Diễn biến mới trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 10-10, Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh với dàn vũ khí 'khổng lồ', trong đó có sự xuất hiện lần đầu của 2 loại tên lửa mới là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Dàn tên lửa của Triều Tiên trong lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Dàn tên lửa của Triều Tiên trong lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Tuy Triều Tiên không công bố rõ ràng về những loại tên lửa mới này nhưng giới chuyên gia quân sự nhận định rằng, ICBM mới nhiều khả năng là Hwasong-15 phiên bản nâng cấp hoặc Hwasong-16, còn SLBM có thể là Pukguksong-4. Gây quan ngại nhất trong cộng đồng quốc tế là loại ICBM mới của Triều Tiên. Theo giới chuyên gia hạt nhân, loại ICBM được trình diễn được thiết kế trên một phương tiện vận tải có 11 trục, cho thấy đây là ICBM đường bộ lớn nhất thế giới.
Truyền thông quốc tế dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho thấy, các quốc gia sở hữu ICBM và SLBM thường thiết kế loại vũ khí này theo hướng nhỏ gọn, cơ động nhất có thể nhằm dễ che giấu. Vì vậy, các loại tên lửa mới của Triều Tiên sẽ rất khó để tìm hiểu chi tiết để vô hiệu hóa. Các loại tên lửa này được đưa vào sử dụng sẽ nâng cao mức độ đe dọa với nhiều quốc gia.

Phản ứng trước động thái của Triều Tiên, giới chức Mỹ bày tỏ, việc ra mắt các loại tên lửa mới là hành động “đáng thất vọng” của Triều Tiên trong nỗ lực đàm phán để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, giới chuyên gia chính trị cho rằng, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa hiện nay đã bế tắc. Năm 2018, Triều Tiên đã đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời phá hủy 1 bãi thử hạt nhân như 1 dấu hiệu thiện chí ngoại giao. Trước đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau tới 3 lần nhưng hoạt động ngoại giao đã “dậm chân tại chỗ” do Mỹ từ chối giảm nhẹ mọi lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Triều Tiên. Vậy nên, việc Triều Tiên khôi phục và tăng cường phát triển vũ khí chiến lược có thể xem là một hành động tất yếu.

Trong bài phát biểu tại lễ duyệt binh, ông Kim Jong-un nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng nhằm răn đe và tự vệ trước "các thế lực thù địch". Ông Kim cũng cam kết rằng, nước này sẽ không bao giờ lạm dụng khả năng quân sự của mình để tấn công phủ đầu các nước khác.
Về phía Hàn Quốc, Chủ tịch Kim Jong-un bất ngờ gửi thông điệp hòa giải tới nước này và hy vọng rằng, hai miền Triều

Tiên sẽ sớm “nắm tay nhau”. Ngay lập tức, chính quyền Hàn Quốc tiến hành họp khẩn cấp để phân tích mối đe dọa từ vũ khí mới của Triều Tiên cũng như thông điệp hòa giải của ông Kim Jong-un.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này đang phân tích tình hình và lên các kịch bản ứng phó với mối đe dọa từ Triều Tiên theo chiều hướng tích cực. Trước thông điệp từ ông Kim Jong-un, Hàn Quốc đang phân tích khả năng khôi phục quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc; khôi phục liên lạc quân sự liên Triều; phòng ngừa xung đột, tiến tới chấm dứt hoàn toàn chiến tranh giữa 2 nước vốn chỉ đang ở mức đình chiến suốt nhiều thập kỷ; thiết lập cơ chế hợp tác y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19...

Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, các loại tên lửa mới được Triều Tiên giới thiệu đã gửi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới các quốc gia. Đầu năm nay, ông Kim đưa ra cam kết về việc phát triển một loạt “vũ khí chiến lược” trong năm. Sự kiện vừa qua cho thấy, ông Kim giữ đúng lời hứa của mình. Việc ra mắt các loại tên lửa mới sẽ đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ tiến hành phóng thử nghiệm các loại vũ khí này trong thời gian tới. Khi đó, chắc chắn an ninh quốc tế sẽ có những diễn biến phức tạp.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dien-bien-moi-trong-quan-he-han-quoc-trieu-tien-post434028.html