Điện Biên: Ai đứng sau dự án Khu nhà ở Tân Thanh?

Dự án Khu nhà ở Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ) chậm tiến độ đã gần 1 năm và đang trong tình trạng nham nhở như chuột gặm. Không ít phụ huynh đã trót 'ném' tiền vào dự án 'kiểu mẫu' này.

Dự án được “vẽ” ra với nhiều hạng mục hấp dẫn chưa từng có ở Điện Biên.

Dự án được “vẽ” ra với nhiều hạng mục hấp dẫn chưa từng có ở Điện Biên.

“Nói như rồng leo”

Dự án Khu nhà ở Tân Thanh do Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ môi trường (Cty.ĐT&CNMT) tỉnh Điện Biên đề xuất đầu tư. Nó được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt, chấp thuận đầu tư dự án tại Quyết định 826/QĐ-UBND ngày 17/10/2013. Dự án được điều chỉnh tại Quyết định 634 ngày 10/5/2016. Hình thức triển khai là đầu tư trực tiếp, xây dựng mới với tổng diện tích sử dụng đất là 49.120m2.

Dự án được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình kiến trúc với quy mô dân số 804 người. Trong đó, hệ thống các công trình kiến trúc có mục đích khai thác thương mại gồm: Đất tái định cư: 32 lô; nhà ở liền kề: 132 lô; biệt thự nhà vườn loại 200m2: 19 lô; biệt thự nhà vườn loại 150m2: 16 lô.

Dự án sau khi điều chỉnh có tổng mức đầu tư là: Hơn 342 tỷ đồng, được sử dụng từ các nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay và huy động hợp pháp khác.

Theo phân kỳ, dự án trên được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thành trong năm 2018. Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng công trình kiến trúc và được hoàn thành vào quý II/2020.

Từ tháng 8/2016, khi triển khai dự án này, nhà đầu tư đã “vẽ” ra viễn cảnh vô cùng tốt đẹp của tương lai sau 4 năm đầu tư. Đó là “một khu đô thị kiểu mới với quy hoạch hiện đại như Bông hoa Ban giữa vùng đất lịch sử mà nhụy hoa là khu trung tâm, còn những cánh hoa là khu bảo tàng lịch sử - văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng và vành đai cây xanh, vùng bảo tồn kiến trúc không gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái… là hình ảnh của thành phố Điện Biên Phủ - thủ phủ của tỉnh miền núi biên giới Điện Biên trong tương lai gần”.

Quá trình triển khai nhà đầu tư đã được cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và chỉ ra những tồn tại, hạn chế. UBND tỉnh Điện Biên cũng ban hành các văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song việc triển khai vẫn hết sức “trầy trật”. Đến nay, mới cơ bản hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, chưa triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2 theo tiến độ được chấp thuận.

Dự án nhà ở Tân Thanh được đầu tư nằm trong chương trình phát triển nhà ở tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nó cũng nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt.

Các danh mục công trình, dự án sử dụng đất thuộc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của thành phố Điện Biên Phủ được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 208 ngày 1/4/2014.

Vị trí, địa điểm xây dựng dự án được UBND tỉnh Điện Biên thống nhất lựa chọn và cấp phép cho Cty.ĐT&CNMT tỉnh Điện Biên lập quy hoạch chi tiết. Các thủ tục pháp lý tiếp theo cũng được các sở, ngành phối hợp triển khai. Thế nhưng, rất nhiều sai phạm vẫn cứ xảy ra liên quan đến chủ đầu tư lẫn các sở, ngành chuyên môn.

Bê bết sai phạm…

Hết hạn đầu tư gần 1 năm song chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành giai đoạn I.

Ngày 19/9/2016, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định 1275 điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án. Quyết định trên được cho là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Song, chính điều này đã làm thay đổi phạm vi, quy mô của dự án, tăng diện tích sử dụng đất so với giấy phép quy hoạch và chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh.

Vì chưa được UBND tỉnh cấp phép nên khi dự án tiếp tục triển khai theo phương án điều chỉnh đã trái với quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định 37/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Trong quá trình lập, thẩm định, chấp thuận đầu tư dự án, các sở chuyên ngành được UBND tỉnh Điện Biên giao đã có dấu hiệu lỏng lẻo. Ở khâu này, không ít nội dung chưa được các cơ quan thẩm định đánh giá đầy đủ, chặt chẽ theo đúng thẩm quyền và chưa tuân thủ các quy định của pháp luật.

Có thể kể đến là việc thẩm định, đánh giá xác định điều kiện, năng lực của chủ đầu tư về nguồn vốn chủ sở hữu, vốn pháp định chưa đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của Nghị định 11/2013 và Nghị định 153/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

Hay như dự án sử dụng nguồn thu của ngân sách địa phương thông qua giá trị tiền sử dụng đất để đối trừ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, trong quá trình thẩm định, xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ quan chuyên môn đã chưa phản ánh đầy đủ, chính xác. Điều đó dẫn đến những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định trong quản lý đầu tư, đấu thầu, kiểm soát phần chi phí được đối trừ của dự án.

Ngoài ra, trong quá trình lập hồ sơ thiết kế dự án đã bộc lộ nhiều thiếu sót. Song những thiếu sót này lại chưa được cơ quan thẩm định xem xét, đánh giá đầy đủ. Đơn cử như: Không có thiết kế và thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy cho công trình. Không có bản vẽ thiết kế cơ sở đối với công trình nhà ở, công cộng và dịch vụ thương mại theo nội dung đầu tư.

Chủ đầu tư còn không phân cấp các hạng mục công trình xây dựng phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo quy định. Tại bản vẽ thiết kế san nền, cos san nền còn có nhiều vị trí không hợp lý, không phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng. Chưa có ý kiến tham gia thẩm định của sở quản lý chuyên ngành đối với hạng mục đường dây tải điện, trạm biến áp.

Cùng với đó, việc thẩm định tính toán chi phí đầu tư dự án phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật không phù hợp với thuyết minh, bản vẽ thiết kế của dự án đầu tư như: Khối lượng hạng mục san nền không phù hợp với bản vẽ thiết kế.

Vì thế không có cơ sở để xác định khối lượng. Đặc biệt, đơn giá đất đã được làm tròn dẫn đến việc xác định số tiền phải nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi đối trừ thiếu nên việc tính toán tổng mức đầu tư, số tiền phải nộp sau khi trừ đối ứng các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án thiếu chính xác…

Liên quan đến dự án Khu nhà ở Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, một số phụ huynh có quyền đặt câu hỏi: Ai đã đứng sau dự án này?

Vẫn còn rất nhiều sai phạm trong triển khai dự án chưa được nhắc đến. Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin.

Dự án Khu nhà ở Tân Thanh được cấp giấy chứng nhận lần đầu vào ngày 11/5/2016.
Chủ đầu tư dự án: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên.
Người đại diện pháp lý: Trịnh Văn Công (SN: 1983); Chức vụ: Tổng Giám đốc
Đ/c thường trú: Xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.
Dự án triển khai trên diện tích 49.120m2 với tổng vốn đầu tư: Hơn 73 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp để thực hiện là hơn 14 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh, dự án có tổng mức hơn 342 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện: Tháng 8/2016 - quý II/2020.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/dien-bien-ai-dung-sau-du-an-khu-nha-o-tan-thanh-ZQkE3JCMg.html