Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019: Đổi mới cơ chế hợp tác vì một Việt Nam thịnh vượng

Sáng mai (19/9), Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề 'Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động' sẽ khai mạc tại Hà Nội. Xin trân trọng gửi tới độc giả bài viết của ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng Chủ tịch VRDF 2019, dành riêng cho Báo Đầu tư.

Thông qua VRDF, các đối tác quốc tế đề xuất nhiều giải pháp giúp Việt Nam phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Thông qua VRDF, các đối tác quốc tế đề xuất nhiều giải pháp giúp Việt Nam phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Ngày mai, Việt Nam và nhiều đối tác phát triển cùng tham dự VRDF 2019. Đây là một cơ chế thảo luận toàn diện về các vấn đề quan trọng cho quá trình phát triển của Việt Nam. Mặc dù đã đạt được nhiều thành công lớn trong những thập kỷ qua, diễn đàn này vẫn cần tiếp tục được tổ chức nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức mới của kinh tế đất nước và tạo nhiều cơ hội hơn cho khu vực tư nhân, đề xuất các ý tưởng và giải pháp tài chính sáng tạo.

Kể từ khi Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức lần đầu tại Paris (Pháp) năm 1993, cộng đồng quốc tế đã hợp tác ngày càng chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, góp phần vào việc đưa đất nước chuyển đổi thành công từ một trong những quốc gia nghèo nhất, sang quốc gia có thu nhập trung bình hiện nay.

Tới nay, các đối tác phát triển đã cung cấp hơn 80 tỷ USD vốn ODA đầu tư cho các hạ tầng quan trọng như y tế, giáo dục và nhiều ngành khác. Bên cạnh đó, các đối tác phát triển còn chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn toàn cầu, mang đến cho Việt Nam những ý tưởng chính sách mới, nhằm đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” của VRDF 2019, Chính phủ và các đối tác phát triển cùng ngồi lại để trao đổi những tư duy mới, hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây là những bước quan trọng tiếp theo trên con đường đi tới khát vọng dài hạn của Việt Nam.

Thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập đòi hỏi sự minh bạch, quản trị tốt, thể chế mạnh và thực thi chính sách hiệu quả. Việt Nam có thể thực hiện các cải cách có mục tiêu để đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hóa bộ máy, ra quyết định nhanh hơn và quy hoạch tiên tiến hơn, tạo ra môi trường pháp lý thân thiện hơn, nhằm thu hút thêm nguồn vốn tư nhân đang rất cần để giải quyết những thách thức ngày càng phức tạp, trong đó có các cơ chế như đối tác công - tư.

Điều này có ý nghĩa quan trọng, do khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Việt Nam đã giảm đáng kể. Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn ưu đãi của WB vào tháng 6/2017 và của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào tháng 12/2018, trong khi nhiều đối tác song phương cũng dần chuyển viện trợ phát triển sang các nước nghèo hơn. Mô hình tài chính cho phát triển kiểu cũ, chủ yếu dựa vào các nguồn lực công và viện trợ phát triển, đã đến điểm giới hạn.

Diễn đàn có thể khuyến khích đổi mới sáng tạo về khía cạnh này để kết hợp một cách hiệu quả nhiều nguồn lực tài chính khác nhau như vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi và vay thương mại, để các công cụ tài chính đa dạng và phức tạp hơn có thể được sử dụng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.

Nhưng nguồn vốn chỉ là một mặt của vấn đề. Việt Nam cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động. Rất may là Việt Nam đang có cơ hội với trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hóa và các công nghệ tiên tiến khác đang được sử dụng ngày càng rộng rãi. Có thể khuyến khích phát triển những công nghệ này nếu Việt Nam có chiến lược thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao và cung cấp cho họ nguồn nhân lực có các kỹ năng phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức và ý tưởng tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới cho Việt Nam.

Những ý tưởng mới cho phát triển cũng có thể đến từ trong nước, với một môi trường thuận lợi giúp thúc đẩy và nuôi dưỡng những ý tưởng này.

Diễn đàn cũng có thể cởi mở hơn nữa với sự tham gia của khu vực tư nhân, khu vực đã được công nhận là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong Nghị quyết số 10 - NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" và Nghị quyết số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ. WB đã đóng vai trò cầu nối giữa các bên kể từ năm 1995 với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và chúng tôi hy vọng những nhịp cầu này sẽ được kéo dài hơn nữa trong tương lai.

Cộng đồng quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Chính phủ cần chiến lược rõ ràng để thu hút sự tham gia của các đối tác phát triển, chúng tôi có thể giúp Việt Nam thực hiện thành công tầm nhìn phát triển của đất nước.

Sự phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

Hội nghị các nhà tài trợ tài trợ cho Việt Nam, do WB và UNDP đồng chủ trì, được tổ chức lần đầu tại Paris (Pháp) vào năm 1993.

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đầu tiên do WB chủ trì được tổ chức tại Paris vào tháng 11/1994 và sau đó chuyển về tổ chức tại Việt Nam từ năm 1997. Các hội nghị CG sau đó được tổ chức hai lần một năm cho đến năm 2012.

Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) đã thay thế Hội nghị CG vào năm 2013 và sau đó được đổi thành Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) vào năm 2016 và Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) từ năm 2018.

Baodautu.vn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dien-dan-cai-cach-va-phat-trien-viet-nam-2019-doi-moi-co-che-hop-tac-vi-mot-viet-nam-thinh-vuong-d107456.html