Diễn biến dịch COVID-19 trên toàn cầu: Iran thêm 149 ca tử vong

Hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu, với hơn 5.000 ca, tiếp đến là châu Á, với 3.431 ca. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới lên tới 3.405.

Đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 13/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 13/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thống kê chính thức ngày 20/3 cho thấy số người tử vong do mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 10.000, lên 10.284.

Hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu, với hơn 5.000 ca, tiếp đến là châu Á, với 3.431 ca. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới lên tới 3.405.

Trước diễn biến phức tạp như vậy, chính phủ nhiều nước đã có những biện pháp riêng để ngăn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Iran xác nhận thêm 149 ca tử vong do COVID-19

Reuters đưa tin một quan chức y tế Iran cho biết ngày 20/3 số người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra ở Iran đã tăng thêm 149 người, nâng tổng số trường hợp tử vong do bệnh này lên 1.433 người.

Trên tài khoản Twitter, quan chức này cho hay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng thêm 1.237, nâng tổng số trường hợp nhiễm tại Iran lên 19.644 người.

Iran hiện là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc bởi đại dịch COVID-19.

Indonesia bắt đầu triển khai xét nghiệm nhanh

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết chính phủ nước này đã chính thức triển khai xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ chiều 20/3.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Jokowi cho hay chương trình nói trên đã được triển khai đầu tiên tại phía Nam thủ đô Jakarta vốn được đánh giá là khu vực rất dễ lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông cho biết kết quả xét nghiệm nhanh chỉ nên được xem là chỉ dấu sơ bộ về việc một người có bị nhiễm COVID-19 hay không.

Cũng theo Tổng thống Jokowi, chính phủ Indonesia đã cho phép các phòng xét nghiệm y tế được Bộ Y tế chỉ định tiến hành các xét nghiệm độc lập tại các khu vực được xem là dễ lây lan dịch bệnh.

Ông cũng thông báo rằng chính phủ có kế hoạch nhập khẩu hai loại thuốc được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19, bao gồm Avignan và Chloroquine.

Trước đó, hôm 19/3, Tổng thống Jokowi đã ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm nhanh trên quy mô lớn nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh trong thời gian sớm nhất.

Ông Jokowi cũng yêu cầu Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 và Bộ Y tế phối hợp với các bệnh viện thuộc chính phủ, các công ty nhà nước, quân đội, cảnh sát quốc gia, chính quyền các địa phương, các bệnh viện tư nhân và các viện nghiên cứu được chỉ định để triển khai chiến dịch xét nghiệm COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Joko Widodo ngày 20/3 cho biết nước này đã đặt mua từ một số các quốc gia khác hàng triệu đơn vị thuốc được cho là có hiệu quả kháng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tổng thống Widodo cho biết đây là những loại thuốc đã được triển khai trong công tác điều trị tại một số quốc gia và đã có các kết quả tích cực.

Trong số các loại thuốc Chính phủ Indonesia đặt mua có thuốc Avigan và thuốc Chloroquine.

Những loại thuốc này sẽ được chuyển đến bệnh viện và trung tâm y tế ở các khu vực đang có người nhiễm COVID-19.

Sri Lanka ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc

Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc, bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều 20/3 và kết thúc lúc 6:00 sáng 23/3 (theo giờ địa phương) để hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này.

Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Sri Lanka đã kêu gọi tất cả người dân nước này tuân thủ lệnh giới nghiêm và ở trong nhà.

Trước đó, ngày 19/3, Tổng thống Gototti Rajapaksa đã công bố quy định làm việc tại nhà trong 7 ngày, bắt đầu từ ngày 20/3, trong nỗ lực hạn chế tối đa mọi người ra khỏi nhà.

Các quan chức chính phủ cho biết quy định này sẽ kéo dài đến ngày 27/3 tới.

Cho đến nay, Sri Lanka đã xác nhận 59 trường hợp mắc COVID-19, trong khi hơn 230 người vẫn đang được theo dõi tình trạng sức khỏe tại các bệnh viện trên cả nước.

Số người nhiễm bệnh ở Bỉ vượt ngưỡng 2.000 ca

Ngày 20/3, Bỉ công bố có thêm 462 ca mắc viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 16 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.257 và ca tử vong lên 37.

Tổng cộng, có 837 bệnh nhân nhập viện, tăng 203 trường hợp trong 24 giờ qua, trong đó có 164 được chăm sóc tích cực, 114 người phải hỗ trợ máy thở.

Người phát ngôn của liên bang Bỉ về COVID-19 Emmanuel André cho biết nước này có 1.900 giường điều trị tích cực.

Kể từ ngày 13/3 đến nay, đã có 234 người được chữa khỏi, trong đó có 48 người ra viện trong một ngày qua.

Ông André lưu ý những số liệu này chỉ liên quan đến các trường hợp được xét nghiệm và do đó không phản ánh chính xác số người mắc bệnh tại Bỉ.

Người phát ngôn cũng thông báo hơn 5 triệu khẩu trang đã được giao đến Bỉ trong những ngày gần đây và đang được phân phối đến các cơ sở y tế.

Một số nhóm tuyến đầu, như bệnh viện hoặc nhân viên cấp cứu sẽ được ưu tiên nhận trước.

Bỉ cũng đang chờ được giao 5 triệu khẩu trang bổ sung./.

Thanh Phương-Đình Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dien-bien-dich-covid19-tren-toan-cau-iran-them-149-ca-tu-vong/629636.vnp