Điện Biên: Cần ngăn ngừa triệt để ô nhiễm môi trường từ sơ chế cà phê

Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sơ chế cà phê vẫn diễn biến phức tap: Nước thải không được xử lý, đổ trực tiếp ra môi trường; bã thải tồn dư gây mùi hôi thối, khu xay xát không được đảm bảo vệ sinh môi trường… Để giảm thiểu áp lực đối với công tác bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê, tỉnh Điện Biên đã chú trọng phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hơn 4.136ha cây cà phê, sản lượng trung bình năm 6.433 tấn/năm. Thực hiện hoạt động sơ chế cà phê, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 4 cơ sở chế biến cà phê bằng máy móc hiện đại và nhiều hộ gia đình cũng tự sơ chế cà phê. Việc xử lý chất thải trong sản xuất cà phê đòi hỏi công nghệ cao, phức tạp, chi phí lớn, triển khai chủ yếu đối với cơ sở sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, đối với các cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê

Để ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động sơ chế cà phê, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số 126/STNMT-MT ngày 07/2/2018, về việc hướng dẫn quy trình xử lý chất thải và nước thải trong chế biến cà phê. Trong đó đã đưa ra các quy trình xử lý nước thải và bã thải trong chế biến cà phê.

Theo đó, đối với hộ gia đình, tùy theo quy mô, công suất, bố trí khu vực thu gom, xử lý chất thải, phải có hệ thống thu gom nước thải về khu vực lưu giữ tập trung (bể chứa, ao lắng). Căn cứ lượng nước thải phát sinh xây dựng bể, ao lắng đảm bảo dung tích chứa, xây kiên cố tránh sự cố vỡ, tràn nước thải ra môi trường. Nước thải phải được để tự lắng một phần, phun dung dịch keo tụ lắng bùn sơ bộ trước khi thải ra môi trường. Khu vực lưu giữ bã thải cà phê, phun dung dịch chế phẩm vi sinh hạn chế mùi hôi, tăng khả năng phân hủy sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Về lâu dài, nhằm xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất cà phê, đề nghị UBND các huyện rà soát, bố trí quỹ đất quy hoạch khu sản xuất chế biến cà phê tập trung để di dời các cơ sở nhỏ lẻ tới đó thuận lợi cho việc xây dựng công trình thu gom xử lý chất thải tập trung. Cùng với đó, Sở TN&MT cũng thường xuyên đôn đốc UBND cấp huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức cho các cơ sở, hộ dân chế biến cà phê trên địa bàn quản lý.

Huyện Mường Ảng là địa phương có diện tích cà phề lớn nhất tỉnh Điện Biên với trên 3.270 ha. Hiện tại trên địa bàn huyện có trên 200 hộ gia gia đình và 4 cơ sở có hoạt động sơ chế cà phê ướt.

Để xử lý ô nhiễm môi trường một cách triệt để rất cần sự chung tay từ phía người dân và các chủ cơ sở sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Triệu, Trưởng phòng TN&MT huyện Mường Ảng cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc sơ chế cà phê, Phòng đã phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn huyện tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với 4 cơ sở sơ chế cà phê lớn trên địa bàn, Phòng và chính quyền các xã thường xuyên phối hợp kiểm tra và cử địa chính các xã phụ trách giám sát trực tiếp nếu phát hiện sai phạm sẽ xử phạt.

Tuy nhiên, đến nay công tác xử lý môi trường trong chế biến, xay xát cà phê ướt tại các hộ gia đình vẫn chưa kiểm soát triệt để. Năm 2018, mới chỉ có 100/240 hộ thuộc danh sách đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trong sản xuất chế biến cà phê. Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô lớn, ý thức chấp hành chưa nghiêm nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường, đặc biệt là Công ty xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở.

Vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng không thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê.Trong ảnh: Cơ sở sản xuất cà phê tại xã Ảng Nưa không ký cam kết bảo vệ môi trường mặc dù được phòng TN&MT Mường Ảng tuyên truyền, vận động.

Các hộ gia đình, cá nhân xay xát chế biến cà phê ướt không tự giác ký cam kết bảo vệ môi trường với nhiều lý do như: Không có mặt bằng đào bể lắng, không có kinh phí, gia đình xay xát ít không gây ảnh hưởng đến môi trường, đa phần gia đình tự thu hoạch và bán quả tươi không xay sát tại hộ gia đình... Công tác tổ chức phối hợp của Phòng TN&MT với UBND xã hiệu quả chưa cao, chưa có biện pháp mạnh để xử lý những đối tượng vi phạm. Đặc biệt đối với cấp xã còn thiếu quan tâm, thiếu chỉ đạo công chức địa chính tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và tham mưu xử lý vi phạm... còn đùn đẩy, ỷ lại vào Phòng TN&MT.

Ông Phạm Văn Triệu cho biết thêm: Để tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào tổ chức hướng dẫn cho nhân dân các mô hình bảo vệ môi trường, ủ phân vi sinh góp phần xử lý triệt để vỏ cà phê trong quá trình xay xát. Xây dựng hố đựng chất thải rắn, nước thải, thu gom và ủ chất thải để tránh gây ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn và tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp xay xát chế biến cà phê trên địa bàn đăng ký Kế hoạch Bảo vệ môi trường.

Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tạo sinh kế lâu dài cho người dân trồng cà phê đang dần ổn định và đi đúng hướng. Tuy vậy, để ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường một cách triệt để rất cần sự chung tay từ phía người dân và các chủ cơ sở sản xuất.

Hà Thuận

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/dien-bien-can-ngan-ngua-triet-de-o-nhiem-moi-truong-tu-so-che-ca-phe-1260313.html