Điện Biên Phủ: Nhìn lại cuộc chiến lịch sử cách đây 66 năm

Nhân dịp 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2020), báo The Guardian (Anh) đăng tải bài viết về chủ đề này.

Điện Biên Phủ, ba từ mà ở Pháp đồng nghĩa với sự thất bại biểu trưng. Vào ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữa quân đội Việt Minh và lực lượng viễn chinh Pháp, cuối cùng quân đội Việt Minh đã chiến thắng.

Nhà sử học Jean-Pierre Rioux mô tả lại rằng đây là “trận chiến duy nhất mà lực lượng quân đội Châu Âu bị thua trận trong lịch sử phi thực dân hóa”, báo hiệu cho sự kết thúc của thực dân Pháp. Chiến thắng của những người lính Hồ Chí Minh dẫn tới các cuộc đàm phán và thỏa thuận tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 21/7/1954, chấm dứt cuộc chiến khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong đó có nhiều bộ đội và thường dân Việt Nam.

Quân đội Pháp mô tả Điện Biên Phủ giống như một lưu vực. Khi máy bay của chúng tôi đáp xuống đường băng, vốn được người Pháp tạo ra khi xưa (nay đã được trải nhựa), ấn tượng của chúng tôi về Điện Biên Phủ lại hoàn toàn khác. Nó giống như một bồn tắm lớn, được phủ bao quanh là những ngọn đồi và ngọn núi tạo thành hai bên của một thung lũng rộng. Ngạc nhiên không kém, Điên Biên Phủ giờ là một thị trấn lớn với những căn nhà cao thấp khác nhau, nơi đây giống như một thủ phủ và ngay từ cái nhìn đầu tiên, chúng tôi khó có thể tưởng tượng ra rằng đã có một trận chiến lịch sử diễn ra tại nơi đây 66 năm trước.

Vào ngày 13/3/1954, khi Việt Minh phát động cuộc tấn công tại Điên Biên Phủ, quân đội Pháp dưới quyền Tướng Christian de Castries đã tưởng rằng hỏa lực, không lực, pháo binh và công sự của Pháp có thể đẩy lùi kẻ thù vào một cái bẫy, không thể thoát ra được. Nếu họ có thể đánh bại Việt Minh ở Điện Biên Phủ, họ sẽ đẩy lực lượng này trở về Lào. Tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy trận đấu này, cũng coi Điện Biên Phủ là một cái bẫy, nhưng là đối với người Pháp.

Ở Hà Nội, chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Phương Nam, 84 tuổi, người đã chiến đấu tại Điện Biên Phủ năm đó với tư cách chỉ huy một trung đoàn gồm 800 quân và hoạt động như một chính ủy. “Chúng tôi phải kéo súng lên đồi bằng cách tháo rời chúng ra và vận chuyển bằng bè tre. Để làm được điều này rất khó khăn, chúng tôi phải đi xuyên qua rừng, những thác nước trong cái nóng của thời tiết. Nhưng chúng tôi đã làm được điều đó vì chúng tôi muốn độc lập. Chúng tôi chủ yếu là những người lính nông dân và chúng tôi biết rằng chiến thắng sẽ thay đổi cuộc đời của chúng tôi”- ông Nam kể lại.

Ngày 13/3/1954, Việt Minh nổ súng tấn công đồi Him Lam. Các sĩ quan quân đội Pháp, từng người một, thương vong. Các thành trì khác cũng rơi vào tay Việt Minh. Đến nửa đêm, đồi Him Lam tắt tiếng súng. Người Pháp hoàn toàn bất ngờ. Họ không thể nghĩ rằng Việt Nam có thể tấn công với hỏa lực lớn đến vậy.

Khám phá các chiến hào được tái lập lại ở Him Lam ngày nay, chúng tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra hình ảnh những người lính Việt Minh năm xưa cúi mình chạy trong các chiến hào khi đạn pháo rơi xuống, kiên cường chiến đấu. Đến giữa tháng 3/1954, tình hình xấu đi đến mức Tướng René Cogny – Chỉ huy lực lượng Pháp ở Bắc Kỳ - nói với Tướng Henri Navarre – Chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp – rằng: “Điện Biên Phủ có thể sụp đổ vào đêm hôm sau”. Nhưng Tướng Giáp đã quyết định chậm lại. Tuy nhiên, vào ngày 30/3, “trận chiến của 5 ngọn đồi” bắt đầu. Lần lượt từng thành trì, Huguette, Dominique và Claudine (do Pháp đặt tên) lần lượt bị chiếm, chỉ còn lại Eliane và một số điểm đồi khác bảo vệ căn cứ chính.

Cựu chiến binh, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Dung Chi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện chiến đấu của mình tại Điện Biên Phủ năm đó bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo. “Tôi đã ở chiến hào gần nhất nhất với người Pháp. Tôi luôn ở tuyến đầu. Vào ngày 30/3, chúng tôi không lấy được Eliane. Đến ngày 6, 7/5, chúng tôi quyết định chiếm giữ các vị trí bên sườn và phía sau. Chúng tôi không thể nhìn thấy gì lúc đó, chỉ tiến lên phía trước, nhảy từ chiến hào này sang chiến hào nọ, bước qua các xác chết.” – ông Chi cho hay.

Ông Chi nhớ lại những giờ đầu tiên của chiến thắng Điện Biên Phủ. “Sự im lặng rơi xuống Điện Biên Phủ. Nó bốc mùi, mùi chết chóc và thối rữa da thịt của những người lính Pháp bị thương” – theo lời kể của ông Chi.

Ông Chi kể ông tìm tới trụ sở chính, nhưng thấy nó trống không. Trên bàn của người tướng Pháp, tôi tìm thấy một tập bản đồ và khi những tiếng súng ngừng hẳn, tôi thấy những người lính Pháp vẫy những mảnh vải trắng.

Hà Anh

(Theo The Guardian)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dien-bien-phu-nhin-lai-cuoc-chien-lich-su-cach-day-66-nam-n173685.html