Điểm yếu chung của những sinh viên mới tốt nghiệp

Đến hẹn lại lên, mỗi năm khi sinh viên ra trường tìm việc, các nhà tuyển dụng lại không ngớt phàn nàn về chất lượng nhân lực. Năm nay, doanh nghiệp đặc biệt dành nhiều lời nhận xét tiêu cực về tinh thần và thái độ làm việc của các bạn trẻ.

Bạn trẻ nên làm thêm khi còn đang học để rèn luyện tinh thần bền bỉ và chuyên nghiệp.

Anh D., 23 tuổi, vừa ra trường được vài tháng và bắt đầu công việc tại một doanh nghiệp ở TPHCM. D. được giao nhiệm vụ chuẩn bị giấy tờ theo quy trình thế chấp sổ đỏ với ngân hàng. Một sinh viên mới ra trường như anh chưa bao giờ thay mặt doanh nghiệp để làm nhiệm vụ phức tạp như vậy. D. lúng túng với xấp giấy tờ dày cộp, chạy đi chạy lại nhiều lần mà chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán cùng lời phàn nàn giấy tờ chưa đủ, chưa đúng quy cách từ phía ngân hàng. Kết quả đương nhiên là bị khiển trách và nghi ngờ năng lực, D. cảm thấy sốc, mất tinh thần và muốn bỏ việc.

Kỹ năng chưa có, thái độ làm việc lại yếu

Ông Lou Guenier thuộc Viện đào tạo Intek cho biết rất nhiều phàn nàn từ doanh nghiệp xoay quanh chuyện các nhân viên ít kinh nghiệm thường thiếu sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề, như trường hợp của D.. Họ không biết cách làm việc nhóm mà khả năng làm việc độc lập cũng yếu nốt. Những khiếm khuyết tưởng như mâu thuẫn này làm các công ty phải tốn thời gian để đào tạo, nhưng những người mới này khi nghe sếp khiển trách từ cấp trên lại muốn nghỉ việc. Họ thậm chí không biết cách tiếp nhận phê bình và cải thiện bản thân một cách tích cực. Ông Guenier cho rằng việc giảng dạy đào tạo trong nhà trường dẫn đến việc người học không biết cách suy nghĩ tự lập. Sinh viên mới ra trường chỉ làm theo những điều được giảng trong lớp học mà không thử nghiệm một giải pháp mới cho một vấn đề.

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình, cùng điều kiện kinh tế khá giả hơn thế hệ trước. Điều này một phần gây ra việc họ thiếu lòng quyết tâm, chí tiến thủ và sự bền bỉ, những đặc điểm cần thiết để xây dựng sự nghiệp. Từ đó, có những trường hợp không thể quen với thời gian thử việc với mức lương thấp và môi trường có áp lực, yêu cầu trách nhiệm cao.

Là người thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Vũ Đức Trí Thể, Giám đốc Phát triển đào tạo của Trường doanh nhân Pace, cho biết nhiều sinh viên và người mới đi làm chỉ nghĩ là sẽ được doanh nghiệp đào tạo lại từ đầu và việc đến đâu thì làm đến đó. Tuy khẳng định doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo nhân viên mới về chuyên môn, ông Thể vẫn khuyên các em sinh viên có thể thu thập kinh nghiệm mà doanh nghiệp cần từ trước khi xin việc bằng việc làm thêm, hoạt động đoàn đội và xã hội. Các em hoàn toàn có thể trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề hay kỹ năng lãnh đạo từ các hoạt động của nhà trường hay xã hội nếu không có điều kiện đi làm thêm.

Trách nhiệm rèn luyện thái độ làm việc

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh, nhà sáng lập và chuyên gia đào tạo nhân sự của tổ chức khởi nghiệp và kinh doanh Vietnam Business Matching, cho rằng khoảng cách giữa đòi hỏi của doanh nghiệp và kỹ năng làm việc của sinh viên đầu tiên bắt nguồn từ tư duy đào tạo. Các chương trình trong giảng đường chưa giúp các em nhận thức được thái độ và tư duy của người đi làm. Từ đó, các em sẽ không hiểu được tâm thế mình đang ở đâu khi bước vào công việc. Các em đã có các kiến thức tri thức để đi làm nhưng chưa có tâm lý cần cho người đi làm, đó là tâm thế. Tâm thế các em phải biết mình cần kiến thức quản trị nghề nghiệp, hiểu được khi mình đi làm phải hòa đồng với xã hội và có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các doanh nghiệp cũng cần phải khắt khe hơn trong quá trình tuyển người. Trước tiên cần ghi nhận thường các doanh nghiệp không quá đòi hỏi người mới đi làm có những kỹ năng đúng như mình cần. Hơn ai hết doanh nghiệp cũng hiểu rằng nếu không bỏ vốn đào tạo nhân viên mới thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để người nhân viên có thể thu thập kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhu cầu và văn hóa làm việc của mỗi công ty cần được làm rõ và thống nhất giữa người quản lý với những ứng cử viên. Qua đó có thể tránh được những chệch choạc lẫn thất vọng về thái độ làm việc của sinh viên mới ra trường.

Các trường đại học cần nhập cuộc

Ông Thể cho rằng các trường đại học đang rất quan tâm đến việc cải tiến chương trình đào tạo. Danh tiếng lẫn nguồn thu của các trường phụ thuộc vào chất lượng sinh viên, trong đó có một phần được phản ánh qua ý kiến doanh nghiệp. Gần đây, ông Thể đã ghi nhận được một sáng kiến mới từ doanh nghiệp là nhà trường nên cùng đối thoại cùng các doanh nghiệp 6 tháng một lần để liên tục cải cách vào kiến tạo các chương trình phù hợp hơn. Bên cạnh đó oanh nghiệp còn nêu ý kiến sinh viên nên đi thực tập từ năm 2, để bỏ dần khoảng cách giữa thực tế và sách vở.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276958/diem-yeu-chung-cua-nhung-sinh-vien-moi-tot-nghiep.html