Điện Biên – nhiều chính sách hữu hiệu giúp nông dân giảm nghèo

Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND, ngày 26.11. 2015 của UBND tỉnh Điện Biên quy định về chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản giữa 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà sản xuất) xây dựng cánh đồng mẫu lớnđã thể hiện tính ưu việt, thuận cả đôi đường cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua thực hiện chính sách đã thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững.

Chính sách “hút” doanh nghiệp liên kết với nông dân

Được tham gia tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá có giá trị kinh tế cao trong lồng bè đã giúp nhiều nông dân thành tỷ phú.

Tính ưu việt của Quyết định số 25 thể hiện, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành, thì doanh nghiệp còn được hưởng nhiều khoản ưu đãi khác như: Hỗ trợ không quá 30% kinh phí quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng…

Đối với tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất. Hỗ trợ 1 lần bằng 50% kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, liên hợp tác xã về công tác quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất. Hỗ trợ 30% trong năm đầu, 20% năm thứ 2, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy thực hiện dịch vụ bảo vệ chung cho các thành viên. Riêng với nông dân được hỗ trợ 1 lần bằng 30% chi phí mua giống cây trồng vụ đầu tiên. Trong trường hợp Chính phủ tạm trữ nông sản được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp, thời gian tối đa không quá 3 tháng…

Thông qua chính sách lần đầu tiên những vướng mắc, rào cản trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được tháo gỡ, tạo tâm lý yên tâm chodoanh nghiệp, nông dân phấn khơỉđồng hành, dưới sự bảo trợ của Nhà nước và hỗ trợ hoa học, kỹ thuật của nhà khoa học.

HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tỉnh Điện Biên đưa cơ giới hóa vào hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đánh giá: “Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng chính sách hỗ trợ đã từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên. Thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,23%/năm. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng là giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Năm 2017, tổng trị giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 hơn 600 tỷ đồng”.

Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn

Tổng kết sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và chính sách hỗ trợ sản xuất, tỉnh Điện Biên đã thu hút được 15 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông– lâm - thủy sản; tổ chức xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, như:Sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap, các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất ngô tập trung…

Quá trình hỗ trợ kỹ thuật sạ lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên trên cánh đồng Mường Thanh được đánh giá hiệu quả, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và loại trừ tối đa lúa lẫn. Trong ảnh cán bộ chuyên môn huyện Điện Biên kiểm tra ruộng lúa xạ theo phương pháp hiệu ứng hàng biên.

Huyện Điện Biên được đánh giá có lợi thế trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Năm 2018, địa phương đã triển khai thành công cánh đồng lớn liên kết gắn với tiêu thụ giống lúa đặc sản như: Bắc thơm số 7 và Ir64 với quy mô 92ha do Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé - Thanh Hưng thực hiện. Đồng thời, huyện đang thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa tại xã Thanh Yên và Thanh Hưng để tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 63ha. Sản phẩm lúa gạo liên kết đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) giúp kiểm soát sản phẩm chính hãng và góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Điện Biên.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: “Việc mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, san lấp cải tạo mặt bằng và đào các giếng khoan phục vụ nước tới sản xuất đã đem lại hiệu quả trong thực hiện cánh đồng lớn. Cùng với đó sự chủ động thực hiện cam kết hỗ trợ, tiêu thu sản phẩm sau thu hoạch của doanh nghiệp đã tạo được niềm tin, phấn khởi và sự đồng thuận cao của nông dân khi tham gia; thiết thực giúp nông dân vươn lên, xóa nghèo – làm giàu từ nông nghiệp”.

Bên cạnh việc duy trì phát triển hơn 1.500 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, chính sách hỗ trợ của tỉnh còn tập trung cho một số làng nghề truyền thống được chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất, tiêu biểu như: Làng nghề dệt may thổ cẩm Na Sang II (huyện Điện Biên); làng nghề thêu ren xã Sín Phình (huyện Tủa Chùa).

Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các cơ sở sản xuất, làng nghề, doanh nghiệp và các hợp tác xã có điều kiện tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản của tỉnh tại nhiều hội chợ thương mại, trong và nước ngoài như: Hà Nội, Huế, Hà Giang, Yên Bái và tạimột số nước: Lào, Trung Quốc và Nhật Bản; với các sản phẩm tiêu biết, tiềm năngcủa địa phương là: gạo Ðiện Biên, chè Shan tuyết, cà phê Mường Ảng, đông trùng hạ thảo; thịt trâu, thịt lợn, thịt bò hun khói, sấy khô...

Nông dân lòng chảo Mường Thanh phấn khởi tham gia liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản, ngoài được HTX cam kết hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật còn được thu mua với giá luôn cao hơn thị trường.

Theo chia sẻ của ông Lò Văn Tiến,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thời gian tới để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai kịp thời các chính sách hiện có của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên rà soát, đánh giá, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; trong đó, tập trung tuyên truyền các chính sách, cơ chế trong thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh nhanh chóng hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận đất đai, vốn, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những chính sách đó đã tạo hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo ở một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều khó khăn như Điện Biên.

Vinh Duy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/dien-bien-nhieu-chinh-sach-huu-hieu-giup-nong-dan-giam-ngheo-939337.html