Điện ảnh Mỹ u ám vì Covid-19, gần 150 nghìn nhân viên thất nghiệp

Hiện nay, trong toàn ngành kỹ nghệ điện ảnh Hoa Kỳ, có tới gần 150.000 nhân viên vẫn đang thất nghiệp. Doanh thu của các rạp chiếu phim ở Xứ cờ hoa tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19.

 Hiện nay, một số bang ở Hoa Kỳ vẫn đóng cửa các rạp phim.

Hiện nay, một số bang ở Hoa Kỳ vẫn đóng cửa các rạp phim.

Thờ ơ với chuyện ra mắt phim mới

Theo công ty tư vấn Gower Street, tính tới đầu tháng 8/2020, 48% các rạp chiếu phim trên toàn cầu đã được mở lại. Tỷ lệ này vào giữa tháng 7 chỉ là 28%. Nhiều nước châu Âu, Nga và Trung Quốc đã dần dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, trong khi tình hình ở Hoa Kỳ vẫn rất phức tạp.

Điện ảnh Hoa Kỳ vẫn u ám vì Covid-19. Ảnh: AP

Các rạp chiếu phim tại 2 thành phố: Los Angeles và New York vẫn chưa được mở cửa trở lại. Những biện pháp an toàn vệ sinh trong các rạp chiếu phim thay đổi tùy theo từng bang. Tại bang Montana, các rạp chiếu phim không được đón tiếp hơn 80% khán giả. Còn ở các bang Nevada, Colorado, Vermont, Florida hay Texas, số người xem tối đa trong phòng chiếu phim là khoảng 60%. Các bang California, New Mexico, North Carolina hay New York vẫn duy trì lệnh đóng cửa các rạp chiếu phim.

Tổng cộng chỉ có khoảng 950 rạp được mở cửa trên tổng số 40.759 rạp chiếu phim trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, tức chỉ bằng 2,4%. Bù lại, những người mê điện ảnh vẫn có thể đi xem phim tại các rạp chiếu phim di động (drive-in), rạp chiếu phim ngoài trời, chiếm tới 64% doanh thu của ngành điện ảnh Mỹ hiện nay. Điều đó giải thích vì sao các hãng phim lớn không mấy sốt sắng trong việc cho ra mắt phim mới.

Bộ phim Hoa Mộc Lan với ngôi sao hạng A của Trung Quốc Lưu Diệc Phi thủ vai chính là một trường hợp cá biệt. Phim được phát hành trực tuyến trên mạng Disney+ nhưng người xem phải chịu trả giá đắt là 29 USD, trong khi giá vé xem phim tại rạp ở Mỹ trung bình chỉ là 12 USD. Điều đó đã khiến cho Disney+ bị cư dân mạng chỉ trích, cho rằng về mặt nội dung Disney+ chẳng những nghèo hơn Netflix, mà chi phí lại cao.

Cơ hội cho phim trực tuyến

Ngay cả đối với những người lạc quan nhất trong ngành điện ảnh, tình hình ngày càng trở nên khó khăn đối với Hoa Kỳ. Bị buộc phải đóng cửa kể từ giữa tháng 3, hai hệ thống phân phối phim lớn nhất của Mỹ là AMC và Regal đã thông báo mở lại 35.000 rạp chiếu phim vào ngày 21/8/2020.

Theo ông Adam Aron, Giám đốc điều hành tập đoàn AMC Entertainment, trong thời gian qua, công ty này đã lỗ hơn 560 triệu USD.

AMC Entertainment đã lỗ hơn 560 triệu USD trong năm 2020. Ảnh Reuters

Trong thời gian ngưng hoạt động, AMC đã buộc phải tăng cường dịch vụ cho thuê phim trên mạng. Tập đoàn này cũng đã gây tranh cãi khi ký một thỏa thuận với công ty Universal, cho phép hãng phim này thuê một bộ phim mới, chỉ 17 ngày sau khi phim được chiếu ở rạp.

Tập đoàn Regal, công ty cạnh tranh với AMC hoàn toàn không tin tưởng vào chiến lược này, một biện pháp mà theo Ban giám đốc điều hành Regal, có thể có lợi ở trước mắt, nhưng lại hàm chứa nhiều điều tai hại về lâu về dài, nhất là trong bối cảnh các mạng phim trực tuyến Netflix, Amazon, Disney+ đều là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, linh hoạt và nhanh nhẹn hơn trong các dịch vụ trên mạng so với các công ty phát hành phim theo kiểu truyền thống.

Các rạp chiếu phim thuộc 2 hệ thống phân phối AMC cũng như Regal sẽ mở lại kể từ ngày 21/8, nhưng trong thời gian đầu, khán giả Hoa Kỳ chỉ chủ yếu được xem những bộ phim cũ với giá mềm. Chẳng hạn như xem lại bộ phim Inception của đạo diễn Christopher Nolan với giá 5 USD mỗi suất, còn trẻ em được xem bộ phim Sonic chỉ với giá 3 USD. Thời điểm khởi động lại thực sự các rạp chiếu phim rơi vào ngày Lễ Lao động của Hoa Kỳ (7/9) khi đại đa số người Mỹ được nghỉ ở nhà trong 3 ngày liền.

Chiến dịch Giải cứu rạp chiếu phim

Các rạp chiếu phim tại Mỹ khó thể chờ đợi lâu hơn được nữa, sự tồn tại còn phụ thuộc nhiều vào doanh thu phòng vé. Các nhà quản lý rạp chiếu phim đều hy vọng là các hãng phim lớn như Warner Bros, Paramount hay là Disney đều chấp nhận luật chơi mới: cho ra mắt các bộ phim bom tấn (blockbuster) như: Tenet, Mulan, Without A Noise (phần 2) hay là Top Gun: Maverick, mặc dù toàn bộ các rạp chiếu phim Mỹ vẫn chưa được mở lại và một số tiểu bang vẫn còn duy trì lệnh cấm.

Để tránh cho các rạp chiếu phim bị phá sản, Tổ chức quốc gia các chủ rạp hát (National Association of Theatre Owners) đã tung chiến dịch Giải cứu rạp chiếu phim (Save Your Cinema). Qua cuộc vận động hành lang này, các nhà phân phối yêu cầu được gia hạn việc thanh toán các khoản tiền nợ, cho vay thêm vốn với điều kiện thuận lợi hơn, phía các khán giả cũng có thể ủng hộ các rạp phim bằng cách ứng tiền mua trước vé xem phim, để tặng cho bạn bè hay người thân. Vé xem phim sau đó có thể được sử dụng vào một thời điểm thích hợp hơn.

Một buổi chiếu phim ngoài trời tại Los Angeles vào ngày 31/7/2020. Ảnh Reuters

Theo ông John Fithian, giám đốc điều hành Tổ chức các chủ rạp hát, vì vẫn còn thiếu nhiều rạp chiếu phim, cho nên các hãng phim lớn liên tục dời lại việc ra mắt phim ở rạp. Nhưng các rạp chiếu phim lại cần các blockbuster để thu hút khán giả. Thiếu phim thương mại, thì các phòng chiếu phim thà ngưng hoạt động còn hơn là mở cửa nhưng lại vắng khách.

Các hãng phim cũng như giới phân phối lâm vào bế tắc một khi rơi vào vòng luẩn quẩn. Theo ông John Fithian, tình trạng này càng kéo dài thì càng có nhiều người có nguy cơ bị phá sản trong tương lai. Theo dự đoán của các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh Hoa Kỳ, từ đây cho tới cuối năm, có ít nhất 20% các chủ rạp phim sẽ phải đóng cửa luôn các phòng vé, nhất là các công ty hoạt động theo mô hình độc lập.

Nguồn: Reuters

N.A

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dien-anh-hoa-ky-van-u-am-vi-covid-19-gan-150-nghin-nhan-vien-that-nghiep-20200814162548305.htm