Điện Biên: 3 mẹ con mang tội giết chồng, giết cha gần 30 năm đòi bồi thường 12,5 tỉ đồng

Ngày 9/7, TAND tỉnh Điện Biên tổ chức thương lượng bồi thường oan sai với gia đình bà Đặng Thị Nga, 83 tuổi, trú tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Đây là lần thứ 5 cơ quan này tổ chức thương lượng với gia đình bà Nga.

Tại buổi thương lượng, mức bồi thường mà luật sư và gia đình bà Nga yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường cho gần 30 năm mang thân phận bị can với tội giết chồng, giết cha là 12,5 tỉ đồng.

Đây là mức bồi thường mà TAND tỉnh cùng gia đình bà Nga đã thương lượng thành trong lần thương lượng thứ hai được tổ chức vào tháng 7/2018.

Theo đó mức bồi thường TAND tỉnh thương lượng bồi thường cho tổn thất tinh thần, sức khỏe… với bà Nga là 7,6 tỉ, với anh Trịnh Công Hiến (con trai bà Nga, đã mất) hơn 1,9 tỉ và với anh Trịnh Huy Dương 2,9 tỉ.

Trước đó gia đình bà Nga yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Theo đơn yêu cầu, bà Nga cho biết bản thân bà bị giam giữ 205 ngày, bị truy tố oan sai 28 năm (từ năm 1990 đến tháng 10/2017). Bà Nga yêu cầu được bồi thường tổn thất tinh thần gần 2 tỉ đồng, bồi thường tổn thất tinh thần cho 3 người con hơn 3 tỉ đồng. Ngoài ra bà Nga còn yêu cầu bồi thường khoản tiền giảm sút thu nhập, giảm sút sức khỏe… Tổng số tiền bà Nga yêu cầu bồi thường là 9,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, anh Dương cho biết do bà Nga tuổi đã cao, sức khỏe hiện đang yếu nên gia đình muốn việc bồi thường được giải quyết nhanh nên yêu cầu mức như đã thương lượng chứ không còn yêu cầu bồi thường 18 tỉ nữa.

“Thời gian bị oan quá lâu, hơn 30 năm chúng tôi mới được minh oan. Hiện mẹ tôi sức khỏe yếu, gia đình mong việc bồi thường kết thúc sớm để bù đắp phần nào cho bà. Chúng tôi chỉ sợ đến lúc bà mất mà vẫn chưa được bồi thường thì mọi việc không còn ý nghĩa. Vì thế gia đình đề nghị mức bồi thường 12,5 tỉ là mức đã thương lượng thành với TAND tỉnh Điện Biên từ ngày 20/7/2018”, anh Dương chia sẻ.

Tuy nhiên trong buổi thương lượng hôm nay (ngày 9/7), TAND tỉnh Điện Biên vẫn chưa “chốt” mức bồi thường. Phía Tòa án lập biên bản thương lượng không thành đối với yêu cầu đòi bồi thường của gia đình bà Nga.

Quay trở lại vụ án, hồi 16 giờ ngày 18/9/1989, bà Đặng Thị Nga ra giếng của gia đình để múc nước thì phát hiện thi thể của ông Trịnh Huy Tùng ở dưới giếng, bà Nga đã báo cho cơ quan chức năng để giải quyết.

Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Công an huyện Tuần Giáo ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Đặng Thị Nga về tội “Giết người” theo điều 101, Bộ Luật hình sự năm 1985.

Ngày 9/10/1989, VKSND huyện Tuần Giáo có Quyết định chuyển vụ án lên cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lai Châu giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 26/10/1989, Phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương về tội “Giết người” theo điều 101, Bộ Luật hình sự năm 1985.

Ngày 23/11/1989, Công an tỉnh Lai Châu lập biên bản bắt tạm giam đối với Hiến, Dương. Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ được chuyển sang Viện KSND tỉnh Lai Châu để đề nghị truy tố.

Ngày 25/1/1990, Viện KSND tỉnh Lai Châu đã có cáo trạng truy tố Trịnh Công Hiến, Trịnh Huy Dương về tội “Giết người” theo điểm a, khoản 1, điều 101 và truy tố Đặng Thị Nga về tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1, điều 246, Bộ Luật hình sự năm 1985.

Ngày 12/4/1990, TAND tỉnh Lai Châu đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Công Hiến 18 năm tù và Trịnh Huy Dương 12 năm tù về tội “Giết người” theo khoản 1, điều 101 và tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Nga 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng về tội “Che giấu tội phạm” theo điều 246, Bộ Luật hình sự năm 1985 (tại phiên tòa xét xử các bị cáo đều nhận tội).

Ngày 14/4/1990, bị cáo Trịnh Công Hiến có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm hình phạt. Ngày 16/4/1990 bị cáo Trịnh Huy Dương có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm án. Trong thời gian này, các bị cáo có đơn kêu oan, đã thay đổi lời khai, không nhận tội.

Ngày 18/12/1990, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu để tiến hành lại tố tụng từ giai đoạn điều tra với lý do có một số thiếu sót điều tra ở cấp sơ thẩm nay cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

Sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, ngày 27/3/1991 Viện KSND tỉnh Lai Châu có Quyết định trả hồ sơ để điều tra lại cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lai Châu. Ngày 7/1/1992, VKSND tỉnh Lai Châu có Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương với lý do: Hết thời hạn tạm giam (đây là văn bản tố tụng cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lai Châu thực hiện lưu trong hồ sơ vụ án).

Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.

Ngày 11/10/2017, Cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can Đặng Thị Nga, Trịnh Công Hiến, Trịnh Huy Dương, công khai xin lỗi và bồi thường theo quy định pháp luật.

Thành Lộc

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/dien-bien-3-me-con-mang-toi-giet-chong-giet-cha-gan-30-nam-doi-boi-thuong-125-ti-dong-d2069416.html