Điểm yếu chí mạng trong phim kinh dị 'The Black Phone'

'The Black Phone' theo chân cậu bé Finney Shaw (Mason Thames) trong hành trình trốn khỏi căn hầm của một tên bắt cóc biến thái (Ethan Hawke).

Black Phone chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Joe Hill - con trai ruột của Stephen King. Dó đó, khi xem phim, khán giả sẽ ít nhiều có sự liên tưởng tới những tác phẩm như It, hoặc Stranger Things.

 Màu sắc phim gợi nhắc It, Stranger Things.

Màu sắc phim gợi nhắc It, Stranger Things.

Năm 1978, tại thị trấn nhỏ gần ngoại ô Colorado (Mỹ) xuất hiện những vụ mất tích bí ẩn, với đối tượng bị nhắm tới là các nam thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15. Cậu bé nhút nhát Finney Shaw là nạn nhân gần nhất.

Kẻ bắt cóc (biệt danh The Grabber) nhốt cậu vào một căn hầm cách âm tuyệt đối. Hàng ngày, hắn mang thức ăn, bắt Finney chơi trò thử thách tâm lý “Cậu bé ngoan”. Trong căn hầm có một chiếc điện thoại màu đen đã bị hỏng từ lâu, song khi hồi chuông đầu tiên vang lên, Finney nhận ra cậu có thể trò chuyện với những nạn nhân đã chết trước đó. Với những chỉ dẫn từ họ, Finney từng bước tìm cách thoát khỏi căn hầm.

Phim gợi tính hoài niệm cho fan của Stephen King

Tác giả Joe Hill có cách viết chịu ảnh hưởng nhiều từ cha, nên không lạ khi phiên bản chuyển thể mang đến không khí tương đồng với "ông hoàng kinh dị", sở hữu ba chi tiết thường xuất hiện trong tác phẩm của King: Cốt truyện đa tuyến tính, sức mạnh siêu nhiên, sát nhân hàng loạt.

Black Phone có lối kể ổn định, dựng phim khéo. Nội dung tác phẩm xoay quanh hai luồng truyện chính. Một là hành trình Finney tìm cách thoát khỏi tên sát nhân, với sự trợ giúp của những hồn ma. Hai là quá trình mà em gái cậu là Gwen Shaw nỗ lực tìm kiếm anh trai, dựa vào khả năng ngoại cảm của mình.

Người hâm mộ dễ nhận ra The Black Phone chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách kinh dị đặc trưng của Stephen King.

Bộ phim làm tốt trong việc kể lồng ghép cả hai tuyến truyện mà vẫn giữ được sự mạch lạc. Cả hai tuyến chạy song hành tạo nên một mạch phim liên tục, và điểm gặp nhau cũng chính là phần kết của câu chuyện.

Ngoài ra, tác phẩm đến từ Blumhouse còn có một điểm cộng lớn, đó là không lạm dụng jumpscare. The Black Phone vẫn có những màn hù dọa quen thuộc thường thấy của dòng phim kinh dị, song đạo diễn Scott Derrickson đủ thông minh để đặt nó vào những phân cảnh hợp lý.

Tính chuyên nghiệp trong khâu dựng phim mang đến cho người xem sự hài lòng và ít nhiều cảm giác được tôn trọng. Bởi lẽ, thay vì bào mòn nỗi sợ của khán giả bằng những phân đoạn hù dọa thiếu tính sáng tạo, nhà làm phim tập trung khai thác nỗi sợ dưới những hình thức khác, với góc nhìn chính thông qua đôi mắt của Finney.

Ban đầu, ông khai thác những cảm xúc bắt nguồn từ hiện thực: Sự hoảng loạn của toàn thị trấn khi biết có một tên sát nhân rình rập nơi họ sống, hay cảm giác tuyệt vọng và lo sợ của Finney khi biết mình đang nằm trong tay một gã giết người bệnh hoạn.

Theo mạch phim, cảm xúc - hay cụ thể hơn là nỗi sợ được Scott Derrickson mở rộng hơn, đó là nỗi kinh khiếp đến từ thế lực siêu nhiên như ma quỷ, hay những điềm báo mà Gwen nhìn thấy.

Bên cạnh việc khai thác nỗi sợ, The Black Phone còn mang đến cho người xem những tràng cười nhẹ nhàng, duyên dáng. Với lối diễn xuất tự nhiên, cô bé Madeleine McGraw trở thành một điểm sáng của tác phẩm.

Gwen nhiều lần lấn át cả nhân vật chính, gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng những câu thoại hài hước, dí dỏm, có phần xéo sắc. Những màn đối đáp thông minh của Gwen với người lớn đã cứu vớt không khí bình bình xuyên suốt hồi một bộ phim.

Phim khó giữ phong độ xuyên suốt

Ngoài cô bé Gwen Shaw lém lỉnh, các nhân vật còn lại bị xây dựng một màu, kể cả hai vai chính diện - phản diện.

Sự mờ nhạt bắt nguồn từ việc bộ phim không khắc họa tốt tâm lý nhân vật. Để phục vụ cho cốt truyện, Finney và hành trình thoát khỏi căn hầm của cậu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các hồn ma. Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa cậu với những vai còn lại cũng tương đối mờ nhạt.

Vai chính thiếu cá tính hấp dẫn khán giả.

Tạo hình của Ethan Hawke trong phim trở thành một điểm yếu chí mạng. Từ đầu đến cuối, The Grabber chỉ đeo chiếc mặt nạ mô phỏng diện mạo của quỷ Satan, kết hợp với cách bố trí góc quay và ánh sáng khiến khán giả khó nhìn ra biểu cảm của nhân vật.

Điều này khiến The Grabber giống cỗ máy giết chóc không có chiều sâu. Hình ảnh này mâu thuẫn với tên sát nhân được Scott Derrickson khắc họa ở đầu phim: Một gã giết người có những ẩn khuất trong tâm lý.

Có cốt truyện mạch lạc, dễ tiếp cận, song The Black Phone lại không khai thác được hết tiềm năng. Ban đầu, bộ phim khơi ra nhiều vấn đề cần giải quyết, thế nhưng đến cuối, vẫn còn quá nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ.

Những câu hỏi này chủ yếu xoay quanh nhân vật The Grabber của Ethan Hawke. Tại sao hắn chỉ nhắm vào những nam thiếu niên? Động cơ dẫn đến hành vi giết người của hắn là gì? Chiếc điện thoại đen có gắn kết gì với ký ức của hắn? Tất cả được gợi ra ở nửa đầu phim, nhưng đến cuối cùng, không có câu trả lời nào thỏa đáng.

Với nhiều chất liệu có thể khai thác, nếu phim có sự phát triển nhân vật tỉ mỉ hơn, The Black Phone có thể trở thành một bộ phim kinh dị đủ sức ám ảnh khán giả, chứ không đơn thuần là một tác phẩm ở mức an toàn, dễ quên.

Thùy Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-yeu-chi-mang-trong-phim-kinh-di-the-black-phone-post1329137.html