Điểm yếu chí mạng có thể khiến tàu sân bay Mỹ bị Trung Quốc đánh chìm

Mỹ đang sở hữu hạm đội tàu sân bay uy lực nhất thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là các tàu sân bay hạt nhân Mỹ không có điểm yếu.

Một máy bay S-3 Viking chuyên săn ngầm của hải quân Mỹ.

Theo Business Insider, cuộc ganh đua sức mạnh cường quốc đang quay trở lại khi Mỹ tập trung vào đối phó các mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc.

Điều này để lộ ra những lỗ hổng lớn trong năng lực tác chiến chống ngầm của đội tàu sân bay Mỹ. Các chuyên gia quốc phòng ngày càng lo ngại sự trỗi dậy của lực lượng tàu ngầm Nga hay sức mạnh quân sự đến từ Trung Quốc.

Năng lực tác chiến chống ngầm

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, các tàu sân bay Mỹ sử dụng máy bay và trực thăng săn ngầm, chủ yếu là loại S-3 Viking. Ra mắt vào năm 1974, mẫu máy bay này được thiết kế để chuyên đối phó với tàu ngầm Liên Xô.

Nó không nhanh, nhưng có tầm hoạt động tới 3.200km và có thể cất cánh liên tục trong 10 giờ. Mẫu máy bay này được trang bị hệ thống radar cảnh giới và cảm biến hồng ngoại, cho phép phát hiện kính tiềm vọng tàu ngầm từ xa. Cảm biến phát hiện dị thường từ trường (MAD) và hàng chục phao định vị thủy âm trên phi cơ tạo năng lực săn ngầm đáng gờm.

Một chiếc S-3 Viking hạ cánh xuống tàu sân bay Mỹ.

Trong tình trạng chiến đấu, máy bay này có thể phóng tên lửa Harpoon, thả ngư lôi và mìn để tiêu diệt tàu ngầm đối phương.

Hải quân Mỹ còn sở hữu trực thăng săn ngầm SH-60F đảm nhận việc cảnh giới tầm gần trong bán kính 140 km quanh hạm đội. Ở phạm vi xa hơn, nhiệm vụ chống ngầm giao cho các phi cơ trinh sát săn ngầm như P-3C Orion và P-8A Poseidon. Nhược điểm của các máy bay này là chúng cần được cất cánh từ sân bay, chứ không phải trên tàu sân bay hạt nhân.

Sau Chiến tranh Lạnh, S-3 Viking chuyển dần từ tác chiến chống ngầm sang phóng tên lửa tiêu diệt các mục tiêu mặt đất. Những chiếc S-3 Viking đã tham gia chiến dịch quân sự ở Iraq năm 2003. Hải quân Mỹ còn trang bị cho mẫu máy bay này tên lửa Harpoon, chuyển trọng tâm từ “săn ngầm” sang “kiểm soát biển”.

Tử huyệt của tàu sân bay Mỹ

Ngày nay, Mỹ đang phải đối mặt với các mối đe dọa lớn hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng các máy bay săn ngầm S-3 Viking thì đã không còn được sử dụng và cũng không có bất cứ phương tiện nào thay thế, báo Mỹ phân tích.

“Suốt 20 năm không phải đối phó với mối đe dọa dưới mặt nước. Các lãnh đạo hải quân Mỹ chuyển hướng đầu tư cho các tiêm kích hạng nhẹ, tầm chiến đấu ngắn như F/A-18 Hornet mà bỏ qua việc cải thiện khả năng săn ngầm”, Jerry Hendrix, cựu sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ nói.

Các tàu ngầm tấn công hạt nhân cũng có thể đóng vait trò hộ tống tàu sân bay.

Ví dụ như trong chiến tranh Vùng vịnh, hải quân Mỹ không hề phải lo đến khả năng bị tàu ngầm đối phương tấn công.

Bản thân Hendrix từng dành cả thập kỷ trên các phi đội tuần tra P-3 Orion. Phi đội này thường diễn tập tác chiến chống ngầm và săn tàu ngầm đối phương.

Các máy bay săn ngầm S-3 Viking vẫn còn tuổi thọ hàng nghìn giờ bay vì thế bị xếp xó. Hàng chục chiếc đang được cất tại căn cứ Davis-Monthan ở bang Arizona. "Chúng bị loại biên quá sớm, khi vẫn còn đủ điều kiện vận hành", Hendrix nói.

Không còn các máy bay S-3 Viking, năng lực tác chiến chống ngầm của hạm đội tàu sân bay Mỹ được giao phó cho P-8 Poseidon và trực thăng. Nhưng P-8 Poseidon cần phải cất cánh từ mặt đất, còn trực thăng thì không thể hoạt động bền bỉ và có hệ thống đủ mạnh như máy bay S-3 Viking, Hendrix nói.

Trên thực tế, hải quân Mỹ hoàn toàn có thể huy động thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân đóng vai trò hộ tống các tàu sân bay. Nhưng các mẫu tàu ngầm này hết sức đắt đỏ và chúng có thể trở thành mục tiêu cần phải tiêu diệt trước của các tàu ngầm Nga hay Trung Quốc.

Đăng Nguyễn - Business Insider

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/diem-yeu-chi-mang-co-the-khien-tau-san-bay-my-bi-trung-quoc-danh-chim-946052.html