Diễn biến mới nhất phiên tòa xét xử vụ án thủy điện Sơn La

Luật sư cho rằng, cơ quan an ninh điều tra và kiểm sát viên đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng

Tại phần tranh tụng, phiên tòa xét xử 17 bị cáo vụ sai phạm đền bù xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La sáng 24/7, đa số các luật sư cho rằng, vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ án là việc cơ quan an ninh điều tra và kiểm sát viên đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình về việc phát hiện và yêu cầu khắc phục vấn đề vi phạm thẩm quyền điều tra.

Luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình về việc phát hiện và yêu cầu khắc phục vấn đề vi phạm thẩm quyền điều tra.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, bào chữa cho các bị cáo Phan Xuân Khoa và Tòng Văn Thành, cho rằng, tại Mục A Chương 2 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự quy định về Tổ chức và thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Điều 12 quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân như sau: “1. Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh…”.

Cơ quan an ninh điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự tại Chương XI – Các tội xâm phạm An ninh quốc gia từ Điều 78 – 91; Chương XXIV – Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; và các tội được liệt kê nêu trên. Rõ ràng với vụ án này, tội phạm mà các bị cáo bị điều tra, truy tố và đưa ra xét xử là tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS 1999 không thuộc các tội quy định tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

Luật sư Nam cũng cho biết thêm: Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nguyên tắc đảm bảo pháp chế Xã hội chủ nghĩa, “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những quy định do Bộ luật này quy định”. Vậy căn cứ nào để cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án này? Việc Cơ quan an ninh điều tra khởi tố, điều tra vụ án này là trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật nên toàn bộ các hoạt động tố tụng căn cứ trên cơ sở điều tra đó cũng là trái pháp luật, những biện pháp tố tụng và tài liệu liên quan, trong đó có lời khai của các bị cáo cũng không có giá trị pháp lý nếu bất lợi đối với họ.

Luật sư cho rằng: Không hiểu bằng cách nào, các bản lời khai của các bị cáo tại trại tạm giam đều ghi là biết kế hoạch 41 là sai, trong khi các bị cáo đều không có văn bản khác để đối chứng.

Về việc kiểm sát điều tra, luật sư Nam cũng cho rằng, theo Điều 6 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự quy định về Trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong hoạt động điều tra; qua quá trình từ khởi tố, điều tra, truy tố và đến tại phiên Tòa, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình về việc phát hiện và yêu cầu khắc phục về vấn đề vi phạm thẩm quyền điều tra này.

Luật sư Bùi Việt Anh, bào chữa cho các bị cáo Phan Xuân Khoa, Tòng Văn Thành, Triệu Ngọc Hoan cho rằng, phần luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã công bố tại phiên tòa ngày 23/7/2019 đã luận tội không căn cứ vào lời khai, ý kiến của các bị cáo, ý kiến của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đã trình bày tại phiên tòa; luận tội chủ yếu dựa vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án; không tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ xác định vô tội mà chỉ tập trung phân tích, đánh giá các chứng cứ buộc tội đối với tất cả bị cáo trong vụ án này; đồng thời luật sư cho rằng, luận tội hầu như được sao chép từ bản cáo trạng số 51 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La.

Về thủ tục tố tụng, luật sư Việt Anh cho rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan an ninh điều tra cũng như Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như là: Về thẩm quyền điều tra, về việc giám định, xác định tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng, việc tạm giam đối với các bị cáo… Đồng thời luật sư cho rằng, tại phiên tòa trước đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã trả hồ sơ, yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La điều tra bổ sung 5 vấn đề, tuy nhiên cáo trạng số 51 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La chỉ kết luận 2 vấn đề, còn lại 3 vấn đề rất quan trọng thì Viện Kiểm sát chưa kết luận.

Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thanh cho biết: Không hiểu bằng cách nào, các bản lời khai của các bị cáo tại trại tạm giam đều ghi là biết kế hoạch 41của UBND huyện Mường La về "Đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất chi tiết khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La" là sai, trong khi các bị cáo đều không có văn bản khác để đối chứng. Kế hoạch 41 là các bước triển khai thực hiện tiếp theo văn bản của cấp trên, làm sao biết là kế hoạch đó sai. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La ban hành công văn 617 ngày 18/3/2014 về việc "Giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường đất nông nghiệp khu vực mặt bằng nhà máy thủy điện Sơn La" là không hợp lý, công văn này chỉ đạo việc đo đạc diện tích đất bị thu hồi, trong khi diện tích đất đó đã bị ngập nước, về thực tế thì làm sao đo đạc được. Căn cứ từ công văn 617 này của Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện Mường La mới có kế hoạch 41 để cho phù hợp với tình hình thục tế khi diện tích đất được bồi thường đã bị ngập nước, như vậy là sai từ đầu, từ Ủy ban Nhân dân tỉnh. Việc điều tra xác minh của cơ quan điều tra về diện tích đất của ông Ban còn sơ sài, chưa đủ cơ sở. Đề nghị Viện kiểm sát xem xét các căn cứ để kết tội các bị cáo có đủ cơ sở không? Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội danh này, trả tự do cho bị cáo.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Quang Duy, cựu cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường La không nhất trí với cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La. Bị cáo cho rằng bản thân không biết kế hoạch 41 là sai, kế hoạch này không quy định thẩm định hồ sơ như thế nào. Bị cáo thẩm định hồ sơ theo đúng quy định của luật đất đai và khẳng định toàn bộ hồ sơ khi chuyển đến bị cáo đã có đầy đủ chữ ký, đã hoàn thiện. Diện tích đền bù cho bị cáo Đèo Văn Ban đã được đo đạc trên bản đồ địa chính và người dân xác nhận. Bị cáo không có trách nhiệm thẩm định bản đồ địa chính. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết căn cứ vào đâu mà cho rằng bị cáo biết kế hoạch 41 là sai, căn cứ vào đâu để quy kết bị cáo có trách nhiệm thẩm định bản đồ địa chính, căn cứ vào đâu để Viện Kiểm sát quy kết bị cáo chia nhỏ thửa đất này. Hậu quả của bị cáo gây ra là như thế nào?

Trong quá trình tranh tụng, luật sư nhiều lần đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu Kiểm sát viên khi phát biểu phải đứng lên để tôn trọng Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa, không thể cứ ngồi để phát biểu như những ngày xét xử vừa qua./.

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/dien-bien-moi-nhat-phien-toa-xet-xu-vu-an-thuy-dien-son-la-935900.vov