Điện ảnh Hongkong có thể trở lại thời vàng son?

Hongkong từng được ngợi ca là 'Hollywood phương Đông' trong những năm 1990, nhưng nền điện ảnh tại đây dần tuột dốc không phanh. Các nhà làm phim, sản xuất địa phương đang nỗ lực tìm hướng khôi phục và tái sinh ngành công nghiệp hốt bạc này.

“Men on the Dragon”.

“Men on the Dragon”.

Thời điểm hoàng kim của điện ảnh Hongkong diễn ra giai đoạn đầu những năm 1990. Lúc đó trung bình mỗi năm Hongkong sản xuất khoảng 200 phim, có khi lên đến đỉnh cao với 400 phim; trở thành nơi xuất khẩu phim lớn thứ hai trên thế giới. Năm 1992, các bộ phim địa phương thu về hơn 1,2 tỉ HKD, chiếm gần 80% tổng doanh thu phòng vé. Đây cũng là thời điểm tạo ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên xuất sắc cho Hongkong và châu Á, có sức lan tỏa đến Hollywood: Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Trương Quốc Vinh, Hồng Kim Bảo, Lương Triều Vỹ…

Tuy nhiên, rực rỡ đó không kéo dài. Hai thập niên sau, điện ảnh Hongkong tuột dốc không phanh. Những năm 1990 nơi đây có đến 119 rạp chiếu, gồm 121.800 ghế, nhưng đến năm 2017 những con số này lần lượt là 48 và 36.500. Tổng doanh thu phòng vé năm 2017 chỉ còn khoảng 250 triệu HKD, chỉ bằng khoảng 1/5 so với trung bình những năm 1990. Đến năm 2018, lượng phim Hongkong được sản xuất chỉ dừng lại ở số 53. Chuyện gì đã và đang xảy ra với điện ảnh Hongkong?

Có rất nhiều nguyên nhân được phân tích. Nhà sản xuất John Chong cho rằng sự bùng nổ của thị trường, đặc biệt là sự chiếm lĩnh của các phim nước ngoài, đã làm ngành công nghiệp điện ảnh Hongkong không ổn định và dễ bị tác động. Nhiều nhà làm phim vội vã sản xuất những tác phẩm mà không có sự đầu tư về nội dung, thậm chí còn sao chép ý tưởng từ các phim khác, thiếu bản sắc. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến điện ảnh Hongkong bị khán giả quay lưng. Mặt khác, sự tấn công ồ ạt của phim Hollywood với những công nghệ tiên tiến, đã khiến các nhà làm phim Hongkong bị “đuối” và lép vế về nhiều mặt, cơ hội ra rạp cũng ít đi.

Trong khi đó, năm 2003, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) - thỏa thuận thương mại tự do giữa Hongkong và Trung Quốc đại lục ra đời, đánh dấu bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp điện ảnh Hongkong với nhiều cơ hội và thách thức. Hiệp ước cho phép phim Hongkong được miễn hạn ngạch nhập khẩu ở đại lục, mở ra cơ hội hợp tác khi phim của xứ Cảng Thơm được phân phối dưới dạng phim nội địa ở đại lục. Việc mở rộng thị trường này càng khiến nhà làm phim, biên kịch, đội ngũ sản xuất Hongkong phải cạnh tranh gay gắt; khiến nhiều đạo diễn, diễn viên, biên kịch từ Hongkong đã đổ bộ sang Trung Quốc để làm việc, xuất hiện hiện tượng “chảy máu chất xám”. John Chong cho rằng điều này đã làm cạn kiệt các tài năng điện ảnh, để lại đằng sau một ngành công nghiệp già cỗi, hỗn loạn.

Trước thực tế này, các nhà quản lý và hoạt động trong ngành điện ảnh Hongkong đang nỗ lực khôi phục ngành điện ảnh địa phương. Wilfred Wong Ying-wai, Chủ tịch Hội đồng phát triển phim Hongkong, cho biết các nhà quản lý điện ảnh Trung Quốc cho phép các nhà làm phim và điện ảnh Hongkong được hợp tác và có quyền tranh cử tại các giải thưởng của Đại lục. Tuy nhiên, nhà sản xuất Điền Khải Văn - Chủ tịch Liên đoàn các nhà làm phim Hongkong, bày tỏ lo ngại rằng các sản phẩm hợp tác sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho ngành công nghiệp điện ảnh địa phương, nhất là việc kiểm soát nội dung chặt chẽ của thị trường Đại lục đã phần nào kìm hãm sự sáng tạo. “Điều đó làm cho phim Hong Kong đang mất dần cá tính và sức hấp dẫn riêng biệt”, nhà sản xuất Điền Khải Văn cho biết thêm. Nhà phê bình văn hóa Jimmy Pang Chi-ming cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng Hongkong dần đánh mất bản sắc nếu cứ chiều theo các thị trường.

Wong Ying-wai- Chủ tịch Hội đồng phát triển phim Hongkong, chia sẻ rằng, đang có nhiều động thái chứng tỏ sự quan tâm, đầu tư phát triển điện ảnh địa phương. Theo đó, quỹ tài trợ một tỉ HKD được thành lập để tập trung phát triển điện ảnh trong nhiều năm tới, gọi là Quỹ Phát triển phim Hongkong. Bên cạnh đó còn có hàng loạt tổ chức hỗ trợ điện ảnh được thành lập, trong đó có không ít kinh phí hỗ trợ cho việc sản xuất phim và đào tạo nhân lực. Mức hỗ trợ cho dự án phim có tiềm năng cũng được tăng từ 25 triệu HKD lên 60 triệu HKD.

Nhiều kế hoạch khác cũng đã được triển khai để tăng cường sự phát triển của ngành, như việc gửi các tài năng điện ảnh địa phương vào các chương trình thực tập ở nước ngoài, mở rộng phim Hongkong ở thị trường châu Á, tổ chức các chương trình trợ cấp cho các dự án phim độc lập, tăng lợi thế cạnh tranh tại các liên hoan phim quốc tế. Ông Wilfred Wong Ying-wai nói: “Chúng tôi cần bắt đầu xây dựng lại sự hấp dẫn của ngành công nghiệp phim ảnh và giành lại khán giả của mình. Chúng tôi có thể không thể khôi phục hoàn toàn những vinh quang trong quá khứ, nhưng với thành công gần đây của các nhà làm phim trẻ, chúng tôi tin tưởng rằng phim Hongkong có thể thiết lập một vị trí mới ở châu Á”.

Những nỗ lực đó dường như đang có kết quả tốt, khi “Still Human” và “Men on the Dragon” - hai dự án được tài trợ bởi Quỹ Phát triển phim Hongkong, đều đạt được thành công vang dội vào năm 2019. Trong đó “Still Human” giành 3 giải Kim Tượng: Đạo diễn mới xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Diễn viên mới xuất sắc; đồng thời chiến thắng tại Ý, ở Liên hoan phim Viễn Đông với hạng mục Lựa chọn của khán giả và nhà phê bình. Sự thành công này được cho là bước đệm để điện ảnh Hongkong tái sinh và kỳ vọng làm nên những điều mới mẻ trong tương lai.

BẢO LAM
(Theo South China Morning Post, Hollywoodreporter, Screendaily)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dien-anh-hongkong-co-the-tro-lai-thoi-vang-son-a121844.html