Điện Biên: Có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong danh mục công bố 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Điện Biên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể mới là: Tết té nước (Bun huột nặm) và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa.

Nghi thức lễ trong Tết té nước của người Lào

Tết té nước (Bun huột nặm) là lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc người Lào ở xã Na Sang, huyện Điện Biên và thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 hàng năm. Lễ hội là một phong tục đẹp, có ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, tốt tươi cho khắp mọi nhà và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

Lễ hội đã được lưu truyền từ nhiều đời nay, không chỉ mang  giá trị tâm linh mà còn có giá trị rất lớn về tinh thần, giúp cho cộng đồng dân tộc Lào cùng nhau gắn kết, cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Vui hội trong ngày Tết Bun huột nặm

Đối với cộng đồng người Mông hoa ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, cho đến nay vẫn lưu giữ nét văn hóa độc đáo, quý giá, đó là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một loại hình tri thức dân gian về một nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào từ ngàn xưa.

Hoa văn độc đáo trên váy của người Mông hoa

Kỹ thuật sử dụng sáp ong tạo hình hoa văn trên vải của người Mông hoa phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đồng bào dân tộc Mông hoa quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của những người nghệ nhân Mông hoa.

Hoàng Châu – Nam Hương

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201709/dien-bien-co-them-2-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-2843991/