Điện bậc thang hỗ trợ người nghèo... 18.000 đồng/tháng?

Thực tế cho thấy, hộ sử dụng nhiều điện chưa chắc đã phải người giàu và hộ sử dụng ít điện chưa chắc đã phải hộ nghèo.

Ngày 20/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm "Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý?".

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng, kinh tế đã nêu quan điểm về việc duy trì biểu giá điện bậc thang hay áp dụng điện một giá. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm sau khi Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới và mới đây nhất là rút phương án điện một giá ra khỏi dự thảo.

Theo TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam), cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong Quyết định 24/2017/QĐ-TTg có 4 nhóm khách hàng (nhóm sản xuất, khối hành chính sự nghiệp; khối kinh doanh và khối sinh hoạt). Riêng nhóm khách hàng sinh hoạt cho phép bán theo dạng bậc thang lũy tiến với mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ giá cho người nghèo.

TS Ngô Đức Lâm khẳng định, một trong những nguyên tắc giá điện sinh hoạt lũy tiến nhiều bậc là người nghèo, người hưởng chính sách ưu đãi được hỗ trợ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hộ nghèo được hưởng chính sách đã được Nhà nước xác định và được lĩnh tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi xây dựng biểu giá này, ngành điện hướng đến nguyên lý khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vốn được mặc định là những hộ dùng ít điện. Theo đó, càng sử dụng nhiều càng phải chịu giá cao và ngược lại.

Mục tiêu an sinh xã hội trong việc xây dựng biểu giá điện cần phải xem xét lại để khách quan, công bằng, minh bạch hơn. Ảnh minh họa: Dân Việt

Mục tiêu an sinh xã hội trong việc xây dựng biểu giá điện cần phải xem xét lại để khách quan, công bằng, minh bạch hơn. Ảnh minh họa: Dân Việt

"Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì không hẳn như vậy. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp, không có điều kiện tách khẩu nên buộc phải sống chung với nhau.

Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp, song họ lại có thu nhập cao.

Như vậy, quan điểm về điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn nhiều ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế", PGS.TS Nguyễn Minh Duệ nhận xét và cho rằng, chuyện hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, Chính phủ có thể có những cách khác mà không nhất thiết phải hỗ trợ qua giá điện, ví dụ tiền mặt, an sinh xã hội, công ăn việc làm...

Cùng chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong kinh tế thị trường, EVN cũng chỉ là một doanh nghiệp như nhiều doanh nghiệp khác. Cần tách riêng việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội khỏi chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp.

Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có các khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Theo quy định hiện hành các hộ nghèo về thu nhập hoặc hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng. Việc hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ sử dụng tối thiểu của người dân và khả năng có thể đáp ứng của ngân sách nhà nước và được chuyển thẳng tới người thụ hưởng. EVN chỉ nên chú tâm vào công việc của mình là sản xuất điện nhiều nhất, đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng, về bảo vệ môi trường và kinh doanh hiệu quả nhất.

PGS.TS Bùi Thiện Dụ, nguyên giảng viên khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét: dùng chữ "an sinh xã hội" chưa chuẩn xác. Bởi lẽ, ông tính toán, với biểu giá điện hiện nay, hộ gia đình dùng dưới 100kWh thì tiết kiệm được 10%, tức nhà nào dùng nhiều nhất trong bậc này thì tiết kiệm được 18.000 đồng, hộ trung bình dùng 50kWh thì tiết kiệm được 9.000 đồng.

"Số tiền này chia cho 1 hộ (tính trung bình là 4 người) rồi bảo họ lên phường lĩnh có khi họ còn không lên. Cho nên, nói "an sinh xã hội" nhưng phải hiểu thực tế đó là 9.000-18.000 đồng, không bằng 1 bát phở/tháng/4 người".

Từ đây, PGS.TS Bùi Thiện Dụ đề nghị ngành điện hãy thao tác và kinh doanh như một doanh nghiệp, dù loại đặc biệt thế nào chăng nữa, cần tập trung vào kinh doanh, phát triển chất lượng dịch vụ, nộp ngân sách nhà nước n gày càng nhiều. Trách nhiệm với người nghèo hãy để Nhà nước xử lý chung với xã hội. Hiện nay các hộ nghèo đã được trợ cấp thông qua ngân sách xã hội, các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo.

"Chính sách hỗ trợ người nghèo không phải là trách nhiệm của một ngành sản xuất kinh doanh nào, ngành điện không nên ôm lấy việc không phải của mình. Chưa nói, nếu ngành điện chỉ hỗ trợ cho các hộ dùng ít điện (vì tự xếp họ vào hộ nghèo mà không xét hoàn cảnh cụ thể) thì sao không hỗ trợ các hộ không được dùng điện?

Họ cũng đóng thuế để xây dựng phát triển đất nước như các hộ dùng điện, chưa kể có những vùng người dân phải hy sinh cả đất đai, ruộng đồng để xây dựng các nhà máy thủy điện, đường dây điện cao áp đi qua mà chưa được dùng điện", PGS.TS Bùi Thiện Dụ nêu vấn đề.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dien-bac-thang-ho-tro-nguoi-ngheo-18000-dongthang-3417589/