Điện Biên: Tiềm năng và các giải pháp để phát triển thương mại dịch vụ

Điện Biên có các lợi thế như, sân bay, hai cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt – Lào, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Tây Trang và khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư, một cặp lối mở A Pa Chải trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, còn có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn, đang và sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại, du lịch và dịch vụ vận tải quốc tế.

Đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã và đang ngày càng mở rộng. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực với Việt Nam từ năm 2015 sẽ tạo điệu kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở rộng và phát triển.

Việt Nam và Lào vừa có quan hệ láng giềng hữu nghị, vừa là thành viên của khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Do đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan sẽ ngày càng phát triển. Thực tế, trong những năm vừa qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào đã phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Hệ thống giao thông trong tỉnh sẽ được tiếp tục đẩy mạnh đầu tư theo qui hoạch là những yếu tố quan trọng để Điện Biên phát triển thương mại và dịch vụ.

Đặc biệt, cơ hội phát triển phương thức tạm nhập, tái xuất và trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là với Vân Nam (Trung Quốc). Cơ hội gia tăng qui mô thương mại biên giới cùng với việc thực hiện chính sách cắt giảm thuế quan, trong đó nhiều mặt hàng có mức thuế suất 0% theo các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc và trong khu vực ASEAN. Phát triển thương mại phục vụ cho khách du lịch gắn với phát triển các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.Hiện nay, xu hướng mở rộng và tăng cường liên kết các hoạt động thương mại đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Do đó, tăng cường phát triển thương mại giữa tỉnh Điện Biên với vùng Tây Bắc của Việt Nam, Vân Nam (Trung Quốc), Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan cũng là không nằm ngoài xu hướng này.

Những yếu tố trên đây đang và sẽ mở ra những cơ hội cho phát triển thương mại của tỉnh Điện Biên. Vì vậy tỉnh Điện Biên đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các kết cấu hạ tầng thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, các khu vực cửa khẩu phụ; hình thành các điểm thương mại tại các trung tâm cụm xã, huyện lỵ gắn với việc xây dựng các khu công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư hệ thống kho, bãi hàng hóa xuất nhập khẩu, trung tâm logistics. Củng cố hệ thống mạng lưới kinh doanh thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối lớn hình thành nhanh hệ thống phân phối, đóng vai trò như là “đầu tầu” để lôi kéo, liên kết và định hướng hoạt động cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào đã phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào đã phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng cường hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp trong tỉnh với vùng Tây Bắc với doanh nghiệp các tỉnh của Vân Nam (Trung Quốc), khu vực Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan. Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiến cơ hội đầu tư sang các khu vực này để tìm kiếm cơ hội phát triển chuỗi cung ứng, mở rộng xuất - nhập khẩu ở khu vực biên giới.

Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có lợi thế phát triển thương mại của tỉnh, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhằm tăng cường khai thác nguồn hàng, phát triển hệ thống cung ứng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nhanh và bền vững. Tăng cường mức kinh phí hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho hoạt động xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, trong đó tập trung: hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động điều tra, khảo sát thị trường, người tiêu dùng và hệ thống phân phối tại các vùng biên giới, tổ chức các hội chợ cấp vùng; tổ chức bán hàng Việt Nam ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa; tiến hành các chương trình truyền thông nhằm quảng bá hàng Việt Nam.

Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương và từ các nguồn vốn khác để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp thương mại lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển hoạt động thương mại tại tỉnh Điện Biên. Tăng cường hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh (trong nước và xuất khẩu).

Đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh đang có sức cạnh tranh hoặc có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo sự phát triển hài hòa của các loại hình thương mại truyền thống, tạo việc làm và giữ gìn giá trị văn hóa; đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia thuộc khu vực biên giới.

Lê Hoa

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dien-bien-tiem-nang-va-cac-giai-phap-de-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-75837.htm