Điện ảnh Việt và những cú hích

Phim cán mốc doanh thu trăm tỷ, nhiều tác phẩm giành giải tại các LHP quốc tế… đó là những gì mà điện ảnh Việt Nam đã và đang chứng minh trong thời gian qua.

Cảnh trong phim Vệ sĩ Sài Gòn.

Cảnh trong phim Vệ sĩ Sài Gòn.

Tín hiệu khả quan

Mới đây, thông tin bộ phim “Vệ sĩ Sài Gòn” được Hãng phim nổi tiếng Universal (Mỹ) mua bản quyền làm lại đã khiến những người làm điện ảnh Việt Nam không khỏi bất ngờ. Bởi lâu nay điện ảnh Việt Nam vẫn đang sống trong cảnh thiếu kịch bản, đặc biệt là những kịch bản có chất lượng. Thậm chí khán giả yêu điện ảnh cũng đã quá quen với việc các nhà sản xuất mua bản quyền nước ngoài để sản xuất lại. Chính vì vậy, việc hãng phim nổi tiếng thế giới mua kịch bản phim Việt để sản xuất là một tín hiệu tốt.

Phim “Vệ sĩ Sài Gòn” ra mắt năm 2016, là phim hành động hài do đạo diễn người Nhật Ken Ochiai thực hiện sau khi ra rạp đã đạt doanh thu 39 tỷ đồng. Sau đó, đơn vị sản xuất cũng đã mang phim phát hành tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Khi phim được công chiếu tại Mỹ, Hãng Universal đã tìm hiểu và thương lượng mua bản quyền phim thành công để sản xuất lại. Phiên bản của Mỹ sẽ do anh em nhà Russo - những người gắn liền với loạt siêu anh hùng của Vũ trụ điện ảnh Marvel, đạo diễn. Hai ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới là Chris Pratt và Ngô Kinh sẽ đảm nhiệm vai chính.

Cảnh trong phim Tiệc trăng máu.

Nhiều bộ phim khi ra rạp đã đạt được doanh thu hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Mới đây nhất, bộ phim “Tiệc trăng máu” sau 4 tuần liên tiếp đứng “top 1” phòng vé đã thu về 155 tỷ đồng. Thành công của phim một phần nhờ phát hành trong thời điểm không bị bom tấn nước ngoài cạnh tranh. Kịch bản giàu tình tiết cùng diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên cũng là yếu tố thu hút của tác phẩm.

Cùng với đó, phiên bản “Việt hóa” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện, gần gũi với bản dựng của Hàn Quốc mang tên “Người quen xa lạ” ra mắt tại Việt Nam vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, bộ phim đã được Việt hóa một cách hợp lý với phần thoại, tình huống và cách ứng xử “rất Việt Nam”.

Đặc biệt, nhà sản xuất đã biết lựa chọn kịch bản để làm lại với việc chọn tác phẩm nguyên gốc là “Perfect Strangers” của Italy (ra mắt năm 2016, của đạo diễn Paolo Genovese) đã nhận kỷ lục Guinness “Phim được làm lại nhiều nhất trong lịch sử” với 18 phiên bản.

Đổi mới để phát triển

Có thể nói, bằng nhiều cách làm khác nhau, điện ảnh Việt Nam đã có những hướng khá đột phá, thậm chí là kỳ tích. Tất nhiên, không phải tất cả các tác phẩm điện ảnh Việt Nam khi ra rạp đều thành công cả về doanh thu lẫn chất lượng. Nhưng hơn cả, cho thấy các nhà làm phim Việt đã tự tin, “dám nói, dám làm”, không còn “run sợ” hay cảm thấy lép vế trước các tác phẩm của nước ngoài.

Bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam cũng đã cho thấy sự đa dạng về mặt đề tài, thể loại. Nếu như trước đây, các nhà sản xuất chạy theo nhu cầu, thị hiếu của người xem thì giờ đây, dần có sự định hướng ngược trở lại. Nhiều nhà sản xuất chọn những thể loại khó, đề tài gai góc hơn để tiếp cận khán giả.

Thậm chí mới đây bộ phim tài liệu của VTV là “Đoạn trường vinh hoa” cũng đã tự tin bước ra rạp với mong muốn lợi nhuận thu được từ phim sẽ sử dụng để ủng hộ bộ môn nghệ thuật tuồng cổ vốn đang dần mai một ở miền Tây.

Một trong thành công khác của điện ảnh Việt Nam đó chính là việc khai thác mảng đề tài về gia đình. Thực tế đã chứng minh, khán giả Việt Nam đặc biệt yêu thích dòng phim gia đình. Phim gia đình gần như áp đảo cả trên truyền hình lẫn màn ảnh rộng. Và sự phát triển của nền điện ảnh hiện nay cũng đặc biệt phù hợp với dòng phim này. Ở đó, nếu như dòng phim kinh dị, giả tưởng, hành động còn đang loay hoay cả về kịch bản lẫn công nghệ thì dòng phim tâm lý tình cảm lại có một truyền thống vững chắc trong lịch sử điện ảnh Việt.

Diễn viên Trình Mỹ Duyên, gương mặt mới trong vai Kiều (phim cổ trang Kiều).

Ngoài ra, điện ảnh Việt Nam cũng ghi nhận việc các nhà sản xuất tìm kiếm các gương mặt mới cho các tác phẩm nhằm khỏa lấp sự thút hụt các diễn viên cho thị trường phim. Chính cách chọn những nhân tố mới cho các tác phẩm được xem là một hướng đi tốt của điện ảnh Việt. Bởi với số lượng phim ra rạp ngày một tăng thì việc lặp đi lặp lại những gương mặt thân quen đã không còn mới mẻ với khán giả. Chính vì thế, nhân tố mới được xem là điểm thu hút sự tò mò của khán giả. Kích thích nhu cầu muốn khám phá, muốn tìm hiểu về cách hóa thân của diễn viên đó trong các vai diễn đầu tay.

Tuy nhiên, cách làm mới này cũng đặt ra không ít thách thức cho các nhà làm phim. Có những phim trở thành “bom xịt” vì sự diễn xuất non nớt, yếu kém của các nhân tố mới. Thậm chí, có trường hợp còn gây tranh cãi vì cho rằng nhân tố mới không phù hợp, hoặc chưa đủ kinh nghiệm để đảm nhận các vai diễn mang tính chiều sâu.

Nhìn nhận về thành công của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua, nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm cho rằng: Trước đây nhiều nhà sản xuất mặc định khán giả thích phim hài lãng mạn nên họ hiếm khi dám thử nghiệm cái mới. Nhưng giờ đây, điện ảnh Việt đã có những thay đổi, một phần nhờ vào sự cởi mở hơn của công tác kiểm duyệt khiến các nhà sản xuất mạnh tay hơn, cũng như nhu cầu thưởng thức của khán giả đã có sự thay đổi.

Nhà phê bình phim cũng nhận định, trong 5 năm qua và đặc biệt là 2 năm gần đây đã có sự thay đổi chủ đề trong phim Việt. Đơn cử sự thành công của phim Hai Phượng, đã cho thấy khán giả Việt Nam rất cởi mở với những chủ đề mới. Họ không chỉ đến rạp cho vui, mà còn muốn xem những bộ phim khiến họ phải suy nghĩ…

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh-viet-va-nhung-cu-hich-523946.html