Điện ảnh Ba Lan và những cơ hội cho Việt Nam

Hội thảo 'Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan' - một sự kiện nổi bật diễn ra sáng nay (28/10) trong Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ V.

Tham dự có Ngài Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam; Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức HANIFF 2018; GS. Andrej Pitrus (Trường Đại học Jagiellonian, Ba Lan); Giám đốc điều hành Quỹ phim ASEAN Miguel Dela Rosa…

Ba Lan là một nước có nền điện ảnh lớn với nhiều bộ phim đoạt giải cao tại các Liên hoan phim quốc tế danh tiếng như: Cannes, Toronto, Oscar… Đây cũng là quê hương của nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới như: Andzey Vajda, Roman Planski... Năm 2015, bộ phim "Ida" của Pawel Pawlikowski giành giải thưởng Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Năm 2017, điện ảnh Việt Nam và Ba Lan đã ký kết hợp tác nhằm góp phần quảng bá sự đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản điện ảnh, trao đổi các tác phẩm điện ảnh cũng như kinh nghiệm làm điện ảnh giữa hai nước.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Ngô Phương Lan nhận định, năm nay đội hình làm phim Ba Lan đến với Việt Nam đầy đủ nhất, ấn tượng nhất từ trước đến nay. Điện ảnh Ba Lan có những thành công quốc tế vang dội, mang tính nhân văn cao. Trong liên hoan phim lần này cũng có sự góp mặt những bộ phim kinh điển của Ba Lan.

Điện ảnh Ba Lan trở thành tiêu điểm của HANIFF 2018. (Nguồn: TTXVN)

"Đó đều là những bộ phim xuất sắc, từng là tác phẩm lớn của điện ảnh thế giới hoặc mới được trao giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Qua đó, chúng ta có thể học tập được nhiều ở nền điện ảnh của nước dù không lớn nhưng lại thành công ở quốc tế vang dội", Cục trưởng Ngô Phương Lan nói.

Hội thảo sẽ xoay quanh ba chủ đề chính. Thứ nhất, những chính sách thúc đẩy điện ảnh Ba Lan phát triển và những tham khảo cho Việt Nam. Thứ hai, những đóng góp của Andrzej Wajda đối với sự phát triển của điện ảnh Ba Lan, với điện ảnh thế giới và Việt Nam. Cuối cùng, triển vọng hợp tác giữa điện ảnh Ba Lan với các nhà làm phim trong khối ASEAN.

“Qua hội thảo này, tôi hy vọng sẽ đặt nền móng cho quan hệ hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và Ba Lan. Sự vươn lên của con người Ba Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Nhờ có sự đồng cảm ấy, tôi tin trong tương lai hợp tác về điện ảnh giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018, 10 tác phẩm mang đậm dấu ấn của điện ảnh Ba Lan sẽ được trình chiếu trong dịp này. Trong đó có "Ashes and Diamonds" (Tro tàn và Kim cương - 1958) của đạo diễn Andrzej Wajda. Bộ phim được coi là dấu mốc lịch sử của điện ảnh Ba Lan, có bối cảnh vào thời điểm quân Đức đầu hàng quân Đồng Minh sau Thế chiến thứ hai. Phim từng giành giải: Phim hay nhất của Viện Hàn lâm Anh Quốc (1960), Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice (1959).

Ngoài ra còn có phim: "Nights and Days" (Đêm và Ngày - 1975) của đạo diễn Jerzy Antczak, từng giành giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 1977; "The Promised Land" (Miền đất hứa - 1975) của đạo diễn Andrzej Wajda, đã được trao giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Moscow (1975); "The Pianist" (Nghệ sĩ dương cầm - 2002) của đạo diễn Roman Polanski, từng giành 3 giải Oscar cho Nam chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể cùng đề cử Phim hay nhất năm 2003); "Ida" (2013) của đạo diễn Pawel Pawlikowski - Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2015...

Bộ phim "Ashes and Diamonds" được coi là dấu mốc lịch sử của điện ảnh Ba Lan.

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Wojciech Gerwel cho rằng, Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng. Đặc biệt, Ba Lan trở thành quốc gia tiêu điểm điện ảnh có ý nghĩa và đánh dấu mốc quan trọng khi năm nay Ba Lan kỷ niệm 100 năm giành lại nền độc lập.

“Trong những ngày tới, 10 bộ phim của Ba Lan sẽ được trình chiếu tại HANIFF. Chúng ta sẽ cùng đi qua chặng đường phát triển của điện ảnh Ba Lan. Trong khi đó, không cần thiết phải đến Ba Lan, chúng ta có thể ngồi tại các rạp chiếu phim ở Hà Nội. Có lẽ, quyền năng của điện ảnh cho phép chúng ta có thể nhìn thấy được thế giới từ các góc độ khác nhau. Từ những góc nhìn mới mẻ giúp chúng ta có thể nhìn thấu sự khác biệt giữa các nền văn hóa”, Đại sứ Wojciech Gerwel bày tỏ.

Như vậy, với mạch nguồn đó, HANIFF lần thứ V sẽ đem lại cơ hội tuyệt vời để tạo nhịp cầu kết nối văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan. “Tôi hy vọng rằng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa, điện ảnh Ba Lan. Đồng thời, để nền điện ảnh Ba Lan có thể nắm bắt được người xem từ góc nhìn tổng quan. Chúng ta sẽ cùng nhau gìn giữ và tận dụng cơ hội này để kết nối với nhau”, Đại sứ Wojciech Gerwel chia sẻ.

Đồng thời Đại sứ Wojciech Gerwel cũng động viên, khuyến khích các nhà làm phim Việt Nam đi sang Ba Lan để tìm hiểu. “Tôi tin tưởng thực tiễn sẽ còn vượt qua các kỳ vọng bởi Ba Lan là quốc gia đa dạng hơn những gì các bộ phim truyền tải”, Đại sứ Wojciech Gerwel nhấn mạnh.

Nói về những hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Ba Lan, Đạo diễn-NSND Nhuệ Giang chia sẻ, xem phim Ba Lan, bà hình dung ra đất nước ấy có phong cách đặc biệt. Nếu như xem nhiều, chúng ta sẽ nhận ra được tính cách của một dân tộc qua điện ảnh. Ngay từ xa xưa, điện ảnh Ba Lan khá thân thiết với Việt Nam.

"Qua Liên hoan phim, tôi hy vọng vào những tài năng, hy vọng vào những kịch bản có thể nói lên được các mối quan hệ giữa hai nước. Qua những hợp tác đó, tôi mong sẽ có nhiều tài năng điện ảnh được nảy mầm”, NSND Nhuệ Giang cho hay.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dien-anh-ba-lan-va-nhung-co-hoi-cho-viet-nam-80447.html