Diễn biến mới vụ san lấp trái phép hồ Đồng Mô

Ông Hùng cho biết, đến ngày 5/7, các doanh nghiệp đã khắc phục xong diện tích sai phạm dưới lòng hồ, tuy nhiên phần đất của bà Hiền vẫn còn.

Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ san lấp trái phép hồ Đồng Mô, tối ngày 8/7, trao đổi với báo Đất Việt, ông Đặng Tuấn Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích cho rằng, đến hết ngày 5/7, khu resort G9 (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đã được khắc phục xong phần sai phạm.

"Không chỉ khu resort G9 mà tại khu đồi Mơ, phần sai phạm dưới lòng hồ cũng đã được doanh nghiệp khắc phục xong. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn phần đất của hộ bà Lê Thị Thu Hiền tự ý đổ thì chưa xúc hết lên. Phần đất do bà Hiền tự ý đổ là xã quản lý", ông Hùng nói.

Tại khu đất đồi Mơ, máy xúc đang múc đất đã lấp xuống hồ Đồng Mô. Ảnh: Lao Động

Tại khu đất đồi Mơ, máy xúc đang múc đất đã lấp xuống hồ Đồng Mô. Ảnh: Lao Động

Nói về việc này, cùng ngày, ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) cho rằng, phần diện tích bà Hiền đổ đất là đất lâm nghiệp, đất liền, không phải diện tích đất dưới lòng hồ.

"Phần diện tích đất lâm nghiệp này bà Hiền đang xin cải tạo để trồng cây và hiện nay đang tiếp tục xin ý kiến của Sở. Đây là việc của cá nhân bà Hiền thôi, không phải của dự án nào", ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, bà Hiền là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Đồng Mô.

"Việc bà Hiền xin đổ đất trồng cây là để tạo cảnh quan, chỗ đó không có xây dựng gì hết", ông Cường nhấn mạnh.

Phần đất đỏ au mới được dựng lên tà luy làm đường của dự án resort G9. Ảnh: Lao động

Trước việc san lấp hồ như báo chí phản ánh trước đó, theo thông tin trên báo Lao Động, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông đề nghị thành phố sớm cho tổ chức thực hiện cắm mốc đối với các công trình thủy lợi để dễ trong công tác quản lý. Theo ông Cường, hiện nay, giữa đồi và hồ Đồng Mô chưa rõ ràng nên quản lý rất khó khăn.

Vị Chủ tịch này cho rằng, các dự án thuê đất cũng phải cắm mốc rõ ràng, đặc biệt các dự án ven hồ. Để quản lý tốt hơn thì cần phải xác định lại tọa độ. “Việc không cắm mốc cho thấy hiện nay đất giữa dự án và công trình thủy lợi khi san gạt, xây dựng rất khó khăn để nhận biết và xử lý”, ông Cường khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Cường, cần xác định rõ thẩm quyền quản lý của hồ Đồng Mô. “Trước đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản quyết định giao cho chỗ Làng Văn hóa Việt Nam quản lý 800 hécta. Trong khi đó, Công ty Sông tích cũng cho rằng quyền quản lý của đơn vị này. Việc này đã chồng chéo trong quản lý hồ”, ông Cường cho biết thêm.

Trước đó, theo phản ánh, Công ty CP Thương mại Đồng Mô làm chủ đầu tư xây dựng resort với diện tích 3,9ha, một phần đồi Mơ đã bị san gạt làm mặt bằng, mặt đất đỏ sẫm.

Phần sát mép nước hồ Đồng Mô là hàng loạt cây cọ mới được trồng. Người dân ở đây cho biết, cách đây khoảng gần một tháng, cứ đêm đến lại có hàng đoàn xe ủi, máy xúc liên tục quần thảo xẻ đồi để tạo dựng mặt bằng mới.

Được biết, để hai dự án resort được phép xây dựng, san lấp, hai doanh nghiệp trên đã gửi văn bản tới Công ty Sông Tích để xin phép được nạo vét. Với dự án Resort Spa Cây Bồ, Công ty Sông Tích cho phép dự án này nạo vét phần đất bồi lắng để san gạt, trong phạm vi diện tích 3,9ha. Trong quá trình thi công không được để phế liệu rơi xuống lòng hồ Đồng Mô và hoàn trả mặt bằng khu vực theo hiện trạng.

Còn với dự án xây biệt thự khu resort G9, Công ty Sông Tích chấp thuận cho doanh nghiệp tận dụng bãi nổi 500m2 để làm nơi tạm chứa đất.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/dien-bien-moi-vu-san-lap-trai-phep-ho-dong-mo-3383436/