Điện Biên: Công trình 'lạ' dưới chân đồi A1 lịch sử và vụ cưỡng chế xôn xao thành phố

Mới đây, một vụ cưỡng chế xảy ra ngay dưới chân đồi A1, thuộc phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã gây xôn xao dư luận.

Lạ ở chỗ, trong khi ông Nguyễn Minh - người được các ngành chức năng tỉnh Điện Biên xác định là chủ đất luôn tìm cách chối bỏ sự liên quan thì ông Vũ Đức Tâm - người đứng ra nhận là chủ đất và thực tế đã sinh sống gần 30 năm tại thửa đất kể trên lại chẳng hề được đoái hoài. Và thế là vụ cưỡng chế ồn ào vẫn cứ diễn ra…

Vụ cưỡng chế bất ngờ

Phản ánh tới tòa soạn, ông Vũ Đức Tâm (SN 1957, trú tại tổ dân phố 5, phường Mường Thanh, TP Điên Phủ, tỉnh Điện Biên) cho biết rất bức xúc trước việc các ngành chức năng tỉnh Điện Biên mới đây đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các công trình trên một thửa đất mà gia đình ông có đầy đủ giấy tờ và đã sinh sống ổn định từ nhiều năm.

Ông Tâm sau đó cung cấp các tài liệu thể hiện năm 1990, ông nhận chuyển nhượng 1 mảnh đất rộng 315m2 và các công trình trên đất tại phố A1 (nay là tổ dân phố 5, phường Mường Thanh) từ bà Nguyễn Thị Sinh. Quá trình mua bán có lập giấy tờ và được UBND thị trấn Điện Biên (cũ) xác nhận. Ông Tâm đã thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế phí liên quan và sinh sống từ đó đến nay.

 Các giấy tờ ông Tâm cung cấp thể hiện chủ quyền với mảnh đất (Ảnh: LN).

Các giấy tờ ông Tâm cung cấp thể hiện chủ quyền với mảnh đất (Ảnh: LN).

Trong thời gian sinh sống, gia đình ông Tâm đã bán một phần đất bên phải, xây dựng một căn nhà 2 tầng kiên cố ở giữa và phần còn lại làm cửa hàng để kinh doanh dịch vụ cho thuê cốp-pha.

Ông Tâm cũng cho biết, về bản chất, phần đất phía cửa hàng vẫn đang tồn tại một tranh chấp về ranh giới sử dụng giữa ông và bà Nguyễn Thị Sinh (người được chính quyền cho mượn hố bom bên cạnh đất của ông theo Công văn số 48/CV-UB ngày 7.4.1992) nhưng suốt hơn 20 năm qua chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để.

Tuy nhiên bất ngờ là sáng 26/9/2019, đoàn cán bộ của UBND TP Điện Biên Phủ, UBND phường Mường Thanh cùng các lực lượng liên quan đã đến thửa đất của gia đình ông để thực hiện việc cưỡng chế, thu giữ tài sản trong cửa hàng, phá dỡ nhà khung thép mái tôn, không lập biên bản kiểm đếm.

Bà Đào chỉ tay về vị trí từng là cửa hàng kinh doanh Cốp-pha của gia đình.

Theo ông Tâm, trong quá trình cưỡng chế, gia đình ông đã đứng chặn trước cửa, liên tục trưng ra các chứng cứ pháp lý để khẳng định đó là tài sản hợp pháp của gia đình và đề nghị đoàn làm việc dừng lại để làm rõ vụ việc, lập biên bản nhưng không được đáp ứng.

Từ đó, ông Tâm cho rằng vụ cưỡng chế đã diễn ra trái luật, gây thiệt hại lớn đến quyền, lợi ích và danh dự của gia đình ông. Bởi chưa bao giờ ông nhận được yêu cầu làm việc nào từ cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Ông Tâm và vợ bị khống chế đưa ra khỏi khu vực cưỡng chế (Ảnh: gia đình cung cấp).

“Đoàn công tác sau khi kéo được vợ chồng tôi sang một bên, đã đọc to quyết định cưỡng chế đối với ông Nguyễn Minh. Mà rõ ràng ông Minh không hề ở đó. Ông Minh cũng có nhận đâu. Tôi khẳng định thửa đất và tài sản này không hề liên quan đến ông Nguyễn Minh nhưng hội đồng không nghe, vẫn cứ tiến hành…” – ông Vũ Đức Tâm bức xúc.

Vợ chồng ông Tâm sau đó đã đi gõ cửa khắp nơi thì được biết nguồn cơn của vụ cưỡng chế nhằm lấy mảnh đất (mặt tiền rộng gần 7m) mà gia đình ông đang sử dụng làm cửa hàng để mưu sinh mang góp chung vào một quỹ đất sát cạnh rồi chia lại cho 5 hộ gia đình khác.

Chỉ vì 4 suất lại đem chia 5?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch UBND phường Mường Thanh xác nhận vụ có cưỡng chế kể trên, đồng thời cho biết đây là một vụ việc rất phức tạp, đã kéo dài gần 30 năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo và bản thân ông chỉ là người thừa lệnh và tuân thủ các quyết định đã được cấp trên ban hành.

Ông Tùng cung cấp cho PV Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 9.9.2011 cùng các giấy tờ liên quan thể hiện ngay từ thời điểm đó, các ngành chức năng tỉnh đã xác định khu đất ông Tâm đang làm nhà kho là của ông Nguyễn Minh.

Ông Tùng lý giải vụ cưỡng chế nhằm chỉnh trang, sắp xếp lại khu dân cư cho gọn gàng hơn, chứ không phải là thu hồi đất rồi chia lại cho người khác như dư luận đang xôn xao.

Quyết định 905 của UBND tỉnh Điện Biên.

"Chính quyền xác định đất đó là của ông Minh, nên thu vào rồi chia lại cho đều, cho đẹp, ông Minh vẫn sẽ có một suất đất ở đó. Vì trên mảnh đất vẫn còn nhà tôn nên trước khi tháo dỡ, UBND TP đã mời ông Minh lên làm việc.

Thế nhưng ông Minh lại nói không biết là của ai. Nếu ông Minh nói rằng phần đó đã bán cho ông Tâm thì chính quyền sẽ thông báo với ông Tâm. Chính vì vậy UBND TP đã thực thi quyết định mà không có sự chứng kiến của ông Minh” – ông Tùng nói.

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao không ghi nhận ý kiến của gia đình ông Tâm, và làm việc với gia đình ông Tâm thì ông Tùng cho rằng, vì trong mọi quyết định đều không có tên ông Tâm (?).

Giải thích thêm về cớ sự, ông Tùng cho biết toàn bộ phần đất có nhà kho cho thuê cốp-pha thì khoảng tầm năm 1995, ông Tâm đã bán cho Minh theo kiểu giấy viết tay. Ông Minh cũng ở đó tới năm 2010 – 2011 mới chuyển đi.

Khoảng năm 2010, khi UBND tỉnh sắp xếp lại khu dân cư thì cũng xác định luôn phần đất đó là của ông Nguyễn Minh. Nhưng sau khi có quyết định, thì ông Minh lại đem đất trả lại cho ông Tâm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (phải) đang giải thích cho PV về sự phức tạp của vụ việc.

Tuy nhiên ông Tâm khẳng định trong thời gian đó ông Minh chỉ ở nhờ trên đất nhà mình chứ không có việc mua bán nên rất bức xúc việc chính quyền lấy phần đất đó đem giao cho người khác.

Đến năm 2019, qua nhiều kiến nghị, UBND tỉnh quyết định rằng Quyết định 905 phải thực thi và yêu cầu các hộ có tài sản kiến trúc trên phần đất đó phải tháo dỡ. Còn phường được giao làm làm nhiệm vụ cưỡng chế.

Được biết, sự vụ này nóng đến mức ngày 4/10/2019, sau khi tiếp thu ý kiến của cư tri phản ánh, đích thân Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã xuống tận nơi để xem xét hiện trạng khu đất và cho biết sẽ giám sát việc giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng và yêu cầu báo cáo để trả lời cử tri theo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Điện Biên nhận định đây là một vụ việc rất phức tạp, khó thể đảm bảo toàn vẹn lợi ích của các bên bởi xuất phát từ một khu đất đáng chỉ chia 4 nhưng lại có tới 5 người đều có giấy tờ hợp pháp.

Ông này cũng thừa nhận nguyên nhân của sự việc là do đất khu vực đó rất rẻ, trong khi hệ thống luật pháp vẫn đang hoàn thiện và không loại trừ có một phần lỗi từ những thế hệ lãnh đạo thời trước.

Do đó sau nhiều cân nhắc, đích thân ông Trần Sơn - Bí thư tỉnh ủy đã tiếp công dân và cuối cùng ra chỉ đạo vẫn phải thực hiện đúng tinh thần của Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 9/9/2011, nghĩa là chia mảnh đất cho 5 người, trong đó có tên ông Nguyễn Minh.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/dien-bien-cong-trinh-la-duoi-chan-doi-a1-lich-su-va-vu-cuong-che-xon-xao-thanh-pho-d109287.html