Diễn đàn đầu tư EU- Đài Loan, động thái 'chọc giận' Trung Quốc?

Sau chuyến công cán của quan chức chính phủ Mỹ và Chủ tịch Thượng viện Séc tới Đài Loan, EU dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn lần đầu tiên tại Đài Loan vào 22/9.

Cột mốc quan trọng giữa Đài Loan và EU

Theo đó, các quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) sẽ tham dự diễn đàn đầu tư nhằm quảng bá, giới thiệu kinh doanh- đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp trong nội khối với các đối tác Đài Loan.

 Ông Filip Grzegorzewski, đại diện EU tại Đài Loan trả lời báo giới. Ảnh CNA

Ông Filip Grzegorzewski, đại diện EU tại Đài Loan trả lời báo giới. Ảnh CNA

Ông Filip Grzegorzewski, trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại châu Âu (EETO) tại Đài Loan cho biết, các doanh nghiệp của eo biển muốn tăng cường sự hiện diện của họ ở châu Âu, đặc biệt là vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc do đại dịch Covid-19.

Đặc phái viên của EU cũng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ở Đài Loan hãy đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của châu Âu sau đại dịch.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí địa phương hôm 11/9, ông Grzegorzewski cho biết các công ty trên khắp thế giới đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

“Chúng tôi phải xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khả năng phục hồi của các hoạt động, đồng thời khẳng định EU không muốn quá phụ thuộc vào một thị trường hoặc một nguồn nguyên liệu thô nào”, ông Grzegorzewski nói.

Theo vị chuyên gia này, Đài Loan có tiềm năng trở thành một trong những đối tác hàng đầu của EU, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, ô tô, di động, y tế và công nghệ sinh học, các lĩnh vực mà Đài Loan chiếm ưu thế. Theo đó, việc EETO tổ chức Diễn đàn Đầu tư EU (EIF) lần đầu tiên vào ngày 22/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đài Bắc, với 15 quốc gia thành viên EU tham gia, được cho là cột mốc quan trọng trong quan hệ Đài Loan-EU.

Dự kiến tất cả các thành viên EU có sự hiện diện tại Đài Loan, bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Ý và Slovakia sẽ tham dự sự kiện sắp tới. Ngoài ra diễn đàn sẽ sử dụng nền tảng video để kết nối với các cơ quan đầu tư tại các quốc gia EU giúp mở rộng tương tác về nhiều chủ đề khác nhau.

EU là một thị trường với 450 triệu người tiêu dùng và các nhà đầu tư Đài Loan có thể hưởng lợi từ dòng vốn, hàng hóa, con người và dịch vụ. Theo dữ liệu của EETO, EU là nhà đầu tư lớn nhất vào Đài Loan trong năm 2019, chiếm khoảng 25% tổng vốn FDI của Đài Loan. Tuy nhiên ở chiều ngược lại chỉ mới 1,7% dòng đầu tư của Đài Loan ra nước ngoài là đến EU.

Ông Grzegorzewski cho biết, xét về sức mạnh kinh tế, Đài Loan có tiềm năng hiện diện toàn cầu và thị trường châu Âu vì nhiều lĩnh vực còn chưa được khai thác. "Chúng tôi có 41 hiệp định thương mại xuyên biên giới, tại 72 quốc gia. Bởi vậy, khi bạn quyết định đầu tư vào châu Âu, bạn có thể tiếp cận không chỉ toàn bộ thị trường của EU mà còn có thể dễ dàng tiếp cận với phần còn lại của thế giới", đại diện EETO nói.

Khi được hỏi về triển vọng của một hiệp định thương mại giữa EU và Đài Loan, ông Grzegorzewski cho biết điều đó sẽ phụ thuộc vào chiến lược thương mại mới mà EU đang thực hiện.

Tuy nhiên, vị này cho biết thêm rằng quan hệ kinh tế giữa EU và Đài Loan càng có nhiều động lực, bao gồm cả đầu tư kinh doanh thì hai bên càng dễ dàng chuyển sang giai đoạn đàm phán tiếp theo về các thỏa thuận thương mại.

Đài Loan sẵn sàng ký FTA với Mỹ

Hồi cuối tháng trước, phát biểu tại nhiệm sở, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết chính quyền eo biển có kế hoạch cho phép nhập khẩu thịt lợn của Mỹ còn tồn dư chất phụ gia tạo nạc ractopamine, đồng thời cho phép thịt bò Mỹ hơn 30 tháng tuổi xuất vào hòn đảo từ đầu năm tới.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Đài Bắc hôm 19 tháng 8 năm 2020. Ảnh: Nikkei

"Quyết định này phù hợp với lợi ích chung của đất nước và các mục tiêu phát triển chiến lược của quốc gia. Đây cũng là quyết định có thể thúc đẩy quan hệ Đài Loan- Mỹ. Một khi chúng tôi có thể thực hiện bước tiến quan trọng trong vấn đề thịt lợn và thịt bò của Mỹ, đó sẽ là một khởi đầu quan trọng cho hợp tác kinh tế song phương trên mọi mặt trận", bà Thái Anh Văn tuyên bố, ám chỉ sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.

Kim ngạch thương mại Đài Loan – Mỹ năm ngoái trị giá 85,5 tỷ USD, trong đó Mỹ thâm hụt 23,1 tỷ USD. Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 14 của Mỹ trong năm 2019.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ hiện cũng giống như hầu hết các quốc gia khác, đều không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nơi được Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dien-dan-dau-tu-eu-dai-loan-dong-thai-choc-gian-trung-quoc-d272937.html