Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/6

Dưới đây là những diễn biến chính của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngày 4/6/2022.

Ukraine: Nga đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cuộc tấn công mới vào Sloviansk: Quân đội Ukraine ngày 3/6 cho biết, Nga đang tăng cường triển khai lực lượng để tiếp cận Sloviansk khi họ chuẩn bị nối lại một cuộc tấn công vào phía Đông thành phố.

Lính Ukraine phóng tên lửa chống tăng. Ảnh: AP.

Lính Ukraine phóng tên lửa chống tăng. Ảnh: AP.

Nằm cạnh Sloviansk là Kramatorsk - khu vực đô thị lớn nhất ở Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Nga đang tập trung một lực lượng lên tới 20 tiểu đoàn tác chiến trong khu vực. Moscow đã cố gắng phát động một cuộc tấn công vào hai thị trấn phía Bắc và Tây Bắc của Sloviansk là Barvinkove và Sviatohirsk nhưng nỗ lực này không thành công.

Nga nói bắn rơi máy bay Ukraine chở vũ khí: "Hệ thống phòng không Nga ở tỉnh Odessa đã bắn rơi máy bay vận tải quân sự của không quân Ukraine. Phương tiện khi đó đang vận chuyển vũ khí và đạn dược", tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, ngày 4/6 cho biết.

Ông Konashenkov nói thêm rằng trong một ngày qua, lực lượng Nga còn bắn rơi 17 thiết bị bay không người lái (UAV) của đối phương trong các khu vực Lugansk, Kharkov và Mykolaiv. Trong số UAV bị bắn hạ có ít nhất hai chiếc Bayraktar-TB2.

Ukraine tuyên bố giành lại 20% lãnh thổ Severodonetsk từ tay Nga: Tỉnh trưởng Lugansk nói rằng lực lượng Ukraine đã phản công và giành lại 20% khu vực do Nga kiểm soát ở thành phố miền Đông Severodonetsk. "Trước đó Nga đã kiểm soát được 70% khu vực nhưng bây giờ chúng tôi đã đẩy lùi quân Nga, giành lại 20%", Serhiy Gaidai, tỉnh trưởng Lugansk, cung cấp về tình hình thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh này.

Cựu Tổng thống Nga tuyên bố không loại trừ khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân: Ông Dmitry Medvedev - cựu Tổng thống Nga, vừa cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh chiến sự Ukraine, và cho rằng tất cả các bên cần nỗ lực để ngăn ngừa mối nguy "chấm dứt sự tồn tại của nhân loại".

Ông Medvedev nói rằng không nên quên các tình huống có thể buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặt khác, ông nhấn mạnh "không ai muốn chiến tranh".

CNN: Mỹ và đồng minh đang thảo luận về lệnh ngừng bắn tiềm năng Nga - Ukraine: CNN dẫn các nguồn tin cho biết, lo ngại viễn cảnh xung đột bế tắc kéo dài tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh đang tập trung tìm kiếm một giải pháp thương lượng để chấm dứt đổ máu khi xung đột bước sang ngày thứ 100 mà không bên nào giành được chiến thắng.

Tổng thống Pháp Macron dành 100 giờ điện đàm với ông Putin về khủng hoảng Ukraine: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã dành ít nhất 100 giờ điện đàm với Tổng thống Nga Putin trong vòng 6 tháng qua.

Trả lời phỏng vấn báo chí Pháp, ông Macron nói: “Tình tình tại Ukraine thực sự rất khó khăn vì thế tôi đã dành nhiều thời gian và năng lượng cho vấn đề này... Thật khó để xác định có bao nhiêu cuộc trò chuyện đã diễn ra với Tổng thống Nga Putin kể từ tháng 12/2021. Chúng tôi đã nói chuyện trong ít nhất 100 giờ đồng hồ”.

Tổng thống Nga nêu một số cách xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine: Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia-1, Tổng thống V. Putin tuyên bố, Nga không ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Tổng thống Nga V. Putin chỉ ra một số cách để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, bao gồm qua các cảng do Ukraine kiểm soát sau khi rà phá thủy lôi, qua các cảng biển Azov-Berdyansk và Mariupol, qua sông Danube và Romania, qua Hungary và Ba Lan, và cách đơn giản nhất là qua Belarus.

Nga sẽ “né” đòn trừng phạt dầu mỏ của EU như thế nào?: Nga có một vài giải pháp để “né” đòn trừng phạt của châu Âu. Việc Nga phản ứng như thế nào đang được theo dõi chặt chẽ bởi điều này sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này bằng cách tìm kiếm khách hàng mới hoặc cắt giảm sản lượng để giữ giá cao. Động thái này có thể tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu nếu OPEC không can thiệp.

“Phản ứng của Nga sẽ được theo dõi chặt chẽ”, bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Market cho biết.

Gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga gồm nội dung gì và mạnh cỡ nào?: EU chính thức ban bố gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga sau nhiều chia rẽ, tranh cãi trong nội bộ khối này. Các lệnh trừng phạt mới này khá nặng và toàn diện. Tuy nhiên, Nga cho rằng gói trừng phạt đó gây hại chủ yếu cho công dân EU.

Liên minh châu Âu (EU) tìm cách hậu thuẫn cho Ukraine thông qua việc tiến hành cấm vận dầu mỏ, cấm vận tài chính và các lệnh kiểm duyệt truyền thông đối với Nga.

Nỗ lực mở rộng NATO gặp khó, Phương Tây tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ: Các nhà lãnh đạo phương Tây đang tăng cường những bước đi ngoại giao nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Tổng thư ký Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg có cuộc gặp Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm thúc đẩy hồ sơ xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Sự phản đối của Ankara đã khiến nỗ lực của hai quốc gia Bắc Âu thực sự gặp khó, bởi hiệp ước thành lập NATO yêu cầu tất cả các thành viên khối cần phải nhất trí chấp nhận thành viên mới./.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-46-post948340.vov