Điện Biên: Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ cấp sắc

Lễ cấp sắc thường được tổ chức khi công việc nương rẫy đã xong, thường là trong các ngày từ 4-7/12 dương lịch (người Dao quần chẹt quan niệm, đây là những ngày và tháng tốt nhất trong năm).

Nghi thức Lễ cấp sắc của đồng bào Dao (huyện Tủa Chùa, Điện Biên).

Nghi thức Lễ cấp sắc của đồng bào Dao (huyện Tủa Chùa, Điện Biên).

Tại xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tủa Chùa đã tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ cấp sắc (Tủ Cải) của đồng bào Dao, ngành Dao quần chẹt, theo Quyết định số 255/QĐ-BVHTTDL, ngày 22/1/2020 của Bộ VHTTDL.

Tại xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa), người Dao quần chẹt có hơn 2.000 người (chiếm gần 80% dân số toàn xã), phân bố tại 6/9 thôn, bản nằm dọc chiều dài hàng chục km bên dòng Đà Giang.

Lễ cấp sắc là một nghi thức có vai trò và dấu mốc quan trọng trong lễ tục vòng đời người con trai cộng đồng dân tộc Dao, ngành Dao quần chẹt, bắt buộc người con trai nào cũng phải trải qua. Nó đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên.

Đây là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc cấp sắc - đặt tên âm cho người con trai trong dòng tộc. Tên âm này sẽ được ghi trong gia phả, khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm. Đồng bào Dao quan niệm chỉ những ai đã “thụ lễ” cấp sắc mới được coi là người trưởng thành, biết phân biệt phải trái, có đủ tư cách làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng, khi chết, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên.

Theo tục lệ, những bé trai từ 5 tuổi trở lên, khi điều kiện kinh tế gia đình cho phép thì được bố mẹ và dòng họ tạo điều kiện để làm Lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc thường được tổ chức khi công việc nương rẫy đã xong, thường là trong các ngày từ 4-7/12 dương lịch (người Dao quần chẹt quan niệm, đây là những ngày và tháng tốt nhất trong năm).

Khoảng hơn một tuần trước khi diễn ra lễ, gia chủ có người “thụ lễ” sẽ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm đầy đủ; đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng trong bản chọn ngày lành để tổ chức lễ. Trước lễ một ngày, thầy cả sẽ phân công cho các thầy cúng, họ hàng thân tộc, dân bản có mặt đầy đủ tại gia đình người được thụ lễ để cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh...

Trong những ngày diễn ra Lễ cấp sắc, mọi người dự lễ đều ăn chay. Riêng người được thụ lễ phải mặc bộ y phục truyền thống do chính tay người mẹ hoặc người chị đã hết tuổi sinh đẻ làm cho. Trong quá trình diễn ra Lễ cấp sắc, thầy cả và thầy hai là người điều khiển chính.

Ngày đầu diễn ra Lễ cấp sắc, thầy cả đọc tuyên bố lý do tổ chức lễ và đề cập đến lịch sử người Dao. Sau đó sẽ tiến hành hàng loạt các lễ thức, như: Lễ mời và dâng lễ vật tạ ơn tổ tiên; Lễ khai đàn; Lễ đặt tên âm; Nghi lễ thụ đèn; Lễ cấp bằng sắc; Lễ cấp đạo sắc; Nghi thức ngã đàn... Có những lễ thức phải thực hiện từ khi tiếng gà gáy báo hiệu tàn canh, bước sang ngày mới.

Lễ thức quan trọng nhất trong Lễ cấp sắc là thầy cúng cấp cho người được thụ lễ một bản đạo sắc viết bằng chữ Nôm Dao, ghi lý lịch của người thụ lễ, nguyên do thụ lễ và các điều giáo huấn, răn dạy. Đạo sắc này là bằng chứng để người thụ lễ được phép thực hiện các nghi lễ trong xã hội người Dao. Sau khi được cấp đạo sắc, tên âm của người được thụ lễ được ghi trong gia phả, sử dụng khi cúng lễ và lúc qua đời con cháu sẽ cúng theo tên âm này.

Kết thúc các nghi lễ, thầy cúng đọc tổng kết báo cáo trước đàn lễ tổ tiên và tạ ơn tổ tiên, thần linh, đồng thời thỉnh cầu cho người được thụ lễ những điều tốt đẹp…

G.B.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-bien-cong-bo-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-le-cap-sac-548726.html