Điểm tựa vững chắc cho người 'ra trận'

Trong cuộc chiến với 'giặc' Covid-19, các 'chiến sĩ áo trắng' nơi tuyến đầu đã, đang phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường với những giọt mồ hôi không kịp khô và những bữa cơm vội vã… Song, khi nghĩ về người thân nơi hậu phương đang từng ngày lo toan và luôn trông ngóng, sự vất vả, gian nan, phải đối mặt nhiều rủi ro dịch bệnh không làm họ nản lòng... Gia đình chính là điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp những người nơi tuyến đầu yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông thăm, tặng quà cho con bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Bệnh viện Quân y 103) đang tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang.

Những “ông ngâu, bà ngâu”...

Trong những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội lan truyền bức ảnh một nữ cán bộ y tế mặc bộ đồ bảo hộ kín bưng nằm vắt mình nghỉ trên 2 chiếc ghế đẩu ở Nhà văn hóa xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) với nhiều dòng bình luận bày tỏ sự cảm ơn, chia sẻ nỗi vất vả đối với chị. Khi mới nhìn thấy hình ảnh này, anh Nguyễn Tuấn Anh, điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm đang căng mình trong tâm dịch, cũng rất thương cảm cho đồng nghiệp. Mãi về sau anh mới biết rằng, nhân vật trong bức ảnh đó chính là người vợ thân yêu của anh - điều dưỡng viên Nguyễn Võ Cẩm Nhung, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, thành viên trong Đoàn cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thực hiện đợt tăng cường chống dịch gần 60 ngày cho tỉnh Bắc Giang. Lúc này, cảm xúc trong anh Tuấn Anh vỡ òa, vừa nghẹn ngào, xót xa, vừa yêu thương dâng trào. Anh thầm nhủ trong lòng sẽ bù đắp những tháng ngày gian khổ cho vợ khi chiến thắng đại dịch, cả gia đình đoàn tụ. Bởi chị Nhung vừa kết thúc đợt tăng cường chống dịch từ Bắc Giang trở về vào ngày 8-6 thì lại bịn rịn chia tay chồng và con nhỏ 1 tuổi, tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tại khu cách ly ở quận Hoàng Mai. Chuyện vợ chồng chị Nhung - anh Tuấn Anh như câu chuyện “ông ngâu, bà ngâu” mùa chống dịch.

Một câu chuyện cảm động khác được ghi nhận ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Tại đây, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Tú và anh Trần Sơn đều là những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch với nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0), đón người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) đưa đến bệnh viện và khu cách ly tập trung. Mọi người thường nói vui, hai vợ chồng chị vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, luôn sát cánh bên nhau trong công việc cũng như lo toan cho gia đình. “Mỗi tháng, vợ chồng chúng tôi được ngủ ở nhà cùng 3 con (2 cháu sinh đôi 9 tuổi và một cháu 1 tuổi) 10 đêm. Nhiều khi, vợ chồng như mặt trăng, mặt trời vì có hôm tôi trực từ 8h đến 16h, thì anh Sơn lại trực đêm từ 16h hôm trước đến 8h hôm sau. Có khi hai vợ chồng làm tăng cường một ca trực cấp cứu kéo dài 24 giờ đồng hồ (từ 8h sáng hôm trước đến 8h sáng hôm sau), có những thời điểm phải làm đến 25-27 giờ đồng hồ mới kết thúc”, chị Ngọc Tú bộc bạch.

Chia sẻ về nhiệm vụ của những người nơi tuyến đầu, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Nguyễn Thành cho biết: “Chúng tôi luôn xác định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên công việc còn vất vả. Sẽ còn nhiều chuyến xe làm nhiệm vụ đặc biệt và không chỉ có gia đình chị Tú - anh Sơn, rất nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng, lái xe... phải tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó chính là thể hiện trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng xã hội”.

Hậu phương vững chắc

Đối với vợ chồng điều dưỡng viên Nguyễn Võ Cẩm Nhung (sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai), hậu phương vững chắc là hai bên nội, ngoại, đã hỗ trợ rất lớn mỗi khi anh chị cùng phải thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Chị Cẩm Nhung cho biết, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị gửi con về ông, bà ngoại ở phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), thi thoảng mới về thăm con. Được ông bà chăm sóc các con và động viên, vợ chồng chị thấy rất ấm lòng và yên tâm.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Tú khi nhắc đến 3 con thơ lại ngân ngấn nước mắt, thương các con phải tự trông nhau khi bố mẹ vắng nhà. "Có lúc em út khóc vì nhớ mẹ, chị lớn điện thoại gọi mẹ, tôi không sao cầm được nước mắt. Các con tuy còn bé nhưng biết bảo ban, chăm sóc nhau nên vợ chồng tôi cũng yên tâm để hoàn thành nhiệm vụ", chị Tú xúc động nói.

Cũng như nhiều gia đình có người thân là y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch, hiểu được khó khăn, vất vả của những bác sĩ tuyến đầu, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, 62 tuổi, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý, pháp y Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) ở tổ dân phố số 7 phường Phúc La (quận Hà Đông) vui vẻ trở thành hậu phương cho con trai là anh Nguyễn Văn Tuấn, Thạc sĩ, Bác sĩ Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Quân y 103 yên tâm làm nhiệm vụ tại tâm dịch tỉnh Bắc Giang. Con dâu ông cũng làm trong ngành Y, không mấy khi rảnh rỗi, nên ông bà chăm 2 cháu nội để các con tập trung công tác. "Chúng tôi thấu hiểu nhiệm vụ nặng nề của người thầy thuốc. Đó vừa là mệnh lệnh của nghề y, cũng là mệnh lệnh từ trái tim, khi đất nước cần thì sẽ có mặt”, ông Tuyên chia sẻ.

Nói về cảm xúc khi đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình đang có các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương xúc động kể: “Đó là những câu chuyện đầy tâm sự nhưng thể hiện sự kiên nghị của người cha, cùng sự ấm ấp của người mẹ, những lời nói hồn nhiên, đáng yêu của con nhỏ… Đây chính là sự gửi gắm tới người thân nơi tuyến đầu, hãy vững niềm tin, chiến đấu hết mình để dập dịch, sớm trở về cùng gia đình”.

Cũng theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương, nhằm sẻ chia với những “chiến sĩ áo trắng” và gia đình của họ, chiều 1-6 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông đã đến thăm, tặng quà cho các cháu thiếu nhi tại tổ dân phố số 7 và số 8 phường Phúc La (quận Hà Đông), đang phải xa cách bố hoặc mẹ là những y, bác sĩ của Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Đó là nghĩa cử nhỏ để góp phần động viên hậu phương của những người ở tuyến đầu...

Có đến từng gia đình mới thấu hiểu hết những hy sinh, đóng góp của các y, bác sĩ và người thân của họ trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19. Dù tiền tuyến ở xa Thủ đô hay làm nhiệm vụ ở ngay các trung tâm xét nghiệm, khu cách ly tập trung, trung tâm y tế… tại Hà Nội, hằng ngày đối diện với rất nhiều rủi ro dịch bệnh, song họ vẫn cống hiến với sự nhiệt huyết gấp đôi, gấp ba ngày thường. Cùng với sự ghi nhận, ủng hộ của xã hội, gia đình, người thân luôn là hậu phương gần gũi “tiếp sức”, nhân thêm sức mạnh cho các y, bác sĩ từ sự kiên định, niềm tin vững chắc vào một ngày không xa sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Dung - Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1002464/diem-tua-vung-chac-cho-nguoi-ra-tran