Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 9/9
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 9/9/2024.
Dùng UAV "rồng lửa" đối phó Nga ở Pokrovsk, cơ hội nào cho Ukraine?: Theo nhiều báo cáo mới đây, Ukraine dường như đang huy động các phi đội máy bay không người lái "rồng lửa" sử dụng hợp chất nhiệt nhôm (thermite) nhằm giành lại ưu thế trước Nga trên chiến trường.
Nga hạ gục đội súng cối Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lính dù Nga từ nhóm lực lượng phía Bắc đã tiêu diệt một đội súng cối của quân đội Ukraine trong một đồn điền trong rừng ở khu vực biên giới vùng Kursk.
Phương Tây lo ngại Ukraine có thể bị đẩy khỏi Kursk trong một vài tháng tới: Bloomberg dẫn lời các quan chức cho biết, các đồng minh của Ukraine lo ngại rằng sau cuộc tấn công thành công của quân đội Nga, các lực lượng của Kiev có thể buộc phải từ bỏ các vùng lãnh thổ chiếm được ở Kursk trong một vài tháng tới.
Hãng tin này cho biết, một tháng sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch, các quan chức Mỹ và châu Âu vẫn đặt câu hỏi về mục đích cuối cùng của Kiev với vùng lãnh thổ ở khu vực Kursk. Một số quan chức đồng minh cho rằng, quân đội Ukraine có thể buộc phải từ bỏ vùng đất ở đây "trong vòng một vài tháng nếu Moscow tiến hành một cuộc phản công lớn hơn".
Mặt trận miền Đông Ukraine rực cháy, Nga không từ bỏ mục tiêu tiến về Pokrovsk: Cuộc tiến công của Nga theo hướng Pokrovsk đã chững lại dọc một phần trên tiền tuyến nhưng các lực lượng của nước này tiếp tục tiến công tại những khu vực khác ở phía Đông Ukraine và các cuộc không kích tầm xa vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Cuộc đột kích vào Kursk khiến tính toán của Ukraine phản tác dụng?: Ukraine tính toán rằng cuộc đột kích vào Kursk sẽ gây sức ép để Nga đàm phán hòa bình cũng như chuyển hướng các lực lượng của Moscow khỏi miền Đông nhưng thực tế không diễn ra như họ kỳ vọng.
Tiết lộ bom lượn mới Ukraine tự chế tạo có thể khiến Nga đứng ngồi không yên: Không hài lòng với nguồn cung bom lượn JDAM-ER do Mỹ sản xuất và Hammer của Pháp, rõ ràng Ukraine có ý định trang bị cho các tiêm kích của mình những quả bom lượn sản xuất nội địa để tấn công các mục tiêu của Nga.
Nga điều chỉnh học thuyết hạt nhân có phải chỉ là đòn tâm lý?: Điện Kremlin hôm 4/9 tuyên bố sẽ điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình để ứng phó với những gì mà họ mô tả là "thách thức và đe dọa" từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tuyên bố này sẽ khó trở thành hiện thực.
Mỹ cần nguồn tài nguyên trị giá hàng nghìn tỷ USD của Ukraine: Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng, nền kinh tế của Washington cần tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, do đó viện trợ quân sự cho nước này phải được tiếp tục cho đến khi Kiev có thể giành "chiến thắng".
“Người Ukraine đang ngồi trên một nguồn khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD và chúng có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Tôi cho rằng nước Mỹ nên tiếp tục giúp đỡ Kiev cho đến khi họ giành được chiến thắng", ông Graham nhấn mạnh.