Diễn biến bất ngờ vụ lái xe Range Rover vượt đèn đỏ, đâm nữ sinh rồi bỏ chạy

Sau thời gian dài truy tìm, cơ quan công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt giữ được lái xe Range Rover vượt đèn đỏ, đâm nữ sinh rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, đơn vị này cũng bất ngờ có thông báo kết quả giám định thương tật của nạn nhân dưới 61% nên sẽ không khởi tố vụ án.

Gia đình bức xúc

Sự việc em Trần Lê M.T.(SN 1999, trú tại quận Thanh Xuân - sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học tại Hà Nội) bị tài xế điều khiển ô tô Range Rover đâm rồi bỏ chạy vẫn đang được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Công an quận Hai Bà Trưng xác định tài xế điều khiển xe Range Rover đâm nữ sinh trên phố Bà Triệu được xác định là Phạm Thế Duy (38 tuổi, quê ở Quảng Ninh).

Mới đây cơ quan công an xác định thương tật của nạn nhân Trần Lê M.T. chưa đến 61% nên quyết định không khởi tố vụ Range Rover đâm nữ sinh.

Tài xế lái chiếc ô tô Range Rover tông gãy chân nữ sinh đi xe máy rồi bỏ trốn. Ảnh: PV

Tài xế lái chiếc ô tô Range Rover tông gãy chân nữ sinh đi xe máy rồi bỏ trốn. Ảnh: PV

Ngày 27/12, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Trần Văn Quân (bố đẻ của nữ sinh Trần Lê M. T.) cho biết, sáng nay, phía công an gọi điện cho ông đến nhận kết quả giám định thương tật 53%. Ông Quân bày tỏ sự bức xúc trước việc Công an quận Hai Bà Trưng dựa vào yếu tố xác định thương tật trên 61% mới khởi tố vụ án hình sự là chưa khách quan. Bởi sau khi gây tai nạn lái xe đã bỏ mặc nạn nhân rồi trốn khỏi hiện trường.

Theo ông Quân đây mới chỉ là "hiệp một của trận đấu" nên vụ việc chưa kết thúc được. Cái đích là công lý phải đực thực thi, công bằng sự thật phải được thừa nhận. Hơn nữa sự việc này không phải là việc của riêng cá nhân gia đình nữa mà là của toàn xã hội quan tâm.

“Tôi có nói với các anh công an, tôi không quan tâm về kết quả điều tra của công an vì đó là trách nhiệm của họ. Gia đình giờ chỉ tập trung cứu con và không quan trọng chuyện gì cả”, ông Quân nói thêm.

Nạn nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện 108.

Điều đáng nói, trước đó, một thanh niên tên là Nguyễn Mạnh Hồng (28 tuổi, quê ở Tuyên Quang) khai nhận mình là người điều khiển chiếc xe Range Rover màu trắng - đen mang biển số 30A - 279.99 đâm phải nữ sinh M.T.

Tuy nhiên cơ quan công an sau đó xác định không phải anh này là tài xế điều khiển xe Range Rover gây ra vụ tai nạn trên.

Luật sư nói gì?

Liên quan đến vụ việc trên luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi vượt đèn đỏ dù của ô tô hay xe gắn máy đều có thể gây nguy hiểm cho người khác, là hành vi đáng lên án.

Khi ô tô vượt đèn đỏ thì mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều lần. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự nếu như hành vi vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông đến mức độ hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Cường thông tin, trước thời điểm có hiệu lực của bộ luật hình sự 2015 thì hành vi lái xe vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông mà hậu quả thương tích của nạn nhân tới 31 % là người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự 1999.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật (1/1/2018) thì hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả thương tích cho người bị hại từ 61 % trở lên mới bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng nặng sau va chạm.

“Như vậy, với quy định pháp luật mới này thì những trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả thương tích từ 31% đến 60% sẽ không bị xử lý hình sự như trước đây mà chỉ xử lý hình sự khi hậu quả thương tích cho nạn nhân từ 61% trở lên.

Đây là vấn đề chính sách hình sự, phi hình sự hóa với một số hành vi thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo của nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật”, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nói.

Luật sư Bách Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Bross và cộng sự thì cho rằng: “Gia đình nạn nhân hoàn toàn có quyền khiếu nại đối với kết quả trưng cầu giám định. Nếu thấy có nghi ngờ về kết quả trưng cầu giám định là không trung thực thì hoàn toàn có thể yêu cầu, đề nghị trưng cầu giám định lại. Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần phải khởi tố bị can đối với người có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự”.

Vụ việc càng gây khó hiểu khi trước đó lại có người thanh niên khác nhận trách nhiệm...

Luật sư Bách cũng nêu rõ: Theo điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ trong đó quy định việc lái xe đâm rồi bỏ chạy và không cứu giúp người bị nạn là một tình tiết tăng nặng định khung. Theo đó tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 điều 260 có tăng nặng hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù do gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn trách nhiệm.

Ngoài ra, tài xế còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù từ 1 đến 5 năm nếu gây tổn hại sức khỏe cho nữ sinh từ 61% trở lên (quy định ở điểm a, khoản 1, Điều 260).

Cũng theo vị luật sư này, Viện kiểm sát nhân dân Quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội cần giám sát quá trình điều tra của cơ quan điều tra để phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm hình sự.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/dien-bien-bat-ngo-vu-lai-xe-range-rover-vuot-den-do-dam-nu-sinh-roi-bo-chay-20181227144223412.htm