Điện ảnh Việt Nam khẳng định uy tín ở HANIFF 2018

Khán giả mãn nhãn với 147 bộ phim được chọn lọc kỹ lưỡng từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ chiếu tại các cụm rạp và những suất chiếu ngoài trời; giao lưu với các ngôi sao quốc tế, nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam; người làm phim, nghệ sĩ học hỏi được nhiều kinh nghiệm tại các cuộc hội thảo, chợ phim, trại sáng tác…

Có thể nói, đây là những trải nghiệm tuyệt vời của người làm điện ảnh và người hâm mộ Việt Nam tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ V-năm 2018, diễn ra từ ngày 27 đến 31-10.

"Đại tiệc" điện ảnh

Đúng như nhiều người nói, nếu không có HANIFF thì người yêu điện ảnh Việt Nam sẽ khó có cơ hội thưởng thức những phim “bom tấn” của thế giới như: “Shoplifters” (tạm dịch: Kẻ trộm siêu thị) của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore Eda, phim Nhật Bản đầu tiên giành Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2018; hay “A fantastic woman” (tạm dịch: Người đàn bà tuyệt vời) của đạo diễn Chile Sebastian Lelio, giành giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar lần thứ 90, Gấu bạc cho biên kịch tại LHP Quốc tế Berlin…

Buổi trình chiếu phim ngoài trời tại tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mang lại trải nghiệm hấp dẫn với đông đảo khán giả.

201 buổi chiếu rại 4 cụm rạp: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, BHD Phạm Ngọc Thạch, rạp Kim Đồng, rạp Tháng Tám và 3 buổi chiếu ngoài trời khu vực tượng đài Lý Thái Tổ đông kín khán giả. Anh Trần Nam Sơn, ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, rất lâu rồi anh mới có trải nghiệm thú vị ngồi xem phim ngoài trời. Khi đọc thông tin về HANIFF trên internet, anh Sơn đưa cả gia đình (gồm bố, mẹ, vợ và hai con) đến không gian phố đi bộ Hồ Gươm từ rất sớm để có chỗ ngồi thuận lợi giao lưu với đoàn làm phim “Cô Ba Sài Gòn” và thưởng thức những thước phim đặc sắc kể câu chuyện về gìn giữ truyền thống may, mặc áo dài của phụ nữ Việt Nam, tại tượng đài Lý Thái Tổ tối 28-10 vừa qua.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban Tổ chức HANIFF 2018, khẳng định trước giờ khai màn LHP, các phim tham gia được chọn kỹ và khắt khe từ hơn 500 phim gửi đến của gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là những phim dự thi. Phim dự thi chưa từng đưa đi các LHP quốc tế châu Á, đảm bảo cho phim mới hơn và chưa được khám phá tại các cuộc thi khu vực. Chính vì thế, một số tác phẩm có thể đậm chất Việt Nam hơn nhưng không được chọn do từng dự LHP khu vực. HANIFF tuy còn trẻ nhưng đã xây dựng được uy tín đối với quốc tế, đặc biệt chú trọng nâng cấp từ chỗ không giới hạn đến phim chưa dự thi trong khu vực Đông Nam Á, rồi châu Á và kỳ vọng trong tương lai sẽ “mon men” đạt tới điều kiện phim dự giải chưa từng dự thi ở đâu.

Học kinh nghiệm làm phim từ quốc tế

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đứng lớp đạo diễn và sản xuất Trại sáng tác HANIFF 2018, với kinh nghiệm làm “Đập cánh giữa không trung” đã khuyên các học viên: “Tới các chợ dự án, các trại sáng tác, các bạn cần phải mang theo một “con vi-rút” (dự án tốt) để hấp dẫn mọi người. Phải thuyết trình thành thạo về dự án của mình, tranh thủ mọi mối quan hệ, tự thiết lập một mạng lưới cho mình, thông qua đó, ta sẽ tìm thấy cơ hội cho mình”. Ngoài đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Trại sáng tác HANIFF 2018 còn có các giảng viên: Ngôi sao người Australia David Wenham; đạo diễn Nhuệ Giang; nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch Homayoun Asadian và Rouhollah Hejazi; nhà thiết kế mỹ thuật Ba Lan Allan Starski; diễn viên Đỗ Thị Hải Yến. Còn Chợ dự án lại là nơi gặp gỡ và trải nghiệm của các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch, những người có mong muốn giới thiệu dự án làm phim của họ với các nhà đầu tư, các chuyên gia hàng đầu trong ngành điện ảnh thế giới, để tìm kiếm cơ hội làm phim. Chợ dự án HANIFF năm nay đã tuyển được 5 dự án của các nhà làm phim trẻ, trong đó có 3 dự án của nước ngoài và 2 dự án của Việt Nam.

Hội thảo “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran” cũng được người làm phim Việt Nam háo hức tham dự. Theo nhà phê bình phim Mohammad Attebbai, mỗi năm, các nhà làm phim Iran sản xuất trung bình khoảng 180 phim truyện, trong đó hơn 90% được đưa đi tham dự, trình chiếu tại LHP quốc tế khắp thế giới. Đến nay, đã có khoảng 40.000 bộ phim Iran tham gia các LHP quốc tế, với số lượng giải thưởng quốc tế đạt được là hơn 4.000. Một số phim được trao các giải thưởng điện ảnh lớn của thế giới như “A Separation”, “The salesman” của đạo diễn Asghar Farhadi giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2012 và 2017; “Taxi” của đạo diễn Jafar Panahi giành giải Gấu vàng năm 2015... Điều gì giúp điện ảnh Iran với những bộ phim kinh phí không cao lại có được những thành công như vậy? Đạo diễn Rouhollah Hejazi cho biết, ở Iran có hai nguồn kinh phí làm phim: Một là tiền hỗ trợ từ chính phủ để làm những bộ phim tuyên truyền và phim nghệ thuật; hai là tiền của cá nhân, công ty tư nhân. Đạo diễn Shahram Mokri (đạo diễn bộ phim “Fish & Cat” giành giải thưởng tại LHP Venice năm 2013) thuộc thế hệ thứ 6-thế hệ nhà làm phim trẻ của điện ảnh Iran chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi muốn là một phần của thế giới điện ảnh. Để tham gia được với nền điện ảnh lớn, chúng tôi nỗ lực làm phim ở nhiều thể loại, theo nhiều phương thức để có thể chuyển đổi điện ảnh Iran. Mạng xã hội, internet, tiếng Anh đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thế hệ làm phim ngày nay”. Điều đặc biệt, hầu hết những nhà làm phim thế hệ thứ 6 của Iran đều được đào tạo trong nước.

Rất nhiều thú vị, cơ hội tại HANIFF 2018, tuy nhiên cũng có tiếc nuối, như lời của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, không gặp nhiều đoàn phim, người làm phim Việt Nam, trong khi có khá nhiều người làm phim quốc tế tới dự. Cũng theo nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam, HANIFF sau 5 lần tổ chức đã nâng tầm uy tín và có nhiều kinh nghiệm tổ chức mang tính quốc tế.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dien-anh-viet-nam-khang-dinh-uy-tin-o-haniff-2018-553318