Diễn biến mới phong trào tách đôi California

Nếu California tách khỏi Mỹ thành công, họ sẽ chia một nửa diện tích bang này cho nước Mỹ để thành lập 'quốc gia Mỹ bản địa tự trị'.

Những nhà lãnh đạo của phong trào ủng hộ tách bang California khỏi Mỹ (phong trào CalExit hay Yes California) tuyên bố ý định sửa đổi đề xuất ly khai ban đầu của họ.

Thay vì tách toàn bộ bang này khỏi Mỹ, nhóm này đề xuất tách một phần bang California ra khỏi quốc gia độc lập, coi như phần lãnh thổ đó vẫn thuộc Mỹ nhưng dưới dạng một quốc gia tự trị.

Kế hoạch chia tách bang California mới.

Phần lãnh thổ được tách ra chiếm gần 1 nửa diện tích của bang California.

Đề xuất mới của phong trào CalExit cho phép phần đất thuộc sở hữu liên bang ở Tiểu bang Sunshine sẽ được trả lại cho người Mỹ bản địa.

Ước tính, chính phủ Mỹ sẽ sở hữu khoảng 47% đất của California tính từ biên giới bang Oregon đến Mexico.

Dải đất này bao gồm chủ yếu là các khu vực nông thôn, dãy núi Sierra Nevada và Dãy Núi Cascade. Nơi đây sẽ được coi là một vùng đệm giữa phần còn lại của nước Mỹ và nước Cộng hòa California độc lập mới.

Đây được cho là đề xuất nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ thay vì kế hoạch ban đầu của nhóm này là tách toàn vẹn bang California thành một quốc gia độc lập khỏi 50 bang còn lại thuộc nước Mỹ.

Động thái này được đưa ra nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng thổ dân bản địa khi sắp đến thời hạn cuối của việc thu thập chữ ký trước hạn chót vào giữa tháng 10.

Đài Fox News dẫn lời ông Louis J.Marinelli, nhà sáng lập phong trào CalExit cho hay, đây là dịp để "nước Mỹ sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ đối với thổ dân và trả lại đất đai cho họ".

Nếu ý tưởng này thành công, phần đất đai phía Đông của bang California chạy từ giới tuyến bang Oregon tới biên giới với Mexico sẽ trở thành “vùng tự trị đầu tiên ở Bắc Mỹ dành cho người bản địa”.

Ông Marinelli cho biết, việc chia dọc bang California để lập quốc gia tự trị sẽ không tác động đáng kể đến dân số “Cộng hòa California mới”, vì 2/3 dân số bang hiện sống ở vùng duyên hải phía tây.

Nhà đồng sáng lập Marcus Ruiz Evans cho biết thêm chiến dịch cũng muốn tạo một vùng đệm giữa “nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump và nước Cộng hòa California độc lập mới”.

Ông Marcus Ruiz Evans - đồng sáng lập phong trào CalExit.

Hồi tháng 4, chiến dịch đã được chính quyền bang cho phép tiến hành thu thập chữ ký với mục tiêu đạt ít nhất 365.880 ý kiến ủng hộ trước thời hạn nói trên để có thể đưa ra trưng cầu dân ý vào năm 2021.

Hiện chiến dịch vẫn đang tiến hành và chưa công bố con số chính thức.

Theo khảo sát của Reuters, khoảng 32% người dân California được hỏi cho biết họ muốn tách khỏi Mỹ.

Kết quả trưng cầu không có giá trị ràng buộc về pháp lý vì theo quy định, nếu California muốn ly khai thì phải có 2/3 số phiếu ủng hộ tại lưỡng viện quốc hội để sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, nếu đa số cử tri chọn độc lập thì sẽ gây áp lực lớn lên các nghị sĩ và tạo thêm động lực cho phe ly khai.

Phong trào Yes California ra đời năm 2015, tiếp nối chuỗi làn sóng đòi tách riêng kéo dài hàng trăm năm qua tại bang này.

Là tiểu bang đông dân và giàu có nhất ở Mỹ, California năm ngoái đã tương đương vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới của Anh với GDP đạt mức 2.700 tỉ USD (khoảng 62,66 triệu tỉ đồng). Bang này cũng đóng góp gần 14% GDP của Mỹ dù chỉ chiếm 12% dân số cả nước.

Phong trào này tách biệt với phong trào đòi tách bang California làm 3 tiểu bang nhỏ “để tăng hiệu quả quản lý của chính quyền và phát triển thịnh vượng hơn” do tỉ phú Tim Draper đề xuất.

Ý tưởng này được cho là có triển vọng hơn khi đã thu thập sự ủng hộ vượt gấp đôi các chỉ tiêu đề ra.

Song, Tòa án tối cao California mới đây đã chặn đề xuất này vì cho rằng việc chia bang tạo ra quá nhiều thay đổi khó lường về cấu trúc nên phải được xem xét bởi các nhà lập pháp chứ không thể chỉ đưa ra trưng cầu ý kiến.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dien-bien-moi-phong-trao-tach-doi-california-3362965/