Điển cố với việc gây cười trong Hàn nho phong vị phú

Hàn nho phong vị phú (HNPVP, bài phú về phong vị của cảnh nhà nho nghèo) là tác phẩm xuất sắc, bài phú tiêu biểu, điển hình cho tiếng cười trào lộng trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ nói riêng, phú chữ Nôm nói chung. Ở tác phẩm này, tiếng cười trào lộng được thể hiện ở nhiều cung bậc với nhiều thủ pháp được huy động sử dụng để tạo nên hiệu ứng gây cười tối đa.

Điển cố trong HNPVP

Sử dụng điển cố để gây cười, một điều tưởng như vô lý, lại được Nguyễn Công Trứ vận dụng thành công trong bài phú của mình. Thủ pháp này còn mang lại nhiều giá trị gây cười độc đáo cho tác phẩm.

Theo thống kê của chúng tôi, điển cố được dẫn dụng trong HNPVP có số lượng khá lớn. Trong dung lượng một bài phú với 798 chữ của 35 cặp vế đối và 6 dòng tự do, Nguyễn Công Trứ vận dụng gần 24 điển. Trung bình cứ 3 dòng có một điển được sử dụng, đây là một tần suất khá cao. Dưới đây là một số điển cố tiêu biểu:

- Điển Vạn tội (điển nguyên dạng gốc Hán, trong câu Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có). Điển này là dạng thu gọn của câu nói Vạn tội bất như bần (Muôn tội không gì bằng tội nghèo), một câu ngạn ngôn của người Trung Hoa xưa.

- Điển Người quân tử ăn chẳng cầu no (điển chuyển dịch, trong câu Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bìch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no). Điển này lấy ý từ câu Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an (người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu yên ổn) trong sách Luận ngữ.

- Điển Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ (điển chuyển dịch, trong câu Đêm năm canh, an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngõ). Điển này dịch từ câu Thái bình chi thế ngoại hộ bất bế (đời thái bình cửa ngoài không đóng [do không có trộm cướp]).

- Điển Ý dã (điển nguyên dạng gốc Hán, trong câu Thuốc men rắp bòn chài gỡ bữa, song nghĩ câu ý dã, thế nào cho đáng giá lương y), rút gọn của câu Y giả ý dã (người làm nghề y lấy ý mà đoán bệnh vậy) trong sách y học cổ.

- Điển Gấp khúc lươn (Trong câu Gấp khúc lươn nên ít kẻ yêu vì). Đây là một điển cố nội sinh, có nguồn gốc trong văn học dân gian Việt Nam, lấy ý từ câu ca dao: Anh hùng mà gấp khúc lươn / Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài.

- Điển Cùng tư (trong câu Túng đường mong quyết chí cùng tư, e phép nước chưa nên gan sừng sỏ). Đây là điển nguyên dạng, lấy trong câu nói chữ Hán trong sách Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công: Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ (người quân tử khi gặp khốn thì cố giữ tư cách, kẻ tiểu nhân gặp khốn thì làm bậy vậy).

- Điển Tất do thiên (trong câu Tất do thiên âu phận ấy là thường). Đây là rút gọn của một điển nguyên dạng. Nguyên lấy trong câu: Phú quý tất do thiên mệnh (giàu sang tất là do mệnh trời).

- Điển Hữu kỳ đức (trong câu Hữu kỳ đức ắt trời kia chẳng phụ). Đây là dạng rút gọn của một câu nói chữ Hán: Hữu kỳ đức tất hữu kỳ phận (có đức ắt sẽ có phận).

- Các điển Ông Phó, ông Hề, chàng Khuông, chàng Võ, quốc sĩ Hoài Âm, mưu thần Dương Võ, Mãi Thần, Mông Chính, Vương Khải, Thạch Sùng ở cuối bài phú đều là điển danh nhân. Đây là những nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa. Hai người cuối là những kẻ giàu sang về sau tan cửa nát nhà. Các nhân vật còn lại là những người có thuở hàn vi nghèo khó, về sau công danh hiển đạt.

- Điển Giàu là cái số (trong câu Khó bởi tại trời / Giàu là cái số). Đây là điển chuyển dịch, được dịch từ câu chữ Nho trong sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên: Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên (Sống chết có mệnh, giàu sang ở trời).

- Ngoài ra, còn có một số điển khác xuất phát từ Kinh thi, Luận ngữ, thành ngữ gốc Hán,… như: Dũng như, phạn ngưu bản trúc, nhĩ điền, cơ tắc

Trong 76 dòng của bài phú, Nguyễn Công Trứ đã dẫn đến gần 24 điển cố, một tỉ lệ khá lớn. Đây không phải là điều ngẫu nhiên mà hoàn toàn là chủ ý nghệ thuật của tác giả. HNPVP là tác phẩm tự trào giàu khả năng gây cười ở nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi phương diện của tác phẩm đều có vai trò nhất định trong việc cộng hưởng gây cười. Điển cố cũng là một phương diện mà nhà thơ cố tình huy động sử dụng trong bài phú.

Điển cố với việc gây cười trong văn học

Thông thường, nói đến nghệ thuật trào phúng trong tác phẩm văn học, người ta hay nghĩ đến những thủ pháp quen thuộc như nói ngược, nói quá, nói lái, đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục, lạ hóa, đột giáng, gây tình huống bất ngờ, phi lí,… Ít người cho rằng, sử dụng điển cố cũng là một thủ pháp gây cười hiệu quả.

Thật vậy, điển cố mang trong mình đặc tính hàm súc, sang trọng, trang nhã. “Thích hợp với tính chất bác học, điển cố còn thể hiện cái đẹp ở sự trang trọng, uyên bác, trang nhã” (1). Với đặc tính này, “điển cố được sử dụng nhiều trong văn chương bác học” (2).

Điều này lí giải vì sao trong văn chương trung đại, nhất là ở bộ phận để nói chí, tỏ lòng với quan niệm văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí và bộ phận để thi cử, dùng vào việc hành chính quan phương (thơ luật Đường, phú, các thể tài văn học chức năng như cáo, hịch, chiếu, biểu…), điển cố rất được ưa chuộng, thậm chí nhiều trường hợp còn sính điển, lạm dụng điển.

Điển cố mang đến cho tác phẩm vẻ đẹp cổ kính, trang trọng, thanh nhã. Do đó, trong thơ văn mang tính bác học, giáo huấn, mang âm hưởng ngợi ca, thù tạc, điển cố có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải nội dung tư tưởng và tô vẻ cho hình thức thể hiện, tuyệt nhiên không thể mang giá trị trào phúng.

Tuy nhiên, cũng như từ Hán Việt, đặc tính cô đọng, uyên bác, trang trọng, cao nhã lại chính là tiềm năng gây cười dồi dào của điển cố. Khi đặt điển cố vào giữa những dòng thơ Nôm mang tính chất cụ thể, bình dị, nôm na, nhiều khi suồng sã tạo nên thế chỏi, bất hợp lý, ngay lập tức sẽ có một hiệu ứng đột giáng xuất hiện.

Và tiếng cười trào lộng cũng xuất phát từ đây. Bởi xét cho cùng, bản chất cái hài, đó là sự mâu thuẫn “giữa hình thức và nội dung, giữa bộ phận với toàn thể, giữa ý nghĩa và phương tiện, giữa ước muốn và khả năng thực tế, giữa cái được phép và không được phép, quen và không quen, bình thường và không bình thường” vì “những cái gây cười, xét về bản chất là cái có mâu thuẫn, hiểu như là sự đối lập không cân xứng, không hài hòa” (3).

Các nhà thơ trào phúng của nước ta thời trung đại đều ý thức được điều này. Xuất thân từ tầng lớp Nho học, họ am tường về nhiều điển cố và hiểu được những đặc tính của phương tiện tu từ đặc biệt này.

Là tác giả trào phúng, không chỉ thông minh, hóm hỉnh, họ còn có cái nhìn sắc sảo, nắm được những quy luật tâm lí của người đọc cũng như tiềm năng gây cười của các thủ pháp khác nhau. Nhiều nhà thơ đã vận dụng thành công điển cố với tư cách là một phương tiện gây cười vào trong tác phẩm của mình.

Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến,… cùng Nguyễn Công Trứ là những tác giả tiêu biểu cho điều này. Trong đó, HNPVP được xem là một điển hình cho nghệ thuật dụng điển gây cười trong thơ văn thời trung đại.

Giá trị gây cười của điển cố trong HNPVP

Một trong những ấn tượng đặc biệt khi tiếp xúc HNPVP là việc vận dụng điển của Nguyễn Công Trứ trong tác phẩm này. Điều bất ngờ là ở chỗ, HNPVP là một tác phẩm tự trào, toàn nói về những điều vặt vãnh thường nhật của nhà thơ (chuyện miếng ăn, giấc ngủ, cái mặc, chỗ ở, chuyện trong nhà, ngoài xóm, chuyện nợ nần…) nhưng lại xuất hiện một lượng lớn các điển cố.

Đặc biệt hơn, phần lớn những điển này đều có nguồn gốc kinh sử, gắn với cuộc đời những nhân vật lừng danh, tức là những điển có tính điệu thẩm mĩ cao, mang sắc thái trang nghiêm, sang trọng. Tưởng như Nguyễn Công Trứ đã vụng về hoặc lạm dụng điển cố.

Nhưng hóa ra, điều tưởng như vụng về ấy lại là việc làm đầy dụng ý nghệ thuật của tác giả. Chính việc “đặt nhầm chỗ” này là nguồn gốc giá trị trào lộng của điển cố trong tác phẩm. “Vị trí trớ trêu” của điển trong bài phú chính là dấu hiệu dự báo về khả năng gây cười độc đáo, hiệu quả của phương tiện tu từ này mà Hy Văn đã sử dụng.

Trong HNPVP, Nguyễn Công Trứ khai thác tối đa đặc tính trang trọng, trang nhã của điển cố (phần lớn là các điển nguyên dạng chữ Hán với mức độ trang trọng, uyên bác cao hơn so với điển chuyển dịch thuần Việt) để tạo hiệu ứng gây cười.

Các điển vốn hàn lâm, bác học lại được nhà thơ cố tình đặt vào giữa những dòng thơ Nôm mộc mạc, nôm na một cách bất ngờ, độc đáo, gây hiệu ứng đột giáng mạnh. Từ đó, tiếng cười với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau được cất lên một cách tự nhiên, hiệu quả.

Phần lớn điển cố được dẫn dụng trong HNPVP đều là điển chữ Hán nguyên dạng, có nguồn gốc kinh sử, gắn liền với những câu nói của thánh hiền hoặc cuộc đời của các nhân vật nổi tiếng, do đó mang sắc thái trang nghiêm.

Loại điển này thường được sử dụng trong bộ phận thơ tỏ lòng, thù tạc, nhất là trong các thể tài văn học chức năng, được dùng nhiều trong thơ văn chữ Hán. Trong thơ Nôm, nhất là thơ Nôm trào phúng, loại điển này rất ít khi xuất hiện.

Vậy mà trong bài phú của Uy Viễn, loại điển này lại được huy động sử dụng với một số lượng lớn. Như là thế đối trọng với từ thuần Việt (đặc biệt là lớp từ láy, khẩu ngữ), điển cố và từ Hán Việt được nhà thơ chủ động sử dụng một cách linh hoạt, biến hóa với mục đích gây cười tối đa. Chính vị trí “bất đắc dĩ” với thế chông chênh, bất hợp lý này của điển cố đã tạo nên hiệu ứng gây cười đặc sắc trong tác phẩm.

Nhiều câu nói kinh điển của thánh hiền được Nguyễn Công Trứ dẫn ra là những điển cố kinh sách với ý nghĩa giễu nhại nhằm tạo tiếng cười sâu cay.

Chẳng hạn, trong câu Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bìch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no, nhà thơ dẫn điển vốn dịch từ câu Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an để nói thay cho việc coi thường chuyện ăn uống của mình. Nhưng nếu mục đích của việc dùng điển này là để thanh minh thì có lẽ tác giả đã thất bại.

Có thật chủ thể trữ tình ăn chẳng cầu no ? Vậy tại sao nhà thơ phải quan tâm, luôn nghĩ đến chuyện “ngày ba bữa”, lại viết thêm “vỗ bụng rau bìch bịch” với giọng điệu chẳng mấy trang nghiêm? Rõ ràng, với điển này, nếu đạo Nho chủ trương “coi nhẹ đời sống vật chất, hướng con người quan tâm đến những giá trị tinh thần” (4), thì đúng như nhận định, “lời Đức Thánh Khổng Tử được dẫn ra rõ ràng với ý nghĩa giễu cợt” (5). Hai chữ “quân tử” cùng với cả vế ở đây được dùng với hàm ý tự trào, hóm hỉnh, pha chút mỉa mai.

Cũng vậy, ở vế sau Đêm năm canh, an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngõ vốn dịch từ câu Thái bình chi thế ngoại hộ bất bế. Có thật thời đại Nguyễn Công Trứ sống - thế kỉ XIX đầy biến động dữ dội - mà yên giấc ngủ, không cần đóng cổng? Hay đó chỉ là cách nói đùa, tếu táo có chút cười nhạo cảnh nghèo túng đến mức không có gì để mất mà phải sợ trộm của nhà thơ.

Đúng như nhận định: “Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ vì không có trộm cướp, còn ở đây hài hước rằng không có gì đáng để giữ” (6), việc dịch lại những câu nói của đạo Nho với thái độ giễu cợt của Nguyễn Hy Văn đã góp phần tăng cường tính chất trào lộng của tác phẩm.

Những điển cố có nguồn gốc kinh điển, là kết tinh tư tưởng của học thuyết như Tất do thiên, Hữu kỳ đức, Giàu là cái số hoặc là lời dạy của thánh hiền về triết lí sống của người quân tử như Lạc đạo vong bần, Vi nhân bất phú,… cũng được nhà thơ sử dụng như một phương tiện gây cười đắc lực.

Về tính chất, những điển này được xem như những lời giáo huấn, do đó mang sắc thái nghiêm túc, không thể dùng trong những ngữ cảnh suồng sã. Vậy mà tác giả lại cố tình đặt chúng vào những câu văn nói về những điều hết sức tủn mủn, vặt vãnh trong đời sống thường nhật của mình, từ sinh hoạt cho đến lối nghĩ.

Chính nhờ việc “ở không đúng chỗ” của những điển này mà khi gặp những câu như Cùng con cháu thuở nói năng chuyện cũ, dường ngâm câu lạc đạo vong bần/ Gặp anh em khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ vi nhân bất phú, người đọc không thể không bật cười, dù tiếng cười ấy nhiều khi mang cả dư vị xót xa.

Ở cuối bài phú, một loại điển danh nhân được Nguyễn Công Trứ sử dụng dồn dập: Tiếc tài cả phải phạn ngưu bản trúc, dấu xưa ông Phó, ông Hề/ Cần nghiệp kho khi tạc bích tụ huỳnh, thuở trước chàng Khuông chàng Võ… Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa cưỡi dù che/ Giàu ai bằng Vương Khải, Thạch Sùng, cũng có hồi tường xiêu ngói đổ. Những gương tiền nhân được tác giả dẫn ra để tự động viên mình bằng tinh thần lạc quan.

Nhưng khi đọc những câu văn này, thông qua các điển cố gắn với nhiều tích truyện, cùng giọng văn bông đùa của tác giả, ta vẫn nhận ra một nụ cười hóm hỉnh, đáng yêu của một nhân cách lớn luôn lạc quan yêu đời dù đang ở trong cảnh hàn vi chờ thời nghèo khó.

Có thể nói, HNPVP là tác phẩm trào phúng thành công trong việc gây cười ở nhiều phương diện. Trong tác phẩm này, Nguyễn Công Trứ huy động sử dụng nhiều thủ pháp gây cười khác nhau, trong đó có việc sử dụng từ Hán Việt và điển cố một cách có chủ ý nghệ thuật.

Với việc để cho điển cố xuất hiện một cách bất ngờ, “lạc điệu” giữa những câu văn nôm na, tác giả đã thành công trong việc gây hiệu ứng đột giáng, từ đó cộng hưởng với với các thủ pháp khác để khuếch đại hiệu ứng gây cười.

Không chỉ là tác phẩm phú chữ Nôm trào phúng xuất sắc, HNPVP còn là điển hình của việc phá vỡ tính quy phạm ở thể phú, sử dụng điển cố để gây cười, điều mà không phải tác giả nào của văn học trung đại cũng làm được.

1, 2: Đoàn Ánh Loan, Điển cố và nghệ

thuật sử dụng điển cố, Nxb ĐHQG TP Hồ Chí Minh, 2003, tr.50

3: Lí luận văn học, tái bản lần thứ 5, Phương Lựu chủ biên, Nxb Giáo dục, H., 2006, tr.161

4,5 và 6: Phạm Tuấn Vũ (Tiến sĩ, Đại học Vinh), Văn học trung đại Việt Nam trong nhà trường, Nxb Nxb Giáo dục, H., các tr.75 và 66

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/dien-co-voi-viec-gay-cuoi-trong-han-nho-phong-vi-phu-3912064-b.html