Điện ảnh Iran: Bí quyết gặt hái hơn 4000 giải thưởng quốc tế

Đây là con số ngạc nhiên được nhiều người chờ đợi đáp án tại Hội thảo 'Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran' vừa được tổ chức ngày 29/10 trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF).

Iran được biết đến với nền điện ảnh khá lạ kỳ khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Các phim Iran vượt biên giới ra nước ngoài không phải nhờ hệ thống phát hành thương mại toàn cầu mà bởi chất lượng nghệ thuật cao và sự độc đáo. Vậy những yếu tố gì tạo nên sự thành công của điện ảnh Iran, thế hệ trẻ của nền điện ảnh quốc gia này đang duy trì những thành công đã có như thế nào và điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi gì từ nước bạn?

Quyến rũ bằng vẻ đẹp riêng

Đến với HANIFF năm nay, điện ảnh Iran gửi 9 phim tham dự (trong đó có 8 phim chiếu trong chương trình điện ảnh thế giới và 1 phim dài dự thi) thể hiện bức tranh đa màu sắc về đất nước này. Khán giả yêu thích điện ảnh có thể thưởng thức những bộ phim Iran đặc sắc đang được trình chiếu miễn phí trong khuôn khổ HANIFF tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia gồm: The Home, Taste of Cherry, Kupal, A special day, The Salesman, The white balloon, Reza và Invasion.

Cảnh trong phim The dark room tham gia dự thi tại HANIFF. (Nguồn: Ifilm)

Ba đạo diễn nổi tiếng có tác phẩm trong chùm phim này đều đã giành được nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế danh giá trên thế giới như: Đạo diễn Jafa Panahi với bộ phim “White balloon” (giành giải Camera vàng LHP Cannes 1995), đạo diễn Abbas Kiarostami với bộ phim “Taste of Cherry” (giành giải Cành cọ vàng LHP Cannes 1997). đạo diễn Asghar Farhadi với bộ phim The Salesman (giành giải Kịch bản hay nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất LHP Cannes 2016).

Có thể nói, phim Iran được giới thiệu tại Việt Nam là minh chứng sống động cho những tác phẩm điện ảnh không quyến rũ người xem bằng kỹ xảo hay thủ pháp ghi hình cao cấp, mà đơn giản chỉ là kể một câu chuyện hay với thế giới đầy ắp những niềm thương và chút luyến tiếc… Đặc biệt, những bộ phim này giàu tính nhân văn và lại gây xúc động ở những điều bé nhỏ và thường nhật. Các nhà làm phim Iran đã đưa thế giới đến với đất nước của mình, đồng thời giới thiệu đất nước Iran với thế giới một cách thuyết phục. Thông qua những câu chuyện trong phim, người xem cũng có thể hiểu được văn hóa, tín ngưỡng, đời sống xã hội Iran hôm nay.

Đạo diễn Rouhollah Hejazi của bộ phim The dark room (Phòng tối) tham gia dự thi hạng mục Phim truyện dài của HANIFF chia sẻ rằng, hơn 80% bối cảnh của phim Iran đều là cảnh thực và thực tế không có nhiều cảnh dựng trong quá trình làm phim. Khi được hỏi về thị trường phim trong nước, anh cho biết, Iran không chiếu phim Mỹ tại rạp chiếu phim. Nhưng đổi lại, mỗi năm Iran sản xuất hàng trăm phim truyện và phim truyền hình để phục vụ khán giả.

Cũng theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan – Giám đốc HANIFF, trong khi hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cách làm phim Hollywood, thì Iran là nền điện ảnh hiếm hoi trên thế giới không chịu ảnh hưởng bởi cách làm phim nào. Sự bền bỉ trong việc duy trì vẻ đẹp riêng mình đã tạo nên bản sắc của điện ảnh Iran.

Đầu tư LHP có trọng điểm

Nhà phê bình phim Iran Mohammad Attebbai cho biết, đến cuối tháng 10/2018, tổng số phim tham gia LHP quốc tế là hơn 40.000 phim. Tổng số giải thưởng quốc tế của nền điện ảnh này đã đạt được là hơn 4000 phim, trong đó 152 phim có được giải thưởng là trước cách mạng Hồi giáo 1979.

Ông Mohammad Attebbai khẳng định, một trong những yếu tố mang lại thành công cho điện ảnh Iran là sự nỗ lực không ngừng đưa phim đến với các LHP quốc tế. Ông kể lại câu chuyện từ đầu những năm 1980 khi ông làm việc cho một quỹ phim Iran nhằm quảng bá và xúc tiến phim ra thế giới. Hồi đó, quỹ này từng gửi 300 bức thư đến các LHP nhưng chỉ nhận được 2 phản hồi. Những thời gian sau, điện ảnh Iran ngày càng được đón nhận nhiều hơn tại các LHP.

Tuy nhiên, cũng theo ông Mohammad Attebbai thì sự đầu tư nào cũng cần có trọng điểm. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 300 LHP, thì hiện nay phải có tới hàng chục nghìn các LHP trên khắp thế giới. Các LHP này được lại chia làm 3 loại: chính thống, có tồn tại và giả mạo. Vì vậy, việc đưa phim đến các LHP cần phải có sự chọn lọc, đầu tư đúng chỗ để tránh bị tổn thất và mất uy tín cho nền điện ảnh của quốc gia.

Nói về thành công hiện tại của điện ảnh Iran, đạo diễn Kazem Mollaie chia sẻ, phim của Iran hầu hết đều lọt vào các hạng mục chính của các LHP quốc tế. Trước đây, Iran sản xuất 60 phim truyện mỗi năm, nhưng vừa qua đã tăng lên 150 phim truyện mỗi năm. Đáng chú ý, 90% số phim do Iran sản xuất được chiếu tại các LHP quốc tế, cho thấy chất lượng các phim của Iran được công chúng đánh giá cao.

Bản lĩnh của những nhà làm phim

Nổi tiếng với một nền điện ảnh khắc nghiệt nhưng các nhà làm phim Iran luôn có cách để đối diện với những thách thức và hiểm nguy. Còn nhớ bộ phim Offside (Việt vị) vào năm 2006 kể về một nhóm phụ nữ muốn xem thể thao nhưng bị gạt ra ngoài lề, chỉ vì là phái nữ. Phim giành giải Gấu Bạc LHP Berlin, nhưng đạo diễn Jafar Panahi đã bị chính quyền kết án 6 năm tù giam và 20 năm không được quay phim hay sáng tác.

Hay như, nữ diễn viên nổi tiếng Leila Hatami tham gia bộ phim A Seperation (Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất 2012) đã từng bị chính quyền và dư luận bảo thủ tại quê hương cô yêu cầu truy tố với hình phạt quật 50 roi và bỏ tù chỉ vì tội… hôn má xã giao với ngài Gilles Jacob - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes năm 2014.

Cảnh trong phim Offside. (Nguồn: MoMa)

Maziar Bahari - một nhà làm phim tài liệu từng nói với The Guardian rằng, kiểm duyệt là một tác hại lớn đối với các nghệ sĩ của Iran. Thế nhưng, cũng không hẳn vậy, bởi trong sự khắc nghiệt ấy, Iran lại tạo ra một thế hệ những người làm phim với một đam mê lớn và luôn tìm mọi cách để vượt qua thử thách.

Đạo diễn Shahram Mokri chia sẻ: "Tình dục và bạo lực là hai đề tài không thể chiếu ở điện ảnh Iran. Nhưng để làm phim, chúng tôi tìm cách xử lý qua ánh sáng, âm thanh, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật để lột tả về bạo lực và tình dục". Đạo diễn Rouhollah Hejazi cũng cho rằng: "Chúng tôi đã làm những bộ phim với ngân sách rất thấp, với những diễn viên không chuyên nghiệp, kỹ thuật cũng không cao siêu nhưng chúng tôi làm tất cả bằng tình yêu với điện ảnh".

Cũng theo đạo diễn Kazem Mollaie, các nhà làm phim độc lập Iran thường phải chủ động tìm nguồn vốn hoặc vay ngân hàng tư nhân, thậm chí có những bộ phim khi phát hành xong không trả được nợ. Tuy nhiên, thế mạnh của những nhà làm phim độc lập là được chủ động sáng tạo và làm những gì mình muốn trong khả năng. Mỗi khi gặp những khó khăn về kiểm duyệt thì bản thân họ lại thu thập được những kinh nghiệm để chuyển đổi nó bằng những cách thức sáng tạo hơn.

“Chúng tôi tích cực gửi phim đến các LHP vì được truyền cảm hứng từ thế hệ đi trước. Chúng tôi là tương lai của điện ảnh Iran và luôn tìm cách vượt qua những khó khăn mà chúng tôi gặp phải”, anh Kazem Mollaie nói.

Bài học gì cho điện ảnh Việt Nam?

Nghe câu chuyện về bản sắc, kiểm duyệt, kinh phí…của các nhà làm phim Iran, những người có mặt ở hội thảo này đều nhận ra nó quá gần gũi với nền điện ảnh của Việt Nam.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: An Bình)

Là người từng xem và học hỏi được nhiều từ phim Iran, NSND Đặng Nhật Minh cho biết, ông luôn ngưỡng mộ nhân cách nghệ sĩ ở các đạo diễn Iran – những người làm phim dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng biết cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện đời thường một cách hay và hấp dẫn. Cũng theo NSND Đặng Nhật Minh, thành công của điện ảnh Iran đã chứng minh giá trị bộ phim phụ thuộc vào con người, chứ không phải tiền bạc. Sức sống của nó gắn liền với người dân, những thân phận bình thường và đấu tranh cho hiện thực.

Các đạo diễn Iran cũng khẳng định, thế hệ làm phim tương lai của đất nước này sẽ vẫn tiếp tục mở rộng ra thị trường thế giới, trong đó hướng đến khán giả Việt Nam bằng những bộ phim hấp dẫn hơn. Trong bối cảnh điện ảnh Việt hiện tại, đây chính là cơ hội giúp các nhà làm phim Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm quý từ một nền điện ảnh diệu kỳ như vậy.

An Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-anh-iran-bi-quyet-gat-hai-hon-4000-giai-thuong-quoc-te-80547.html