Điện Biên: Từng lấp hố bom làm nhà dưới chân đồi A1, cựu TNXP bị gộp 'đất' để chia năm?

Được giao đất để sử dụng từ năm 1996, bà Nguyễn Thị Sinh bất ngờ bị thu hồi giấy tạm giao gộp vào các ô đất bên cạnh để chia năm hộ?

Đẩy xe lấp hố bom làm nhà

Dù bị con cháu ngăn cản nhưng bà Nguyễn Thị Sinh (SN 1945) vẫn tiếp tục miệt mài đội đơn đi gõ cửa các cơ quan tỉnh Điện Biên.

Bất đắc dĩ bà Sinh mới phải tìm đến cơ quan báo chí đề nghị hỗ trợ thông tin, mong các cơ quan vào cuộc soi xét lại trường hợp của bà - một cựu thanh niên xung phong đã có công rất lớn với mảnh đất Tây Bắc.

Bà Sinh cho biết, năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng, bà đã thay mặt đoàn Thanh niên xung phong tháng 8 Thủ đô lên đọc quyết tâm thư (viết bằng máu) và nhận cờ quyết tâm lên xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Bà Sinh trao đổi với phóng viên.

Bà Sinh trao đổi với phóng viên.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà Sinh đã góp một phần công sức để hoàn thành công trình trọng điểm tại mảnh đất địa đấu Tổ quốc.

“Công trình hoàn thành đã làm thay da đổi thịt mảnh đất Tây Bắc, góp phần ổn định kinh tế và chính trị nơi đây. Hoàn thành sứ mệnh của người thanh niên xung phong, tôi cùng đồng đội quyết tâm ở lại xây dựng Điện Biên thành quê hương thứ hai của mình,” bà Sinh cho biết.

Theo bà Sinh, năm 1970, khi bà chuyển về Công tác tại Công ty Thương nghiệp Điện Biên thì được chia đất tại chân đồi A1 để ổn định cuộc sống. Trong đó có hố bom ở sát mặt đường, phần bên trong là bãi sậy.

Ông Trần Huy Đỗ, nguyên Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Điện Biên (hiện sống ở Hà Nội) đã từng xác nhận: “Vườn ao (hố bom) là do cơ quan chia cho, gia đình cô Sinh đã tự khai phá bãi sậy, san lấp hố bom để làm nhà, làm vườn. Năm 1991, hai con gái cô lấy chồng ở cùng cô đã làm nhà và công trình phụ đằng sau ao trên khu vườn trồng rau của bà Hợp cho cô, vườn trồng rong giềng liền kề phía sau nhà cô sinh.”

Giấy xác nhận của nguyên Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Điện Biên.

Theo bà Sinh, sau khi chia đất, gia đình đã không quản ngại khó khăn, đẩy từng xe cải tiến để hố bom và dựng nhà, làm vườn có diện tích trên 600m2. Phần hố bom chỉ là một góc nhỏ của khu đất, sau này gia đình có chuyển nhượng cho ông Vũ Đức Tâm 315m dải đất kéo dài từ trong xóm ra mặt đường Quốc lộ 279 ngay cạnh hố bom. Phần hố bom gia đình vẫn tiếp tục sử dụng làm ao thả cá.

Bà Sinh cho biết: Trong quá trình cải tạo lại hố bom, bà và con trai có lên ở tạm nhà con gái tại khu Thương nghiệp. Đến tháng 10/1991 thì quay lại dựng nhà trên chính phần đất của gia đình. Quá trình làm nhà không xảy ra tranh chấp và không bị chính quyền lập biên bản.

Đến năm 1992, khi biết tin sẽ quy hoạch thành khi dân cư, một số hộ gia đình có ra tranh chấp khu vực hố bom, giáp mặt đường 279. Gia đình bà Sinh đã làm đơn và được UBND huyện Điện Biên ban hành công văn số 48/CV-UB về việc cho mượn đất hố bom để sử dụng. Tuy nhiên, sau này khi mở rộng đường 279, đã sử dụng toàn bộ phần hố bom mà một phần diện tích đất vườn của gia đình để làm đường.

Bà Đỗ Thị Hợp, hàng xóm của bà Sinh ở số nhà 125, phố 5, phường Mường Thanh cũng xác nhận: Thời điểm năm 1970, các gia đình được Công ty phân công nhà tập thể, cùng với việc khai phá bãi sậy, cải tạo san lấp. Từ đường Quốc lộ vào (nay là 279) sát đường là hố bom nhà cô Sinh (được Công ty chia), tiếp đến là vườn rau nhà tôi, liền sau đó là vườn rong giềng và rau muống nhà cô Sinh. Bên cạnh hố bom sát QL 279 là vườn nhà cô Sinh (năm 1990, cô Sinh đã bán nhà đất này cho anh Tâm).

Biên lai thu thuế nhà đất của bà Sinh từ năm 1993.

Cùng năm 1970, để thuận tiện việc đi lại của gia đình từ trong nhà tập thể ra làm vườn, gia đình cô Sinh đã tự bỏ phần đất trên vườn rong giềng đến sát khu nhà đất HTX mua bán của công ty cũ để ra trồng rau trên khu đất sát hồ bom (liền QL 279).

Theo biên bản kiểm tra đất đai và hộ khẩu tại TX Điện Biên Phủ năm 1993 tại gia đình bà Sinh thể hiện rõ, gia đình đã lấp hố bom và làm nhà từ năm 1970. Ngoài ra, cũng có biên lai thu thuế nhà đất 6 tháng đầu năm 1993, còn biên lai 6 tháng cuối năm đã bị thất lạc.

Một quyết định nhiều khuất tất?

Năm 1995, UBND tỉnh Lai Châu (cũ) đã có chủ trương thực hiện việc sắp xếp các hộ dân phục vụ cho việc di chuyển tỉnh lỵ.

Bà Sinh được bàn giao đất tạm thời tại Biên bản số 84/BB ngày 14/01/1996 và Sở Địa chính Lai Châu đã cấp giấy tạm giao đất số 291/ĐC-GĐ ô số 20 thuộc lô 21 với tổng diện tích 90m2.

Trong đó bà Sinh là một trong 5 trường hợp được cấp đất tại các ô số 19,20,21,22 thuộc lô 21.

“Dù khai hoang khu đất đó từ rất sớm, nhưng khi Nhà nước có chủ trương lấy đất để cấp cho các hộ khác chưa có nhà ở, tôi hoàn toàn nhất trí dù chỉ được tái định cư tại chỗ với mảnh đất 90m2. Hơn nữa tôi là người có công, nằm trong diện ưu tiên xét cấp đất, các con lớn đều có nhu cầu đất ở nhưng tôi cũng không xin cấp để hưởng chế độ đãi ngộ.”

Hiện trạng trước sau sau khi bà Sinh bị gộp đất để chia 5.

Tuy nhiên, sự việc bắt nguồn từ Quyết định số 905/QĐUB ngày 9/9/2011 (sau đây gọi là Quyết định 905) của bà Giàng Thị Hoa, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ký về việc Giải quyết những tồn tại vướng mắc trong việc giao đất đối với 5 hộ gia đình Khu dân cư A1.

Bà Hoa cũng giao UBND TP Điện Biên Phủ thu hồi, hủy bỏ giấy tạm giao đất và ra Quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 5 hộ dân là hộ ông Vũ Thế Đệ, bà Nguyễn Thị Sinh, ông Nguyễn Minh, bà Khương Thị Huyền và bà Chu Thị Thìn.

UBND TP Điện Biên Phủ cũng “tuân lệnh” ban hành Quyết định số 667/QĐ-UBND ngày 15/09/2001 (Quyết định 667) với nội dung thu hồi và hủy bỏ 5 giấy tạm giao đất cho các hộ trên.

Đồng thời tiếp tục ban hành quyết định số 780/QĐ-UBND (Quyết định 780) ngày 10/10/2011 đem gộp 4 ô đất trên để “xẻ” cho 5 hộ.

Theo đó, các ô đất 19,20,21,22 thuộc lô số 21 khu dân cư A1 được bố trí sắp xếp lại: Gia đình ông Vũ Thế Đệ tại vị trí S1 có diện tích 64,7m2, bà Nguyễn Thị Sinh (S2) có diện tích 65,2m2, ông Nguyễn Minh (S3) có diện 65,5m2, bà Phạm Thị Hường (S4) có diện tích 65,9m2 và bà Chu Thị Thìn 66,1m2.

Theo bà Sinh, sau khi mở rộng đường QL 279, Nhà nước đã sử dụng toàn bộ hố bom được cho mượn theo CV số 48 năm 1992.

Theo bà Sinh, việc thu hồi và hủy các giấy tạm giao đất này không đúng theo quy định pháp luật. Vì thời điểm đó, đang chờ di chuyển tỉnh lỵ nên tỉnh chỉ cấp giấy tạm giao đất. Nhưng giấy tờ này có giá trị pháp lí như một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Việc thu hồi giấy tạm giao mà không được sự đồng ý của gia đình tôi để cấp lại cho gia đình khác, đặc biệt là chưa đền bù là không đúng quy định.”

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên (thời điểm ký Quyết định số 905 là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên) cho biết: Thời điểm đó, việc cấp đất đều được thực hiện bằng giấy tạm giao và có biên bản bàn giao. Tuy nhiên việc thu hồi các giấy tạm giao của các hộ dân tại ô số 19,20,21,22 thuộc lô 21 Khu A1 không được đền bù vì các hộ chưa được nhận đất trên thực địa.

“Trường hợp bà Sinh trước đây đã bán hết đất cho ông Vũ Đức Tâm, sau đó lên sinh sống cùng con gái tại khu Thương nghiệp. Do đó bà không còn đất tại khu vực lô 21, tổ dân phố 5 nữa.

Bà Sinh từng đọc Quyết tâm thư viết bằng máu lên xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm tại Điện Biên.

Còn hố bom mà bà Sinh sử dụng thì theo số 48/CV-UB bà Sinh được UBND huyện Điện Biên cho mượn, khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng thì trả lại và không được đền bù như các hộ khác. Như vậy thì bà không có quyền lợi hợp pháp trên khu đất đó.”

Liên quan đến vấn đề này, bà Sinh khẳng định bà chỉ bán cho ông Tâm một phần diện tích đất của mình. Hơn nữa, sau khi mở rộng đường QL 279, Nhà nước đã sử dụng hết diện tích hố bom được cho mượn theo CV số 48.

Mặc dù hai Quyết định số 667 và Quyết định số 780 của UBND TP Điện Biên Phủ đã bị TAND TP Điện Biên Phủ tuyên hủy nhưng UBND TP Điện Biên Phủ vẫn tiến hành cưỡng chế đối với gia đình bà Sinh và một số hộ dân khác vào ngày 26/09 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết, toàn bộ sự việc tại lô đất số 21 đang được giao cho UBND Thành phố Điện Biên Phủ giải quyết theo quy định.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp bà Sinh, ông Trần Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Quy trình thực hiện việc bố trí sắp xếp lại dân cư tại Khu A1 đều được thực hiện theo quy định. Dù bà là Thanh niên xung phong thì phải tôn trọng pháp luật, không ai làm khác được đâu. Bà Hoa trước khi kí quyết định đã hỏi hết các cơ quan kể cả Thanh tra, Tòa án tối cao rồi…

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Xuân Thái - Gia Hải

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/dien-bien-tung-lap-ho-bom-lam-nha-duoi-chan-doi-a1-cuu-tnxp-bi-gop-dat-de-chia-nam-d110390.html