Điện ảnh Việt: Tụt hậu, rơi xuống vực thẳm

Góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi sáng 23/8, nhiều nhà quản lý và nghệ sĩ tranh thủ kêu khó, kể khổ, khi nói về sự lép vế của điện ảnh nội trước làn sóng ngoại nhập, thậm chí bi quan ví von 'bị ép rơi xuống vực'.

Khán giả không quay lưng nếu phim Việt đạt chất lượng

Khán giả không quay lưng nếu phim Việt đạt chất lượng

Bất cập

Chủ trì hội nghị-hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá kết quả sau 12 năm thực thi Luật Điện ảnh: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất phim, có bước tiến trong tổ chức các liên hoan và hội chợ phim quốc tế. Tuy thế ông Tạ Quang Đông thừa nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế và công nghệ phát triển không ngừng, Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh.

Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nêu cụ thể một số quy định lỗi thời, trong đó có phổ biến phim. “Chỉ riêng khai thác phổ biến phim trên internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh”, bà Hà nói. Nhiều phim không được cấp phép ra rạp nhưng vẫn phổ biến trên mạng. Hiện nay xu hướng phim sản xuất chỉ phát hành trên internet ngày càng phát triển, mỗi năm hàng trăm phim.

Phân tích kỹ hơn về hình thức phổ biến phim trên mạng khác biệt với phổ biến ở rạp, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TTTT) cho rằng cần cơ chế, chính sách quản lý mới phù hợp hơn. Luật cần tính tới xu thế nhiều phim phát hành vượt biên giới, nhưng việc dán nhãn mới dừng lại ở cảnh báo chứ chưa có công cụ kiểm soát độ tuổi chặt chẽ trên mạng.

Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng của thị trường Việt Nam, nhiều người lạc quan, bởi doanh thu điện ảnh tăng đều đặn mỗi năm gần 30%. Năm 2000 doanh thu khoảng 2 triệu USD, tới 2018 lên hơn 100 triệu USD, dự kiến năm nay đạt 150 triệu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia quan ngại, sự phát triển này không xuất phát từ nội lực. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất phim, đầu tư luôn rạp chiếu và kiêm cả nhập phim nên lợi nhuận chủ yếu rơi vào túi doanh nghiệp ngoại, nước ta thu lại không đáng kể. Một số hãng lớn như Galaxy, BHD cố gắng xoay xở khó “lại” được sức mạnh của doanh nghiệp ngoại.

Mỗi năm 250 phim ngoại nhập, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lo ngại sự phai mờ của văn hóa truyền thống, bởi điện ảnh càng đậm bản sắc càng đóng góp cho sự hình thành hệ giá trị mới của dân tộc. “Phim Việt ngày càng lép vế khi các cụm rạp bố trí giờ chiếu chưa phù hợp, đau khổ hơn là các khung giờ hiểm như 9h sáng, 12h trưa. Không có khách, phim đưa vào rạp rồi lại bị đưa ra”, ông Hải nói.

Tháo gỡ thế nào?

“Nếu sửa đổi Luật Điện ảnh mà không thay đổi quan điểm thì rất khó. Xã hội phát triển nhưng nhận thức và quản lý đang tụt hậu. Sự thay đổi công nghệ điện ảnh khiến điện ảnh Việt gần như rơi xuống vực thẳm”, ông Nguyễn Danh Dương nói. Ông nêu ý kiến không nên sáp nhập các trung tâm phát hành và chiếu bóng ở địa phương vào các thiết chế văn hóa khác. Một cụm rạp nên có ba phòng chiếu trở lên, nay chủ trương chỉ giữ lại một phòng là chưa hợp lí. Cứ đà này vài năm nữa doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 90% số rạp cả nước.

NSND Đặng Xuân Hải cho rằng Luật Điện ảnh sửa đổi phải gánh vác trọng trách ngăn chặn sự lép vế của điện ảnh nước nhà, đưa vào quy định chặt chẽ hơn về ngày giờ vàng và tỉ lệ chiếu phim Việt công bằng. Tỷ lệ quy định phim Việt 20-30% như hiện nay các nhà sản xuất thừa sức làm được, tuy nhiên nhiều đại biểu nhấn mạnh cần quy định cạnh tranh lành mạnh, công bằng về tỷ lệ ăn chia và giờ vàng chiếu phim giữa phim Việt và phim ngoại.

Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đề xuất, nên đưa khái niệm thị trường điện ảnh vào Luật để tránh độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Thời gian qua một số doanh nghiệp điện ảnh gửi đơn kiến nghị về sự chèn ép, độc quyền của doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà.

Khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội sản xuất phim, thúc đẩy điện ảnh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên nhiều hãng phim kêu khó do chính sách ưu đãi chưa nhiều. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó TGĐ Cty BHD đề xuất: Luật mới nên có những điều khoản cụ thể ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phim như ưu đãi về lãi suất vay. Bỏ hơn chục tỷ đồng làm phim mà “chết” thì ai còn động lực làm phim, nhiều nhà sản xuất than.

Một số nhà sản xuất, quản lý cũng nhắc tới chính sách quảng bá, giới thiệu phim Việt tại nước ngoài cần được Nhà nước quan tâm hơn. Vướng mắc về đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim nhiều năm nay cũng chưa được tháo gỡ.

Công ty Thiên Ngân góp ý về chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt, trong đó nêu: Chất lượng phim Việt chưa đáp ứng nhu cầu khán giả. Phim tốt chắc chắn khán giả ủng hộ, duy trì thời gian chiếu lâu dài không khó. Khán giả sẽ quay lưng nếu phim kém chất lượng. Nhà rạp không thể duy trì suất chiếu dày đặc nếu vắng khán giả.

Khoảng 40 phim Việt ra rạp mỗi năm, tuy nhiên số phim thành công và hòa vốn chỉ chiếm khoảng 30%. Nhiều phim Việt các suất chiếu dưới 5 khán giả khiến rạp hủy suất.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/dien-anh-viet-tut-hau-roi-xuong-vuc-tham-1456013.tpo