Diễn biến mới của tín dụng mùa cuối năm

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khởi sắc trong những tháng cuối năm, nhưng không phải ngân hàng nào cũng hoàn thành chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, đến ngày 7-12 vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 12,5%, cao hơn mức 9% của cùng kỳ năm 2023. Trước đó, tính đến 29-11, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 15,3 triệu tỉ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm ngoái. Bởi chỉ trong khoảng 1 tuần đầu tháng 12, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 0,6%.

Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế liên tục được cải thiện trong những tháng cuối năm nay.

Đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế

Cuối tháng 11 vừa qua, NHNN đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị, qua đó kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, NHNN hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Thời gian tới, NHNN cho hay sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp", NHNN nêu rõ.

Thực tế ngay từ đầu năm nay, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng là khoảng 15%. Đến ngày 28-8, đơn vị này tiếp tục có văn bản thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, những ngân hàng đã cho vay trên 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp từ đầu năm đã được NHNN nới thêm hạn mức.

Nhờ các giải pháp trên, thống kê từ báo cáo tài chính quý III-2024 của các ngân hàng cũng cho thấy, các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng dương, nhưng có sự phân hóa rõ nét. Có ngân hàng tăng 2 con số nhưng có ngân hàng chỉ ở mức 1 con số.

 Tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Ảnh: T.L

Tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Ảnh: T.L

Lãi suất cho vay không còn là nỗi lo của doanh nghiệp?

Chia sẻ với PLO, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng của Agribank đạt trên 9% và dự kiến đến ngày 31-12 thì tối thiểu mức tăng trưởng tín dụng cũng đạt được 11%, nếu tốt hơn là khoảng 12%, thấp hơn một chút so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao từ đầu năm là 12,5%. Tuy nhiên tính theo con số tuyệt đối, thì với tốc độ tăng trưởng của cả năm đạt từ 11-12%, tương đương với quy mô dư nợ tăng thêm 170.000 - 175.000 tỉ đồng.

Tại Agribank, tỉ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn ở mức trên 60-70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, từ quy mô đăng ký ban đầu chỉ có 3.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank. Sau thời gian triển khai có hiệu quả, đến nay chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp lâm, thủy sản đã được tăng lên đến 13.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Agribank dành hơn 200.000 tỉ đồng để triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng xuất nhập khẩu, cá nhân, hộ sản xuất vay vốn với mục đích kinh doanh... với mức lãi suất ưu đãi từ 1% - 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết thêm: "Nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong những tháng cuối cùng của năm đã tăng lên, tạo cơ sở để TPBank tích cực cung ứng vốn ra nền kinh tế. Để đạt được kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho vay của cả năm nay đạt khoảng 16%, TPBank đang thực hiện một loạt các chiến lược kinh doanh như đẩy mạnh khai thác tệp khách hàng hiện hữu, linh hoạt điều chỉnh chính sách các sản phẩm cho vay".

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang khẳng định: Đúng là chưa bao giờ mà lãi suất cho vay thấp như bây giờ. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của chúng tôi chỉ có 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng. Và mức lãi suất này rất phổ biến, chứ không phải chỉ có ở riêng một vài ngân hàng lớn.

"Có thể nói, trong khoảng hơn nửa năm trở lại đây thì lãi suất không phải là vấn đề quá lớn đối với doanh nghiệp nữa. Tuy vậy, dù đơn hàng xuất khẩu tăng nhưng giá thành không tăng nên lợi nhuận đem về cũng không thực sự tốt như kỳ vọng”, ông Văn nói.

Mở rộng tín dụng sang một số lĩnh vực khác

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, đến cuối tháng 10-2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Phân tích kỹ hơn về hoạt động tín dụng tiêu dùng, cho thấy tín dụng cho vay mua, thuê mua và xây dựng, sửa chữa nhà để ở chiếm tỉ trọng cao nhất.

Nếu phân tích hoạt động tín dụng tiêu dùng theo mục đích vay, mục đích sử dụng, thì tín dụng cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở... đạt 660.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn, chiếm 61,7%.

"Tín dụng phục vụ đời sống, bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất. Đến nay, dư nợ cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt trên 145.000 tỉ đồng, chiếm 13,6% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng, tăng 25% so với cuối năm ngoái và tăng 46,5% so với cùng kỳ. Có thể thấy, trong những tháng gần đây nhu cầu vốn tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng tăng trưởng gắn liền với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế", ông Lệnh nói.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024 vừa diễn ra vào ngày 7-12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặc dù thời điểm đầu năm còn nhiều khó khăn, tổng quan về mức độ tăng trưởng tín dụng đã ghi nhận những kết quả tích cực, hài hòa với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng, một số chương trình đạt hiệu quả đã nhiều lần được nâng quy mô như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản... tới đây tiếp tục đẩy mạnh và tiến hành mở rộng thêm sang một số lĩnh vực quan trọng khác như thị trường chứng khoán, bất động sản.

Ngoài ra, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền (đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3)... từ đó tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp tục vay mới nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh".

Tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cao

Chiều 7-12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, lý giải về tăng trưởng tín dụng tháng 11 năm nay cao hơn bình quân năm ngoái và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định: năm 2024, mặc dù đầu năm có những khó khăn nhưng nhìn chung câu chuyện tín dụng đã được giải quyết khá tích cực.

Tính đến 7-12, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,5%. Điều này cho thấy tốc độ tăng tín dụng khá tích cực so với con số cùng kỳ năm 2023.

Ông Tú cho biết trước mắt, nền kinh tế đã có nhiều thuận lợi, đạt được những kết quả tích cực. Xuất khẩu tăng nhanh, doanh nghiệp nhìn chung đã phát triển trở lại.

Thứ hai, sự điều hành hết sức quyết liệt đồng bộ của trung ương, địa phương và đặc biệt là của Chính phủ và Thủ tướng đã giúp doanh nghiệp khởi sắc, mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Cuối cùng, những biện pháp điều hành của NHNN cùng với các bộ ngành và các địa phương.

Cũng theo ông Tú, NHNN đã điều hành chủ động, NHTM hoàn toàn chủ động trong vấn đề xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng đáp ứng vốn của ngân hàng cho các DN.

"Ngân hàng nào hết hạn mức được giao thì chủ động trong việc tăng thêm chứ không phải chờ NHNN thông báo như các năm trước. Nguồn lực, nguồn vốn lưu động năm nay cũng đảm bảo hài hòa, lãi suất đầu ra đã giảm khá tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% - đây cũng là lý do giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư.

NHNN cũng tháo gỡ nhiều khó khăn trong thủ tục, quy định và đặc biệt là có cơ chế giãn hoãn nợ sau cơn bão số 3.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay cùng với việc cuối năm bao giờ cũng là thời điểm giải ngân tích cực, tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%"- đại diện NHNN nói.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-bien-moi-cua-tin-dung-mua-cuoi-nam-post824363.html