Điện ảnh và công nghệ 4.0: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Tác động thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực điện ảnh... là những vấn đề được tập trung bàn luận tại Hội thảo 'Điện ảnh với công nghệ 4.0' do Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức vừa qua.

Công nghệ ngày càng phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Trong đó, điện ảnh là một trong những lĩnh vực nhận sự tác động mạnh mẽ của công nghệ. Tác động thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực điện ảnh... là những vấn đề được tập trung bàn luận tại Hội thảo "Điện ảnh với công nghệ 4.0" do Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức vừa qua.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Với sự phát triển mạnh của công nghệ không dây, có dây công nghệ cao cùng với truyền hình, cáp quang vệ tinh, thiết bị thu hình có khả năng trình chiếu kỹ thuật cao... nên nhiều người cho rằng thậm chí hiện nay có thể "mang cả rạp chiếu phim về nhà".

Sự thực đúng như vậy, điện ảnh là một trong những lĩnh vực gắn liền với công nghệ. Thành tựu của công nghệ tạo nên những bước ngoặt đáng kể trong sự phát triển của điện ảnh. Không chỉ có vậy, công nghệ đã làm thay đổi cơ bản phương thức truyền thông cũng như hình thức tiếp cận với tác phẩm điện ảnh của khán giả.

Các nhà làm phim đều đồng tình với quan điểm rằng công nghệ gần như đã làm thay đổi hoàn toàn điện ảnh truyền thống. Trong xu thế phát triền không ngừng của khoa học công nghệ, ngành điện ảnh cần phải có những giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế, hạn chế đến mức tối thiểu khó khăn, thách thức để phát huy hiệu quả thuận lợi mà cách mạng 4.0 mang đến.

Phim hoạt hình “Người anh hùng áo vải” thành công nhờ sự kết hợp giữa câu chuyện truyền thống và công nghệ làm phim hiện đại.

Phim hoạt hình “Người anh hùng áo vải” thành công nhờ sự kết hợp giữa câu chuyện truyền thống và công nghệ làm phim hiện đại.

Công nghệ tác động vào mọi khâu trong quá trình làm phim từ sản xuất, hậu kỳ đến phát hành, trình chiếu. Giờ đây, định nghĩa một bộ phim bom tấn không chỉ là đầu tư vào nguồn kinh phí lớn, diễn viên giàu kinh nghiệm diễn xuất mà còn phụ thuộc nhiều vào kỹ xảo, hình ảnh. Những yếu tố này là thước đo quan trọng đánh giá bộ phim có thành công hay không.

Đạo diễn Bùi Trung Hải cho rằng: một trong những bước chuyển của điện ảnh là từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số. Đây là áp dụng làm thay đổi mọi bộ phận, mọi khâu trong quá trình làm một bộ phim. Phim kỹ thuật số có thể giúp đạo diễn thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều trong quá trình làm phim như thay đổi, cắt phim. Kỹ thuật số cũng hỗ trợ nhiều trong việc làm hậu kỳ. Không phải bàn cãi về sự mạnh mẽ của công nghệ. Điện ảnh Việt Nam đã tận dụng nhanh chóng sự phát triển của khoa học công nghệ. Cách làm phim hiện nay đã khác rất xa năm 2007 tôi làm phim "Hà Nội 12 ngày đêm". Hiện nay, công nghệ có thể hỗ trợ cho một diễn viên ngoài 70 tuổi vẫn có thể vào vai nhân vật ở tầm 50 tuổi. Tuy nhiên, diễn xuất lại là một câu chuyện khác cũng như quan niệm về kỹ thuật số ở Việt Nam và nước ngoài vẫn có nhiều sự khác biệt".

Đạo diễn, NSƯT Phùng Văn Hà khẳng định công nghệ có ảnh hưởng mang tính quyết định đến lĩnh vực phim hoạt hình của anh. "Phim hoạt hình Việt Nam ra đời cách đây 60 năm. Trước đây, để làm một bộ phim 10 phút, các đạo diễn phải vất vả, mất rất nhiều thời gian vì phải qua nhiều công đoạn: vẽ lên giấy, tô màu... Hầu hết các công đoạn đều làm thủ công. Năm 2004, tôi tham dự lớp học do Viện phim tư liệu tổ chức về công nghệ 3D. Khi hiểu được công dụng của máy tính thì tôi biết đây là con đường của hoạt hình. Từ năm 2004 đến năm 2007, hoạt hình Việt Nam đã có bước phát triển rất tốt. Trước đây, có khi quay xong vẫn bị hỏng vì thời tiết, nhiệt độ. Giờ đây, khi tiếp cận công nghệ 3D theo xu thế 4.0, phim hoạt hình hoàn toàn làm trên máy tính. Hiện nay, chúng tôi có các phần mềm để xây dựng nhân vật, sáng tạo trên không gian ảo".

Trong khâu phổ biến phim công nghệ góp phần thúc đẩy sự thay đổi trong kiến trúc rạp chiếu. Rạp chiếu phim sẽ được xây dựng theo mô hình số hóa mà ở đó người xem có thể vừa quan sát vừa có thể trực tiếp tham gia vào các sự kiện của phim. Công nghệ thuận tiện có thể truyền trực tiếp phim từ nhà sản xuất đến cơ sở chiếu phim.

Thành công của phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” có sự góp phần không nhỏ của kỹ xảo hiện đại.

Công nghệ góp phần mang đến những thuận lợi, cơ hội cho những người làm nghề. Tuy nhiên, trước làn sóng công nghệ 4.0, điện ảnh Việt Nam cũng đồng thời đang đứng trước nhiều thách thức. Sự thực, nền điện ảnh Việt Nam mới chỉ đang chạm tới phần vỏ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trình độ kỹ thuật trong điện ảnh Việt Nam còn kém so với thế giới. Các đơn vị làm điện ảnh còn gặp khó khăn trong yếu tố con người, thiết bị để có thể tiếp cận được với công nghệ hiện đại. Kinh phí hạn chế không cho phép ê kíp thể hiện hết ý tưởng.

Đôi khi, có những đơn vị làm phim hoàn thành được thủ tục nâng cấp thiết bị thì công nghệ đó đã trở nên lạc hậu. Các nhà làm phim trong nước cũng chưa có nhiều cơ hội thử sức ở nhiều dự án điện ảnh tầm cỡ. Lâu nay, cơ chế đầu tư bao cấp manh mún, phân tán, dàn trải và không theo một quy hoạch tổng thể, hiệu quả sử dụng trang thiết bị thấp. Một số thiết bị máy móc được đầu tư hiện đại nhưng đội ngũ chuyên gia lành nghề quá ít, không đáp ứng được yêu cầu.

"Nhưng công nghệ 4.0 ở Việt Nam cũng khác công nghệ 4.0 ở nước ngoài. Khi chúng ta muốn tiếp cận công nghệ chúng ta phải có con người, cơ sở vật chất. Bạn bè tôi bảo anh làm 3D sao không làm những phim như của nước ngoài. Thú thực nước ngoài họ đầu tư con người máy móc rất lớn. Nếu ở nước ngoài, đoàn làm phim hoạt hình lên tới cả trăm người với nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực nhưng ở Việt Nam đoàn làm phim chỉ dưới 10 người, máy móc cũng thô sơ. Thực tế, mua phần mềm để làm 3D mất nhiều tiền. Đơn cử như card 3D đã từ khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Trong khi cả dàn máy của chúng tôi chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Có nhiều ý tưởng chúng tôi muốn thực hiện nhưng không đủ điều kiện về phương tiện, máy móc".

Ngoài ra, chúng ta thiếu nguồn lực. Sinh viên ra trường nhưng vào hãng phải mất 5 năm nữa mới làm được việc. Nhưng sau đó họ lại chuyển đi làm công ty quảng cáo hay công ty nước ngoài để có thu nhập cao hơn. Như vậy, để có thể tiếp cận 4.0, chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân sự đến máy móc" - đạo diễn Phùng Văn Hà chia sẻ.

Tính đến nay, cả nước có hơn 500 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản xuất phim (khoảng 15 - 20 doanh nghiệp sản xuất phim chiếu rạp, còn lại chủ yếu là sản xuất các chương trình truyền hình, quảng cáo) và gần 1000 rạp chiếu phim. Rạp chiếu phim ở các thành phố lớn chủ yếu thuộc về các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, công nghệ sản xuất phim còn lạc hậu. Trong khi các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới đã chuyển sang công nghệ số hóa. Điện ảnh Việt Nam còn nhiều hạn chế ở khâu kỹ xảo. Nếu không có sự đầu tư sẽ đối mặt nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới.

Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội tiếp xúc với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực điện ảnh. Công nghệ đã mang đến những hiệu quả rõ nét về kỹ xảo hình ảnh, âm thanh. Kỹ xảo điện ảnh cũng dần trở thành điều quan thuộc với các nhà làm phim. Những công nghệ như thiết bị không người lái, kỹ thuật on 3D đã được đưa vào trong quá trình sản xuất phim.

Gần đây, một số bộ phim truyện như "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Tấm Cám: chuyện chưa kể", "Lôi báo", "Người bất tử"... hay những bộ phim hoạt hình như "Người anh hùng áo vải" đã sử dụng công nghệ hiệu quả và mang lại thành công đáng kể.

Như vậy có thể nói, công nghệ là thành phần không thể thiếu trong quy trình làm phim hiện nay. Để có được những tác phẩm điện ảnh xứng tầm khu vực và quốc tế, Điện ảnh Việt Nam cần chủ động áp dụng những thành quả, tiến bộ khoa học mà công nghệ mang đến, hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới.

Ngoài ra, cần từng bước xây dựng nền tảng dữ liệu số hóa toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành và phổ biến phim cũng như bản quyền tác giả. Nhưng điều quan trọng nhất với điện ảnh Việt Nam là tập trung vào nguồn nhân lực.

Hiện nay, nhân lực chất lượng cao của điện ảnh Việt còn ít và không đồng bộ. Dù công nghệ số hóa có sức mạnh vượt trội đến đâu nhưng vai trò của con người, những nhà sáng tạo vẫn là nòng cốt. Đó phải là những người giàu ý tưởng sáng tạo và làm chủ được máy móc, kỹ thuật.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dien-anh-va-cong-nghe-4-0-nhieu-co-hoi-lam-thach-thuc-617841/