đối tác công tư để khai thông nguồn vốn; có những quy định phù hợp để bảo đảm cho các DN tư nhân trong nước có cơ hội tham gia các dự án đối tác công tư quan trọng như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành…

Đặc biệt, tại diễn đàn, cộng đồng DN nước ngoài đều đánh giá cao những tiến bộ gần đây trong thủ tục thuế và hải quan điện tử. Điều này đã thể hiện cam kết của Bộ Tài chính trong việc giảm bớt gánh nặng ở giai đoạn kê khai, giúp tiết kiệm thời gian cho DN. Ông Mark Gillin, Trưởng nhóm Công tác Thuế và Hải quan của VBF đánh giá, chính sách thuế và hải quan có đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững của DN; giúp xây dựng niềm tin của DN với Chính phủ; giúp nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của DN, thông qua việc được giảm rủi ro, giảm thời gian và chi phí tiền hành các thủ tục về thuế, hải quan.

Bên cạnh đó, các DN nước ngoài đặt ra mong muốn chính sách thuế và hải quan cần được chỉnh sửa để phù hợp với thông lệ quốc tế hơn nữa. Thay mặt Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc nghiên cứu, rà soát để tháo gỡ vướng mắc; Bộ cũng liên tục tiếp thu, rà soát để sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế. Một số vấn đề trong các kiến nghị của DN đã và đang được sửa đổi, nên phía Bộ rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của DN.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/dien-dan-doanh-nghiep-viet-nam-giua-ky-2019-vai-tro-cua-dn-trong-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-107078.html