Điểm yếu chết người của Hải quân Trung Quốc trong tác chiến tầm xa

Mặc dù được đánh giá có tốc độ phát triển thần tốc về vũ khí trang bị, tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều hạn chế khiến ngay cả giới lãnh đạo quân sự của chính nước này cũng hết sức lo lắng.

Để hiện thực hóa tư tưởng quân sự và để phục vụ những mưu đồ ở nhiều vùng biển khác nhau, trong những năm qua, có thể thấy Hải quân Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển cả về số lượng và chất lượng lực lượng tác chiến.

Để hiện thực hóa tư tưởng quân sự và để phục vụ những mưu đồ ở nhiều vùng biển khác nhau, trong những năm qua, có thể thấy Hải quân Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển cả về số lượng và chất lượng lực lượng tác chiến.

Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào trang bị nhiều tàu chiến mặt nước hiện đại thuộc lớp 054; các loại tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân lớp Thương, lớp Hán; máy bay tác chiến chống ngầm; tàu sân bay... Tuy nhiên, theo giới chuyên gia phân tích quân sự, Hải quân Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều hạn chế, điểm yếu chết người.

Điểm yếu của Hải quân Trung Quốc thứ nhất: Vũ khí trang bị mặc dù được đưa vào biên chế nhiều nhưng thiếu khả năng tác chiến tầm xa. Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền kiểu mới đưa vào sử dụng trong Quân đội Trung Quốc ngày càng nhiều như tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng số hiệu 001, tàu khu trục kiểu mới, tàu tiếp tế tổng hợp kiểu mới. Thế nhưng, trong nhiều năm trước đây khi thiết kế chế tạo tàu chiến mặt nước, Trung Quốc đã không quan tâm nhiều đến nhiệm vụ biển xa, một số tàu chiến khi làm nhiệm vụ hộ tống xa bờ phải qua cải tiến mới có thể đảm đương nhiệm vụ.

Thậm chí, những chiếc tàu thực hiện nhiệm vụ hộ tống hành trình thời gian đầu đều phải lắp thêm hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và thiết bị trih sát quang điện.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ trên tàu chiến chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, hàm lượng công nghệ của vũ khí trang bị ngày càng cao. Chính các lãnh đạo cấp cao trong lực lượng Hải quân Trung Quốc cũng đã thừa nhận, binh sỹ của lực lượng này đang bị thiếu hụt trầm trọng về trình độ ngoại ngữ, số thuyền trưởng có thể trực tiếp giao tiếp với quân sỹ nước ngoài không nhiều; ít hiểu biết về luật quốc tế, luật chiến tranh, luật biển và các tri thức về biển, về địa lý quân sự thế giới.

Bên cạnh đó, các sĩ quan Hải quân Trung Quốc còn thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục nước ngoài, nghi thức ngoại giao, tố chất tâm lý của một số sĩ quan còn chưa vững vàng, còn thiếu những nhân viên chuyên môn về tâm lý, pháp luật, dịch thuật, thiếu những nhân tài chuyên sâu và đa năng.

Thứ ba, lực lượng tác chiến trên không của hải quân hạn chế. Lâu nay, Trung Quốc vẫn chủ yếu tập trung vào vùng biển gần, tàu mặt nước và tàu ngầm khi thực hiện nhiệm vụ ở vùng ven biển có thể nhận được sự chi viện kịp thời, hiệu quả từ lực lượng không quân trên bờ, đồng thời còn có thêm sự chi viện cự ly gần của trực thăng trên hạm. Nhưng khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến tầm xa, vượt khỏi phạm vi chi viện của lực lượng không quân trên bờ, bất luận là nhiệm vụ tác chiến tấn công đối bờ, đối hải hay thực hiện nhiệm vụ chi viện tình báo trinh sát, cảnh báo sớm, thăm dò… đều ở thế bị động.

Các trực thăng chiến đấu trên hạm của Hải quân Trung Quốc chỉ có bán kính tác chiến chưa đến 500km, trong khi đó, máy bay chiến đấu trên tàu sân bay chưa hình thành năng lực tác chiến.

Thứ tư, thiếu hụt lực lượng bảo đảm tác chiến tầm xa. Bên cạnh việc thiếu hụt các loại tàu bảo đảm hậu cần trọng tải lớn thì Hải quân Trung Quốc còn đang rất phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu GPS. Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng hệ thống định vị dẫn đường toàn cầu riêng là Bắc Đẩu, tuy nhiên hệ thống này hiện nay vẫn chưa thể thực hiện bao phủ toàn cầu, hơn nữa độ tin cậy khi vận hành còn phải tiếp tục nâng cấp hơn nữa.

Ngoài ra, năng lực theo dõi môi trường biển tầm xa vẫn ở con số không, khi thực hiện nhiệm vụ biển xa, thiếu thông tin toàn diện, chính xác về môi trường địa lý biển và thông tin khí tượng thủy văn ở các vùng biển đi qua. Bên cạnh đó, các thiết bị trinh sát, cảnh báo sớm trên không của Hải quân Trung Quốc cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi đó, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định trên hạm vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Video Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên - Nguồn: VTC14

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/diem-yeu-chet-nguoi-cua-hai-quan-trung-quoc-trong-tac-chien-tam-xa-1392341.html