Điện ảnh sẽ thay đổi ra sao khi dịch bệnh qua đi?

Gần như toàn bộ ngành giải trí bị tê liệt trong ba tháng đầu năm 2020, và điện ảnh không phải ngoại lệ. Chưa bao giờ bộ môn nghệ thuật thứ bảy đứng trước thách thức lớn đến thế.

Mùa phim hè bom tấn của Hollywood bị xóa sổ Hàng loạt phim bom tấn như “Black Widow”, “Fast & Furious 9”, “Wonder Woman 1984” hoãn chiếu khiến mùa phim hè năm nay không còn tồn tại.

Tình hình dịch bệnh trên khắp thế giới đã đẩy ngành công nghiệp điện ảnh vào tình thế nguy nan. Hàng loạt dự án phim tạm hoãn sản xuất hoặc dời ngày phát hành, còn các hệ thống rạp chiếu phim thì đóng cửa.

Tuần qua, Trung Quốc tiếp tục ban bố lệnh đóng cửa các rạp chiếu phim sau khi vài trăm cụm rạp mở cửa lại được vài ngày. Còn mùa phim hè 2020 dường như đã chính thức khép lại trước khi kịp bắt đầu.

Rạp chiếu đóng cửa, hàng loạt bom tấn hoãn ngày ra mắt

Tính riêng trong năm 2019, ngành công nghiệp điện ảnh thu về 52 tỷ USD bao gồm tiền bán vé, thực phẩm và đồ uống. Lẽ ra, 2020 đã có thể tiếp tục là một năm đầy hứa hẹn đối với Hollywood khi hàng loạt bom tấn hứa hẹn sẵn sàng đổ bộ.

Song, trước diễn biến phức tạp của virus corona, hệ thống rạp chiếu phim trên toàn thế giới đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm thiểu số ghế bán ra khi các biện pháp cách ly, ngăn chặn tụ tập đông người được ban bố.

 Thông tin chủ yếu mà Hollywood đem lại trong khoảng một tháng qua là hoãn phát hành các dự án mới.

Thông tin chủ yếu mà Hollywood đem lại trong khoảng một tháng qua là hoãn phát hành các dự án mới.

Tại Mỹ, doanh thu phòng vé cuối tuần thứ ba của tháng 3 chỉ là vỏn vẹn 260.000 USD - con số thấp kỷ lục trong lịch sử bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Đối mặt với tình trạng không có doanh thu, trong khi vẫn phải bỏ ra các chi phí cố định, nhiều chuỗi cụm rạp tại xứ sở cờ hoa đang trông chờ vào gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD mới được Tổng thống Donald Trump ký hôm 29/3.

Khoản viện trợ có thể giải quyết những khó khăn hiện tại, nhưng Covid-19 sẽ còn gây ảnh hưởng sâu rộng tới ngành công nghiệp điện ảnh trong thời gian dài. Từ các studio lớn cho tới những hãng phim độc lập, tất cả đều đang đứng trước tương lai bất định.

Gần như toàn bộ bom tấn được ấn định ra mắt trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 7 năm nay đều đã lùi ngày khởi chiếu, trong đó phải kể đến No Time to Die, Mulan, Fast & Furious 9, Black Widow hay Wonder Woman 1984. Còn quá trình sản xuất của các dự án lớn như Little Mermaid, Jurassic World: Dominion hay The Batman thì bị ngưng trệ vô thời hạn.

Sự trở lại của các rạp “drive-in” và cuộc đua kỹ thuật số

Đứng trước tình trạng rạp chiếu ngưng trệ, các hãng sản xuất đã tìm cách thay đổi mô hình hoạt động bằng cách tung ra bản phim mềm để khán giả mua hoặc thuê tại nhà.

Mở đầu cho làn sóng này là Universal với The Invisible Man, The Hunt Emma. Đáng chú ý, thay vì hoãn khởi chiếu, ông lớn lên kế hoạch tung ra phim hoạt hình Trolls World Tour vào đúng ngày 10/4, vừa tại các rạp còn hoạt động, vừa trên mạng Internet.

Trolls World Tour là phép thử của Universal trong việc phá vỡ lối phát hành truyền thống nhằm khám phá thị trường người xem trực tuyến.

Cũng sớm xuất hiện trên mạng còn có Birds of Prey của Warner Bros., Bloodshot của Sony hay Onward của Disney. Đây đều là những cái tên mới trình chiếu ngoài rạp trong tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu Lightshed Partners, đây thực tế chỉ là giải pháp tạm thời bởi phiên bản online không thể mang lại doanh thu khổng lồ như ngoài rạp chiếu. Cụ thể, 9 bộ phim đem về khoảng 1 tỷ USD trong năm 2019 tương đương với khoảng 10 triệu bản mềm cần bán trên không gian mạng.

Khách hàng - những người dù đang buồn chán vì bị kẹt trong nhà - cũng sẽ sớm nhận ra sự chênh lệch giữa việc phải bỏ ra 20 USD chỉ để xem một bộ phim mới với những dịch vụ trực tuyến kiểu Netflix vốn luôn “bồi đắp” nội dung mới hàng tuần mà chẳng thu thêm phụ phí.

Hình ảnh một rạp chiếu drive-in phục vụ khán giả.

Tình cảnh đình trệ của các rạp chiếu phim hóa ra lại khiến một bộ phận công chúng Mỹ trở nên hoài cổ. Điều đó thể hiện qua sự trở lại của các rạp drive-in (bãi chiếu phim cho người lái xe ôtô). Trong thập niên 1950 và 1960, có khoảng 4.000 rạp chiếu kiểu này trên toàn nước Mỹ.

Con số tuột dốc không phanh xuống còn gần 2.000 vào những năm 1970, và tính tới năm 2020 thì chỉ còn khoảng 305, chủ yếu tập trung tại Pennsylvania, Ohio và New York. Các rạp drive-in dường như đã đảm bảo yếu tố cách ly khi khán giả cứ thế ngồi yên trong xe ôtô, cách xa với người khác, và dõi theo màn hình.

Điện ảnh thời cách ly xã hội

Thật trớ trêu khi chứng kiến thời kỳ ngành công nghiệp phim ảnh phải dựa vào dịch vụ trực tuyến - thứ mà chỉ vài năm trước còn gây tranh cãi là sẽ bóp chết khái niệm “điện ảnh” mãi mãi. Xem phim trên màn hình điện thoại hay laptop hẳn không thoải mái như ngồi trong rạp, nhưng giờ đây lại trở thành lựa chọn tối ưu.

Những tranh cãi về việc thế nào mới là “điện ảnh”, sự đối đầu giữa các studio và dịch vụ truyền hình trực tuyến, giờ đã trở nên kém quan trọng so với câu hỏi về tương lai của cả một nền nghệ thuật hay một ngành công nghiệp.

Liệu các studio còn có thể trụ được bao lâu nếu như tình hình dịch bệnh kéo dài thêm vài tháng? Liệu các nhà làm phim độc lập nhỏ lẻ còn có thể làm phim nữa không? Liệu những khán giả còn khả năng chi trả cho việc xem phim - dù đó là 20 USD tiền vé ngoài rạp hay thuê chúng để xem tại nhà?

Có những trải nghiệm điện ảnh chỉ rạp chiếu phim mới có thể mang lại.

Có những giá trị rạp chiếu phim mang lại mà trải nghiệm xem phim tại gia hẳn sẽ không bao giờ đạt được. Hai năm trước, A Quiet Place khiến cả thế giới phải bất ngờ vì bầu không khí câm lặng kịch tính. Tác phẩm của đạo diễn John Krasinski là bậc thầy về kỹ thuật sử dụng âm thanh và sự im lặng để đẩy nhịp độ lên mức nghẹt thở. Có một điều mà tất cả phải đồng ý rằng đây là bộ phim phải xem ở rạp thì mới có thể cảm nhận được hết sức mạnh mà nó muốn truyền tải.

Chỉ khi ngồi giữa một không gian tối với hàng chục người xa lạ, khán giả mới cảm nhận rõ được từng hơi thở bị dồn nén trong bầu không khí đậm chất điện ảnh. Bởi thế mà đạo diễn John Krasinski đã nhất quyết nhấn mạnh: “Tôi sẽ chờ tới lúc tất cả có thể thoải mái cùng nhau thưởng thức A Quiet Place Part II”.

Nhiều nhà làm phim chia sẻ suy nghĩ ấy của Krasinski. Trong khi không ít đồng nghiệp của anh chọn cách đưa phim tới dịch vụ trực tuyến, số khác vẫn muốn trải nghiệm điện ảnh của khán giả cần phải trọn vẹn.

Rod Lurie, chủ nhân của bộ phim chiến tranh The Outpost vốn dự kiến ra mắt tại South by Southwest trước khi sự kiện này bị hủy vì virus corona, đã chọn cách không đưa phim lên mạng. “Đây là một bộ phim ác liệt được xây dựng với quy mô lớn để khán giả đắm chìm vào trong đó. Tôi muốn người xem có thể theo dõi nó trọn vẹn, điều mà màn hình điện thoại không thể làm được”, anh giải thích.

Sự tương tác giữa khán giả - khán giả, khán giả - bộ phim, yếu tố “wow” choáng ngợp từ CGI là những thứ vốn được Hollywood sử dụng như phương thức marketing nhằm chống lại sự dịch chuyển văn hóa và công nghệ, nay lại đem đến đòn chí mạng cho toàn bộ ngành công nghiệp.

Khán giả sẽ thay đổi sau quãng thời gian dài theo dõi các bộ phim tại nhà.

Khái niệm “điện ảnh” và “bom tấn điện ảnh” có thể sẽ thay đổi. Ngồi trước TV hoặc màn hình iPad, sự quan tâm về hiệu ứng hình ảnh hay chuỗi hành động hoành tráng giờ đây nhường chỗ cho thắc mắc về lỗ hổng kịch bản. Studio lớn sẽ ít có cơ hội che mắt người xem bằng chuỗi CGI cháy nổ đến hoa mắt ù tai.

Thành công của những tựa phim trực tuyến như Stranger Things, Black Mirror, The Mandalorian đều đến từ sự kết hợp giữa nội dung độc đáo cùng phần “nhìn” ấn tượng nhưng không cần quá nhiều sự đầu tư. Biết đâu trong một vài năm tới, với sự lên ngôi của mảng phim online, các nhà sản xuất bom tấn của Hollywood sẽ buộc phải thay đổi phương thức tiếp cận khán giả để xây dựng những nội dung sâu sắc hơn, thay vì đưa ra hàng loạt sản phẩm của một guồng máy kiểu công nghiệp.

Như Ngọc

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dien-anh-se-thay-doi-ra-sao-khi-dich-benh-qua-di-post1066687.html