Điện ảnh Việt đang xa rời thời cuộc

Nhiều ý kiến cho rằng, điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh khi số lượng phim ra rạp ngày càng tăng, doanh thu cao. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Doanh thu cao nói lên điều gì khi đa phần các bộ phim chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình (NPB) điện ảnh Lê Hồng Lâm, tác giả cuốn sách '101 bộ phim Việt Nam hay nhất', để góp phần tìm câu trả lời.

Điện ảnh Việt Nam luôn trong giai đoạn quá độ

PV: Dành 3 năm để cho ra đời cuốn sách, tôi biết anh còn đầu tư hơn thế khi bỏ cả công việc yêu thích để tập trung cho cuốn sách vì việc lưu trữ phim ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điều gì khiến anh có động lực làm việc đó?

NPB Lê Hồng Lâm: Đúng là việc tìm kiếm tư liệu phim rất khó khăn vì việc lưu giữ các di sản văn hóa, phim ảnh của Việt Nam không được chú trọng. Để hoàn thành cuốn sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”, tôi phải tìm kiếm từ rất nhiều nguồn. Ngoài nguồn lưu trữ DVD của Phương Nam Phim, tôi còn tham khảo thêm các nguồn tư liệu lưu trữ cá nhân của các đạo diễn cùng nhiều nguồn thông tin khác. Dù có nhiều khó khăn nhưng đến nay tôi cảm thấy hài lòng bởi tìm hiểu điện ảnh là niềm đam mê từ rất lâu rồi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở bờ bắc sông Hiền Lương, vùng “đất thép” này cũng là đề tài của hai bộ phim điện ảnh Việt Nam tiêu biểu trong thời chiến tranh là “Chung một dòng sông” và “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Chắc vì thế mà tôi có tình yêu điện ảnh bất tận chăng?

Thực tế, dù công việc nghiên cứu điện ảnh giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của nước ngoài, nhưng với tôi, phim nước ngoài khó có thể thay thế được phim Việt Nam. Bởi khi xem một bộ phim Việt Nam hay, tôi rất dễ xúc động, vì một cách tự nhiên, phim Việt Nam đã có kết nối văn hóa với người Việt Nam. Những bộ phim đó gợi nhớ đến ông bà, cha mẹ của tôi. Và tôi nhận ra rằng, điện ảnh có vai trò thực sự quan trọng vì nó là phương tiện giúp con người nhìn nhận văn hóa, cuộc sống của chính mình. Vì thế, từ cuốn sách này, tôi muốn tôn vinh những tài năng, những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam trước khi nó bị rơi vào quên lãng.

Trong 10 năm trở lại đây, chưa thấy một diễn viên nào có phẩm chất ngôi sao, có sức hút lớn với công chúng và với phòng vé. Một nền điện ảnh không có ngôi sao điện ảnh thì chưa thể gọi là một nền điện ảnh mạnh.

PV: Theo sát điện ảnh Việt Nam như vậy, anh nhận định điện ảnh Việt Nam đang nằm ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới?

NPB Lê Hồng Lâm: Điện ảnh Việt Nam hiện nay trên bản đồ thế giới còn khá khiêm nhường và nhỏ bé. Nhưng chúng ta vẫn có những bộ phim đáng tự hào như: “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Chung một dòng sông”… Đến nay, chúng ta cũng có những tên tuổi đạo diễn theo dòng phim độc lập có thể đặt nhiều hy vọng. Nhưng nhìn chung về bức tranh điện ảnh, tôi nhận ra điện ảnh Việt Nam luôn trong giai đoạn quá độ. Tức là nó phát triển ở một dòng nào đấy, một giai đoạn nào đấy, xu hướng nào đấy… rồi đến một lúc nó thoái trào, biến mất, chứ không có sự kế thừa, tiếp nối, phát triển.

Ví dụ như đến bây giờ, nền điện ảnh của Mỹ, của Anh, họ vẫn làm về Thế chiến thứ hai, thì chiến tranh Việt Nam vẫn là đề tài lớn và chắc chắn nó vẫn là đề tài hay, sẽ có những thân phận hậu chiến vẫn còn rải rác ở đâu đó khi người đạo diễn biết cách đưa ra những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, cần có những bộ phim như vậy. Bên cạnh những bộ phim giải trí cần có những bộ phim về dân tộc, lịch sử, văn hóa đi sâu vào đời sống, thân phận con người… Đã rất lâu rồi, chúng ta không có những phim có dấu ấn, đọng lại trong lòng khán giả như “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”…

Điện ảnh Việt đang xa rời thời cuộcĐiện ảnh Việt đang xa rời thời cuộc

Điện ảnh Việt đang xa rời thời cuộcĐiện ảnh Việt đang xa rời thời cuộc

PV: Có phải vì thế mà anh mới có nhận định ngược với số đông rằng, đa số phim giải trí hiện nay bế tắc trong hướng đi khiến các bộ phim bắt chước lẫn nhau, theo đuôi nhau và kéo nhau vào... ngõ cụt?

NPB Lê Hồng Lâm: Đó là dư âm của dòng điện ảnh những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - khoảng thời gian hưng thịnh của dòng phim “mì ăn liền”. Dòng phim này từng có những dấu hiệu đầy thăng hoa với những đại diện như: “Vị đắng tình yêu”, “Nước mắt học trò”, “Vĩnh biệt mùa hè”... Đó cũng là thời Việt Nam có các ngôi sao điện ảnh như: Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Lý Hùng, Thu Hà... Nhưng sau đó, vì dòng phim “mì ăn liền” mang lại quá nhiều lợi nhuận nên các bộ phim ngày càng dễ dãi, thậm chí làm theo dạng phim video chiếu rạp chứ không còn là phim điện ảnh nữa. Dòng phim “mì ăn liền” hưng thịnh được 5-7 năm và thoái trào, rồi khai tử vào cuối thập niên 90.

Những năm gần đây, tôi thấy dòng phim giải trí ở Việt Nam cũng có sự phát triển tương tự và lặp lại vòng luẩn quẩn đó. Bởi, số lượng phim điện ảnh Việt Nam tăng đột biến, mỗi năm cho ra rạp tới 30-40 phim, nhưng không có bộ phim nào đọng lại trong tâm trí khán giả. Riêng năm 2018 cũng có khoảng gần 60 phim, nhưng chỉ có khoảng 7-8 phim khiến tôi cảm giác đạo diễn có tìm tòi và thể nghiệm hướng đi riêng, những phim còn lại sản xuất, ra rạp “không kèn không trống” và nhanh chóng hết chiếu, không đọng lại điều gì cho khán giả. Bởi cách làm phim theo kiểu dập khuôn, nghĩa là làm phim theo một công thức có sẵn, dựng lên một cái khung rồi đắp nội dung vào, na ná nhau, nhạt và vô vị từ cái tên như: “Bao giờ hết ế”, “Xưởng 13”, “Cưới vợ cho bà”, “Chú ơi đừng lấy mẹ con”, “Kế hoạch đổi chồng”, “Thử yêu rồi biết”… Tôi không thấy tương lai gì ở điện ảnh Việt Nam qua những cái tên ấy.

PV: Cũng khó trách các nhà sản xuất, đạo diễn được, bởi khán giả đến rạp xem phim bây giờ chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời. Anh có nghĩ như vậy không?

NPB Lê Hồng Lâm: Nhu cầu giải trí thì rõ ràng rồi, bất kể nền điện ảnh nào cũng vậy thôi, đều hiểu mục tiêu tiếp cận của khán giả vẫn là giải trí, những bộ phim nghệ thuật cũng vậy. Nhưng sau khi giải trí thì điều khán giả quan tâm đến là đời sống xã hội được phản chiếu qua điện ảnh, vì điện ảnh là bộ môn nghệ thuật, mà nghệ thuật phải phản chiếu đời sống, chúng ta không thể xa rời hay thoát ly đời sống. Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam đang thoát ly khỏi đời sống, đưa ra những bộ phim để khán giả xem rồi... cười xòa, không vương vấn gì khi ra khỏi rạp.

Bên cạnh những bộ phim giải trí cần có những bộ phim về dân tộc, lịch sử, văn hóa, đi sâu vào đời sống, thân phận con người… Đã rất lâu rồi, chúng ta không có những phim có dấu ấn, đọng lại trong lòng khán giả như “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”…

Khi theo dõi điện ảnh quốc tế, mặc dù tôi cũng thích xem phim giải trí bởi khi ra rạp được thoải mái trong 2 giờ đồng hồ, nhưng tôi vẫn quan tâm đến vấn đề về văn hóa, con người đất nước họ. Như điện ảnh Mỹ, tôi rất hay xem những bộ phim độc lập, những bộ phim có kinh phí thấp, thậm chí thấp hơn cả Việt Nam nữa. Ngay cả những nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, đó là những nền điện ảnh lớn nhưng họ cũng có những bộ phim với nguồn kinh phí ít ỏi, nhưng thể hiện được quan điểm, góc nhìn xã hội, vấn đề thời cuộc, hay đi vào thân phận con người, lát cắt của cuộc sống. Tôi thấy điện ảnh Việt Nam đang xa rời điều đó.

Hiện nay, đại đa số phim điện ảnh do tư nhân đầu tư sản xuất, nhưng tôi nghĩ Nhà nước cũng cần có sự quan tâm nào đấy. Cụ thể, Cục Điện ảnh phải quan tâm để tạo sự cân bằng, bên cạnh những bộ phim giải trí chiếm khoảng 70% thì cũng nên có 30% còn lại là phim nghệ thuật, thể nghiệm. Có thể bây giờ khán giả không quan tâm nhiều đến những bộ phim do Nhà nước đầu tư, nhưng tôi nghĩ, cần có nguồn đầu tư, thay đổi cách làm để có những bộ phim điện ảnh xứng tầm, có những tác phẩm phản ánh được thời cuộc của dân tộc, đất nước Việt Nam. Có như vậy, điện ảnh Việt Nam mới đa dạng và tạo cho khán giả tình yêu với điện ảnh một cách sâu sắc hơn, chia sẻ tâm tư, tình cảm cá nhân với bộ phim nhiều hơn, thay vì chỉ để giải trí nhất thời.

“Song Lang” là bộ phim gây tiếc nuối nhất năm 2018

Người trẻ hãy dũng cảm theo đuổi đam mê

PV: Vài năm trở lại đây có sự thay đổi ở các nhà làm phim khi họ không sử dụng những tên tuổi “bảo chứng phòng vé” nữa mà tìm kiếm những gương mặt mới, dù chưa thực sự quyết liệt. Anh có nhận xét gì về thực tế đó?

NPB Lê Hồng Lâm: Đúng là dòng phim giải trí hiện nay bị phụ thuộc quá nhiều vào các ngôi sao, các tên tuổi được coi là “bảo chứng phòng vé”, nhưng những năm gần đây cho thấy “cái tên” không phải là tất cả. Tôi chưa thấy tên tuổi nào đi được đường dài, ví dụ như mấy năm trước, cái tên Hoài Linh, Thái Hòa được cho là “ông vua phòng vé”, nhưng năm vừa qua, những cái tên ấy không “cứu” được phim. Thực tế, trong 10 năm trở lại đây, tôi chưa thấy một diễn viên nào có phẩm chất ngôi sao, có sức hút lớn với công chúng và với phòng vé. Một nền điện ảnh không có ngôi sao điện ảnh thì chưa thể gọi là một nền điện ảnh mạnh.

Nhìn những diễn viên của nền điện ảnh Trung Quốc, Hongkong hay Hàn Quốc, chúng ta dễ dàng kể tên các diễn viên có 20-30 năm trong nghề vẫn đầy sức hút, nhưng ở Việt Nam thì không có. Có nhiều lý do để diễn viên không thể sáng mãi nên việc tìm kiếm những gương mặt mới cũng là dễ hiểu của các nhà sản xuất phim.

PV: Những gương mặt đạo diễn trẻ nào hiện nay được anh kỳ vọng?

NPB Lê Hồng Lâm: Dòng phim nghệ thuật đã có những tên tuổi tuy không còn trẻ nữa như: Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Thạc Chuyên… Thế hệ kế cận có thể hy vọng dù họ chưa có phim dài nhưng cũng đã có những sản phẩm đáng chú ý như: Lê Bảo, Phạm Ngọc Lân, Trần Dũng Thanh Huy... Tôi hy vọng qua những tên tuổi ấy, điện ảnh Việt Nam sẽ đa dạng hơn, có những tác phẩm chạm đến thời cuộc.

PV: Nói gì thì nói, để bứt phá trong bối cảnh hiện nay là điều khó cho những nhà làm phim trẻ. Bởi phim được đánh giá là “xem được” như “Song Lang” vừa qua lại thất bại thảm hại ở phòng vé, thưa anh?

NPB Lê Hồng Lâm: Thực ra “Song Lang” là tác phẩm độc lập có nhiều dấu ấn cá nhân của người đạo diễn. Tôi hơi tiếc một chút vì một tác phẩm hay như vậy mà gặp phải sự thờ ơ của khán giả. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngay cả với Hollywood, chúng ta cứ quen nhìn những bộ phim bom tấn, doanh thu khủng, nhưng quên mất rằng có khoảng 70% lượng phim độc lập có kinh phí thấp, nhanh chóng bị lãng quên.

Cho nên, tôi nghĩ, mặt được của “Song Lang” là tạo được ấn tượng tốt trên mạng xã hội và những người yêu điện ảnh ghi nhận, dành sự quan tâm và dành tình yêu nồng nhiệt đến bộ phim. Tôi cũng thấy Leon không buồn bã hay thất vọng về doanh thu của bộ phim. Anh ấy có tâm sự rằng, “Song Lang” đã vượt kỳ vọng của anh ấy rồi.

PV: Vậy, anh có điều gì chia sẻ với những nhà làm phim trẻ?

NPB Lê Hồng Lâm: Tôi chỉ muốn nói với họ là nếu có đam mê thì hãy cứ dũng cảm đi đến tận cùng con đường của mình, tất nhiên phải đủ tài năng và tâm huyết. Hiện tại, khó khăn nhất là kinh phí. Nếu không có kinh phí và cũng không thể tìm nguồn kinh phí từ Nhà nước thì các bạn trẻ có thể kiếm tìm nguồn kinh phí từ bên ngoài. Hiện những quỹ điện ảnh quốc tế dành cho các tác phẩm thể nghiệm có khá nhiều, đơn cử như phim “Vị-Taste” của Lê Bảo đã xin được kinh phí từ các quỹ đầu tư quốc tế của Anh, Pháp, Italia, Đức, từ đó gương mặt trẻ này có kinh phí để thực hiện bộ phim đầu tay.

Những bộ phim dù là địa phương nhưng có nội dung phổ quát thì hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn đầu tư từ bên ngoài. Các bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn để theo đuổi đam mê của mình.

Những giai đoạn của điện ảnh Việt Nam qua nghiên cứu của Lê Hồng Lâm

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Lâm: Điện ảnh Việt Nam đã được manh nha trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước, nhưng hầu hết đều thất bại và non yếu về mặt kỹ thuật, kể chuyện, cho đến khi xuất hiện bộ phim tâm lý lãng mạn “Kiếp hoa” vào năm 1953. Vì vậy, “Kiếp hoa” là bộ phim mở màn cho nghiên cứu về điện ảnh của Lê Hồng Lâm.

Điện ảnh Việt chỉ thực sự khởi sắc từ giai đoạn 1954-1975 khi phản ánh trực tiếp không khí khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Sau đó, âm hưởng của cuộc chiến được thể hiện trong một loạt phim được sản xuất sau chiến tranh và kéo dài suốt trong thập niên 80.

Thập niên 90, điện ảnh Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi và khởi sắc thông qua một số bộ phim mang hương vị “ngoại lai” của các đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim. Những vấn đề của xã hội đương đại được thể hiện qua các tác phẩm điện ảnh của các nhà sản xuất phim độc lập như “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di; “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên... Nó đã cho thấy nhiều dấu hiệu của một tác phẩm điện ảnh Việt Nam thuộc dòng phim “arthouse”, giàu tính độc lập, thể nghiệm với những ẩn dụ và biểu tượng được sử dụng tinh tế, ngôn ngữ biểu đạt vừa trần trụi, thô ráp lại vừa đầy chất thơ.

Dòng phim giải trí của điện ảnh Việt Nam chỉ thực sự được chú trọng trong những năm đầu thập niên 90 và chính thức khai sinh dòng phim “mì ăn liền”. Tuy nhiên, vì tính chất “ăn xổi” nên dòng phim này nhanh chóng chết yểu. Đến năm 2003, với thành công bất ngờ của “Gái nhảy” dòng phim giải trí bắt đầu hồi sinh với các đạo diễn trẻ tiếp nối. Đến nay, dòng phim giải trí vẫn đang giữ vai trò chủ lực của điện ảnh Việt Nam.

Huyền Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dien-anh-viet-dang-xa-roi-thoi-cuoc-528464.html