Điện Biên: Đừng để 'mất bò' mới lo 'làm chuồng'

Hơn 7 tháng nay, gần 1.000 người bao gồm cả HS, GV và nhân dân xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) luôn sống trong sợ hãi khi hàng ngày phải 'ăn nằm' trên cung trượt lớn, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Tỉnh Điện Biên đã ráo riết chỉ đạo sẽ 'sớm khắc phục', thế nhưng đến áp chót của thời hạn thì cơ quan được giao chủ trì lại tiếp tục có văn bản 'gia hạn' khắc phục.

Cuộc sống nhân dân ở bản Tìa Dình C đảo lộn vì đi không được, ở không xong

Cuộc sống nhân dân ở bản Tìa Dình C đảo lộn vì đi không được, ở không xong

Chỉ đạo quyết liệt?

Sau những trận mưa lớn xảy ra hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm ngoái, khu vực trung tâm xã Tìa Dình xuất hiện hàng loạt điểm sụt lún làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Tìa Dình, trụ sở UBND, Trạm Y tế xã và 41 nhà dân ở bản Tìa Dình C.

Rạng sáng 9/9/2018, mái nhà của 8 phòng học khung sắt ở Trường Tiểu học Tìa Dình bị đẩy cong vẹo, các mối hàn bật ra, tường bị nứt nhiều và đổ. Nhiều chỗ nền nhà bị nứt rộng 20 - 30cm, sâu từ 1 - 2m. Trụ sở UBND xã Tìa Dình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cả tòa nhà làm việc của UBND xã bị nghiêng hơn 10 độ. Các vết nứt dưới nền, chân tường ngày một lớn hơn.

Sự việc trên đã được chính quyền sở tại báo lên chính quyền các cấp. Ngày 27/9/2018, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực trạng sụt lún tại Tìa Dình. Kết quả kiểm tra được xác định, khung trượt xuất hiện nhiều vết nứt dài với chiều rộng 20 - 30 cm, thậm chí tới 50 cm. Nhiều căn nhà sát khu vực sạt lở bị nghiêng ra 1,5 độ. Chia sẻ với những khó khăn của cán bộ, nhân dân ông Tiến đã đề nghị lãnh đạo huyện Điện Biên Đông và xã Tìa Dình có phương án phòng, tránh. Riêng xã Tìa Dình phải cử người theo dõi hiện tượng sụt lún 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, tổ chức ngay phương án di chuyển người và tài sản an toàn.

“Chúng tôi đang triển khai theo lộ trình. Do việc phê duyệt phương án chậm nên đã có văn bản điều chỉnh thời gian sang tháng 6. Giờ phải thăm dò, đánh giá nhưng trình tự được phê duyệt là phải lập kế hoạch đấu thầu, chọn nhà thầu. Chúng tôi đang làm theo trình tự ấy”, ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên nói.

Sau chuyến thực tế, ngày 4/10/2018 ông Lò Văn Tiến đã ký Công văn 2827, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, UBND huyện Điện Biên Đông và các đơn vị liên quan lập, thực hiện dự án điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở nói trên. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Thời hạn để các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trên được ghi rõ là trong quý I/2019.

Tuy nhiên, đến hạn cuối, hỏi dân thì dân chẳng biết, hỏi xã, xã cũng không hay. Còn chính quyền huyện Điện Biên Đông nói chưa có thông tin và cũng “chưa thấy động tĩnh gì”. Trong khi đó, làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT, lại càng buồn hơn khi biết thông tin, đơn vị này đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý, lùi hạn.

Gần 800 HS và cán bộ GV các trường xã Tìa Dình mất ăn, mất ngủ vì sạt trượt có thể xảy ra bất cứ khi nào

Sống trong sợ hãi

Theo Văn bản số 52/ BC-STNMT do Sở TN&MT Điện Biên ban hành thì sẽ hoàn thành việc dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Tìa Dình và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại một cách hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh Điện Biên trước ngày 30/6/2019. Nghĩa là khoảng 1.000 con người bao gồm cả HS, cán bộ GV và người dân nghèo sẽ lại phải “đằng đẵng” sống trong sợ hãi thêm ít nhất là 3 tháng nữa chứ không phải là 7 tháng như chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên trước kia.

Người dân thì luôn thấp thỏm âu lo bởi nguy cơ sạt sụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cuộc sống của bà con bị đảo lộn vì nhà cửa xiêu vẹo chực đổ, nền nhà chằng chịt những vết nứt, có chỗ rộng hơn 30cm, sâu hàng mét, như nhà bà Thào Thị Pà, ông Giàng Giả Lềnh. Nhà gần rừng, để tránh côn trùng, thú hoang theo rãnh nứt về nhà, người dân bản Tìa Dình C đi mua xi măng trát vào những vết nứt nhưng cũng chỉ được “ba bữa” thì vết nứt lại rộng ra.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Có nhiều vết nứt dài với chiều rộng khoảng 30cm, chỗ rộng đến 50cm, sâu từ 1,5 - 2m, chiều dài hơn 1 km. Nhiều nhà bị nghiêng. Đáng lo ngại là, các vết nứt ngày càng kéo dài và mở rộng sụt lún ra xung quanh, tạo thành cung trượt sạt lở lớn, đe dọa đến sự an toàn của HS, GV và nhân dân. Mong chính quyền các cấp, các ngành và UBND tỉnh sớm có quyết định chuyển dân đến nơi an toàn.

Trăn trở với nỗi lo của nhân dân, của chính quyền cơ sở, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng cứu trong khả năng có thể ngay từ khi phát sinh sự cố. Có lẽ cũng bởi đợi chờ mòn mỏi phương án từ tỉnh nên trong công văn hỏa tốc gửi đi hôm 5/4, UBND huyện Điện Biên Đông phải “đôn đốc” lãnh đạo cấp trên về sự chậm trễ này.

Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông Bùi Ngọc La ngoài việc thay mặt nhân dân trong huyện “trân trọng và cảm ơn sự quan tâm của UBND tỉnh và các sở, ngành trong thời gian qua” thì thêm một lần khẳng định rằng “tình trạng lún sụt đang ở mức độ nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho 445 HS, GV; 238 HS nội trú; trụ sở UBND xã; bưu điện xã và 67 hộ với 231 nhân khẩu”. Tình trạng càng cấp bách khi mùa mưa sắp bắt đầu.

Ngọc Diệp

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dien-bien-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-3994912-b.html